Doanh nghiệp Việt theo "đại dương đỏ" hay tìm "đại dương xanh"?

KHÁNH PHƯƠNG| 15/02/2018 06:48

Ngày nay, doanh nghiệp đang phải chịu áp lực rất lớn trước các mô hình kinh doanh hiện đại cũng như nhiều đối thủ mới. Liệu doanh nghiệp nên tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh trong "đại dương đỏ” hay cần khai phá, tìm kiếm cơ hội ở "đại dương xanh"?

Doanh nghiệp Việt theo

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng và các hiệp định tự do thương mại song phương lẫn đa phương thêm rộng cửa, nhiều doanh nghiệp (DN) các nước đã gia nhập vào thị trường Việt Nam, nơi vốn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng, đặc biệt từ khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hoạt động vào cuối năm 2015. Trong khi đó, cùng với sự phát triển công nghệ, nhiều mô hình kinh doanh hiện đại đã ra đời và đe dọa trực tiếp đến các mô hình kinh doanh truyền thống.

Lựa chọn bắt buộc

Trước hiện thực ấy, DN Việt Nam phải đối mặt với áp lực cạnh tranh cao hơn và bị buộc phải lựa chọn giữa 2 chiến lược: Đi theo "đại dương xanh" hay "đại dương đỏ"?

Trong tác phẩm Chiến lược đại dương xanh, W.Chan Kim và Renee Mauborgne đã mô tả "đại dương xanh" là những khoảng trống thị trường không có sự cạnh tranh hoặc cạnh tranh không đáng kể. Ngược lại, "đại dương đỏ" là những thị trường truyền thống đã lấp đầy đối thủ và đã được khai thác rất kỹ. Sự cạnh tranh trong môi trường này là cực kỳ gay gắt, do các quy luật đã được thiết lập rõ ràng, thị phần đã được phân chia và khó có thể mở rộng thêm.

Tạo giá trị mới

Do cạnh tranh ngày càng quyết liệt, nhiều DN Việt Nam đã bắt đầu xây dựng chiến lược "đại dương xanh". Theo đó, họ mạnh dạn bước vào những lĩnh vực, thị trường mới hoặc tạo ra những giá trị, nhu cầu mới cho người dùng. Chẳng hạn, hãng hàng không giá rẻ Vietjet đã kích thích nhu cầu đi máy bay của tầng lớp bình dân với giá vé rất cạnh tranh. Do đó, theo như chủ tịch của doanh nghiệp này, Vietjet không phải đang lấy mất khách của Vietnam Airlines mà là mở rộng được đối tượng khách hàng.

Link bài viết

Các nghiên cứu, khảo sát và tìm hiểu nhu cầu khách hàng đã cho thấy đa phần khách hàng không có nhu cầu ăn trên máy bay, nhất là với những chuyến bay ngắn. Do đó, các hãng hàng không giá rẻ đã cắt giảm suất ăn và các chi phí không thật cần thiết để tạo nên giá vé cạnh tranh, đáp ứng đúng nhu cầu khách hàng.

Theo đó, dù chỉ mới thành lập vào năm 2007, thị phần của Vietjet đã tăng từ 8% năm 2012 lên 43% hiện nay. Hàng không giá rẻ vốn đã thịnh hành trên thế giới, nhưng tại Việt Nam, có thể nói Vietjet là DN tiên phong khi biết cách phát triển khách hàng mới và tổ chức khai thác hiệu quả.

Trong việc ứng dụng công nghệ để thiết lập nên mô hình kinh doanh mới, có thể nói, Uber và Grab rất nổi trội khi ngày càng gia tăng thị phần và đe dọa sự sống còn của các hãng taxi truyền thống. Cước phí di chuyển của Grab và Uber, vốn rẻ hơn nhiều so với taxi truyền thống, được hiển thị ngay trên smartphone trước khi khách lên xe nên đã thu hút nhiều khách hàng sử dụng.

Không những thu hút được nhóm khách hàng truyền thống từ các hãng taxi trong nước, Uber và Grab còn tạo ra một nhóm khách hàng mới có nhu cầu sử dụng ô tô đưa đón đi làm hằng ngày, đi ăn tiệc và đi chơi nhờ sở hữu mức giá rẻ và thường có các chương trình khuyến mãi.

Với thị trường "đại dương đỏ” truyền thống, dù có nhiều hãng taxi sở hữu số lượng xe lớn nhưng vẫn không thỏa mãn được nhu cầu của khách hàng về giá và chất lượng phục vụ. Một điều quan trọng nữa là nhiều người muốn đi ô tô nhưng không muốn có bảng taxi gắn trên chiếc xe đó và Uber lẫn Grab đã đáp ứng được tâm lý này. Hai hãng này thậm chí còn lấn sân sang thị trường vận chuyển và giao nhận hàng hóa.

Ảnh: QH

Ảnh: QH

Hay như một "ông lớn" khác là Vingroup, khi đã thành công với mảng bất động sản, giáo dục và y tế, gần đây đã bước vào lĩnh vực bán lẻ và mới nhất là sản xuất ô tô. Thị trường ô tô tại Việt Nam còn nhiều khoảng trống để khai phá, do đó Vingroup với tiềm lực tài chính mạnh, hoàn toàn đủ sức bước vào "cuộc chơi lớn" này để đón đầu tương lai.

Thị trường bán lẻ điện thoại di động và máy tính đang trở nên bão hòa và trong tương lai không loại trừ khả năng điện thoại di động có thể biến mất cũng như sẽ được thay thế bằng những thiết bị công nghệ mới. Thế Giới Di Động dần lấn sang các lĩnh vực khác như bán lẻ điện máy, dược phẩm hay rau quả, những thị trường vốn chưa được khai phá hết và còn thiếu những DN lớn với mô hình kinh doanh tập trung, được tổ chức, quản lý tốt nhờ ứng dụng công nghệ số để tối ưu hóa chi phí.Cũng có những DN mang công nghệ quản lý đã hoàn thiện, có lợi thế cạnh tranh và đã đạt được những thành công trong "đại dương đỏ” để áp dụng vào những mô hình kinh doanh mới mẻ với kỳ vọng đạt được thành công trong "đại dương xanh", như trường hợp của Thế Giới Di Động.

"Đại dương xanh" không tồn tại mãi

Tuy nhiên bất kỳ "đại dương xanh" nào rồi cũng sẽ dần trở nên "đỏ” khi có sự tham gia của nhiều DN mới. Khi thị trường bị chia nhỏ với nhiều đối thủ cạnh tranh hơn, các công ty phải tìm cách giành lấy thị phần, tiết giảm chi phí để cạnh tranh về giá hoặc tạo ra sản phẩm khác biệt.

Bất kỳ "đại dương xanh" nào rồi cũng sẽ dần trở nên "đỏ” khi có sự tham gia của nhiều DN mới. Khi trường bị phân khúc nhỏ hơn với nhiều đối thủ cạnh tranh hơn, các công ty phải tìm cách giành lấy thị phần, tiết giảm chi phí để cạnh tranh về giá hoặc tạo ra sản phẩm khác biệt.

Hàng không giá rẻ đang chứng kiến ngày càng có thêm nhiều đối thủ muốn tham gia, như Air Asia của Malaysia và Tre Việt. Các hãng taxi truyền thống cũng đang triển khai những ứng dụng cung cấp xe với giá biết trước và đặc biệt là giữ nguyên giá bất kể trời mưa hay giờ cao điểm, điều mà các hãng như Uber hay Grab hiện tại không làm được. Và nếu duy trì được chính sách này thì đó là lợi thế cạnh tranh của các hãng truyền thống, bên cạnh cung cấp thêm dịch vụ đi xe không có biển taxi.

Ở lĩnh vực tài chính, nếu như trước đây, các ngân hàng chỉ tập trung vào việc cho DN vay với những khoản vay giá trị lớn thì nay đang tìm hướng đi mới ở phân khúc khách hàng cá nhân, đặc biệt là cho vay tiêu dùng dành cho tầng lớp bình dân. Tuy nhiên, phân khúc này hiện cũng đang hứng chịu sự cạnh tranh quyết liệt khi ngay cả ngân hàng bán buôn cũng tham gia.

Trong khi đó, ngành ngân hàng đang đối mặt với thách thức từ các công ty công nghệ tài chính (fintech), vốn được dự báo sẽ trở thành xu hướng trong tương lai gần. Do đó, gần đây, một vài ngân hàng chuyển đổi mô hình kinh doanh dựa trên fintech hoặc chủ động bắt tay với các công ty fintech để khai phá những lĩnh vực mới và thu hút phân khúc khách hàng mới.

Như vậy, tuy DN đã đạt được thành công trong một thị trường mới cũng phải thận trọng và cảnh giác trước sự tham gia của đối thủ mới và nên có cách thoát ra nếu thị trường đã phát triển đến mức bão hòa cũng như đang dần đi xuống rồi suy thoái. Yếu tố quan trọng là DN cần phải luôn đổi mới chính mình, liên tục nghiên cứu, tìm kiếm "đại dương xanh", tạo ra và giành lấy nhu cầu mới từ khách hàng, đồng thời phải có chiến lược khác biệt với chi phí thấp để có thể tăng trưởng bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp Việt theo "đại dương đỏ" hay tìm "đại dương xanh"?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO