Đọc gì trong Doanh Nhân Sài Gòn số 256 (ra ngày 14/8)

P.V tổng hợp| 12/08/2013 03:02

Mặc dù thị trường đang chứng kiến sự xuất hiện của nhiều tập đoàn bán lẻ lớn từ nước ngoài nhưng cạnh trạnh ở kênh siêu thị hiện nay vẫn là cuộc đối đầu giữa Co.opmart và Big C.

Đọc gì trong Doanh Nhân Sài Gòn số 256 (ra ngày 14/8)

Báo Doanh Nhân Sài Gòn số 256 (phát hành ngày 14/8) có các nội dung chính sau:

Chuyên đề:

Thị trường bán lẻ: Thế chia ba

Mặc dù thị trường đang chứng kiến sự xuất hiện của nhiều tập đoàn bán lẻ lớn từ nước ngoài nhưng cạnh trạnh ở kênh siêu thị hiện nay vẫn là cuộc đối đầu giữa Co.opmart và Big C.

Nếu như Big C chọn “Giá rẻ cho mọi nhà” thì Co.opmart làm “Bạn của mọi nhà”. Trong đó, hàng ngàn mặt hàng ở Big C được xem là có giá thấp hơn các siêu thị khác từ 1-3%. Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc Đối ngoại Big C, cho rằng: “Việc kinh doanh của Big C nhắm đến chính sách giá tốt nhất cho người tiêu dùng, đi kèm với chất lượng hàng hóa được kiểm soát chặt chẽ và dịch vụ phân phối tiện lợi và hiện đại”.

Không xem hàng hóa giá rẻ là cách cạnh tranh nhằm tăng thị phần trên thị trường bán lẻ, nhưng Co.opmart cũng liên kết với các nhà sản xuất để “tinh giảm chi phí, tạo ra giá hợp lý và giá tốt nhất”.

Các chuyên gia thương hiệu cho rằng, Co.opmart quá hiểu tâm lý người tiêu dùng Việt Nam và Big C cũng rất am tường thị trường bán lẻ Việt Nam cũng như tập quán mua sắm, thị hiếu khách hàng nên nắm bắt, đón đầu và phục vụ hiệu quả nhu cầu ấy. Vì thế, mà tỷ lệ hàng nội địa tại hai đơn vị này đều chiếm đến 90-95% trong cơ cấu hàng hóa.

Không dừng lại ở mô hình bán lẻ, giờ đây Co.opmart “lấn sân” sang phân khúc bán sỉ với sự ra đời của hai thương hiệu đại siêu thị Co.opXtra và Co.opXtraplus của Saigon Co.op (thương hiệu mẹ của Co.omart). Lâu nay, thế mạnh của Co.opmart là bán lẻ, với sự ra đời của Co.opXtraPlus, Saigon Co.op quyết cạnh tranh trong cả trong lĩnh vực bán sỉ lẫn bán lẻ. Nếu như bán sỉ vốn là “lãnh địa” của Metro Cash & Carry Việt Nam từ hơn chục năm nay thì nay có thêm Co.opXtraPlus.

Trước động thái mới của Saigon Co.op, gần đây, Metro Cash & Carry Việt Nam đã triển khai chiến lược kinh doanh mới. Nay, thay vì chỉ tập trung vào các nhóm khách hàng chuyên nghiệp, như khách sạn, nhà hàng, các công ty dịch vụ và cung cấp suất ăn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, văn phòng, công sở thì gần đây, doanh nghiệp này mở rộng ra nhóm khách hàng cụ thể, gồm các quán ăn, nhà hàng, các cửa tiệm tạp hóa, bếp ăn tập thể, văn phòng và nhà máy.

Chuyện làm ăn:

Thị trường hạt nêm, bột canh: Đậm phần ngoại, lạt phần nội

Sau khi hạt nêm Chinsu (Masan Food) rút khỏi “cuộc chơi”, thị trường hạt nêm hiện chỉ còn ba đối thủ lớn Knorr (Unilever), Maggi (Nestlé), Aji-Ngon (Ajinomoto) cạnh tranh và thống lĩnh. Các doanh nghiệp (DN) nội dù cố chen chân nhưng cánh cửa đã hẹp lại.

Dù không công bố con số cụ thể, nhưng cả ba công ty Unilever, Ajinomoto, Nestlé đều cho biết, những năm qua dù kinh tế khó khăn nhưng hạt nêm vẫn mang lại doanh thu ổn định và mức tăng trưởng khả quan. Thực tế thị phần của ba thương hiệu này nếu tính trung bình đều ở mức xấp xỉ nhau.

Có những thương hiệu mạnh ở thị trường này nhưng lại yếu ở thị trường khác. Song, cạnh tranh sản phẩm vẫn là “trận chiến” nóng nhất. Gần như một thương hiệu vừa công bố chiến lược mới, thì ngay sau đó các thương hiệu khác cũng có những chiến lược đua theo.

Thị trường gia vị Việt Nam phát triển nhanh, trên 50%/năm, nên thu hút rất nhiều thương hiệu tham gia. Tuy nhiên, trước ba DN nước ngoài có bề dày thương hiệu, nội lực lẫn tài chính, hầu như các DN nội muốn chen chân vào lĩnh vực sản xuất hạt nêm đều rất e dè và đa số chỉ dừng ở bột canh, bột nêm.

Nhà đất:

Bất động sản: Lực hút

Không ít nhà đầu tư vẫn nhảy vào thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam bất chấp những dự báo không mấy lạc quan về nền kinh tế.

Dự báo về mua bán - sáp nhập (M&A), David Blackhall, Giám đốc Điều hành Quỹ Đầu tư VinaLand (thuộc Tập đoàn VinaCapital) cho biết, năm 2013 - 2014, nhiều công ty Việt Nam gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn và hạn chế trong quản lý, dẫn đến hiện trạng thị trường bị định giá thấp và trở thành điểm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN).

Tại phiên kết nối các cơ hội đầu tư trong lĩnh vực BĐS của Diễn đàn M&A 2013 (được tổ chức ở TP.HCM vào ngày 8/8), ông Phan Minh Tuấn, Tổng giám đốc Tổng công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam (CTX Holdings) cho rằng, hiện nay nhu cầu của nhóm khách hàng tổ chức đối với BĐS rất lớn, chủ yếu là sở hữu tòa nhà văn phòng vừa để làm trụ sở cho công ty vừa để kinh doanh.

Trong khi đó, các nhà đầu tư, quỹ đầu tư lại muốn tham gia vào hạng mục khách sạn, khu nghỉ dưỡng; một số thì lại nhắm đến việc sở hữu các BĐS để xây dựng khu công nghiệp cho các doanh nghiệp (DN) nước mình đến để đầu tư - sản xuất, hoặc chí ít là tòa nhà cho chuyên gia đến thuê kinh doanh.

Nói về khả năng thành công cho các hoạt động M&A, ông Marc Townsend, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam, cho rằng, số lượng dự án chuẩn bị M&A khá lớn nhưng số dự án tiềm năng thì không nhiều. Cao ốc văn phòng và bán lẻ là hai mảng “đắt giá” hiện nay.

NĐT ngoại có xu hướng chuộng trung tâm thương mại và đây là phân khúc có tiềm năng lớn. Còn DN nội lại chủ yếu tham gia giao dịch ở hạng mục nhà ở. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến cho rằng, ở thời điểm này chưa nên quyết định vội vì giá trị BĐS vẫn sẽ tiếp tục đi xuống, khi đó bên đi mua dự án sẽ tìm được giá hời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đọc gì trong Doanh Nhân Sài Gòn số 256 (ra ngày 14/8)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO