Doanh nghiệp lớn hợp tác phát triển nông nghiệp

Ý Nhi| 12/02/2020 00:30

Nông nghiệp là ngành đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, nhưng đầu tư vào nông nghiệp lại là "gai góc" nhất. Với niềm tin đầu tư vào nông nghiệp sẽ mang lại lợi nhuận trong dài hạn, nhiều doanh nghiệp đã hợp tác làm ăn.

Doanh nghiệp lớn hợp tác phát triển nông nghiệp

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng thời kỳ hội nhập sâu rộng, Việt Nam ký được nhiều hợp đồng hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài, nên nông hải sản của Việt Nam xuất khẩu rất tốt, có điều kiện để phát triển quy mô lớn và đảm bảo tính hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chia sẻ: "Thế giới hiện có hơn 7,5 tỷ người và sẽ tăng lên khoảng 10 tỷ vào năm 2050. Vì vậy, an ninh lương thực là một trong những vấn đề toàn cầu phải chú ý, đặc biệt khi trái đất ngày càng nóng lên làm khí hậu biến đổi không có lợi cho nông nghiệp. Năm 2019, có 33 nước trên thế giới bị tổn thương rất lớn bởi dịch tả lợn châu Phi, do đó phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản là một thành tố rất quan trọng để đảm bảo an ninh lương thực ở Việt Nam, khu vực và thế giới"

Năm 2019, tổng giá trị nông lâm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đạt kim ngạch 41,3 tỷ USD và trở thành nước đứng thứ 13 trên thế giới về xuất khẩu các mặt hàng này. Trong đó, ngành thủy sản, nhất là tôm, cá tra đóng góp nhiều nhất. Để nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng cao, các doanh nghiệp cần "bắt tay nhau" để sản xuất, kinh doanh. 

Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco), một doanh nhân tâm huyết với ngành nông nghiệp cho hay, với chiến lược phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất công nghiệp quy mô lớn với chuỗi giá trị khép kín kết hợp giải pháp liên doanh, liên kết và tự đầu tư linh hoạt, ứng dụng công nghệ số và quản trị trên nền tảng số, góp phần nâng tầm ngành nông nghiệp Việt Nam, Thaco đã hợp tác với Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai thành lập Công ty CP Sản xuất - Chế biến và Phân phối sản phẩm nông nghiệp THADI, sở hữu 29.600ha đất. Trong đó, trồng cây ăn trái 10.000ha (gồm 5.000ha chuối) và trang trại nuôi 90.000 con bò thịt. THADI còn bao tiêu sản phẩm của 26.500ha cây ăn trái của nông dân, doanh nghiệp khác, trong đó chuối chiếm 11.000ha.

Với kinh nghiệm 15 năm hoạt động trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu cá da trơn lớn nhất Việt Nam, chuỗi khép kín từ sản xuất thức ăn chăn nuôi đến nuôi, chế biến và xuất khẩu thủy sản, sở hữu độc quyền giống heo được chuyển giao từ Đan Mạch, cung cấp heo giống chất lượng cao cho người chăn nuôi, thời gian qua, Công ty CP Hùng Vương đã chủ động hợp tác với THADI với tỷ lệ đầu tư của THADI là 65% trong mảng sản xuất heo giống với quy mô 45.000 con trong năm 2020 với tổng giá trị đầu tư 2.000 tỷ đồng, đầu tư chăn nuôi heo thịt theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) với quy mô 1.200.000 con/năm cho xuất khẩu và thị trường trong nước.

Chia sẻ khó khăn chung và riêng, ông Dương Ngọc Minh -  Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hùng Vương cho biết: "Ngành nông nghiệp Việt Nam chậm phát triển là do cơ chế và chưa được sự đầu tư mạnh mẽ từ Chính phủ, nhất là về tài chính. Bốn năm qua, các doanh nghiệp nông nghiệp luôn thiếu vốn. Đơn cử, khi Công ty Hùng Vương được nhập giống heo Đan Mạch cho năng suất rất cao thì cũng là lúc công ty chìm trong khó khăn do cơ chế đầu tư cho ngành nông nghiệp Việt Nam chưa có. Theo đúng quy trình, một con heo phải mất hơn một mét vuông chuồng trại nhưng với mức đầu tư cao như vậy thì ngân hàng cho rằng cho vay căn nhà, căn hộ sẽ tốt hơn vì lỡ có chuyện gì còn thu được vốn, còn cho vay làm chuồng heo thì nếu nuôi heo thất bại, lấy gì để bù!".

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: "Để ngành hàng thịt lợn thành công, liên doanh Hùng Vương - THADI dứt khoát phải làm theo chuỗi, từ con giống, từ chế biến thức ăn, từ nông trại đến nhà máy giết mổ, chế biến, đến tổ chức thị trường. Chỉ theo chuỗi như vậy mới có được kết quả ổn định, đạt giá trị thặng dư ổn định". 

Tin vào triển vọng năm 2020 và những năm tiếp theo, ông Trần Bá Dương cho biết: "Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng thời kỳ hội nhập sâu rộng, Việt Nam ký được nhiều hợp đồng hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài, nên nông hải sản của Việt Nam xuất khẩu rất tốt, có điều kiện để phát triển quy mô lớn và đảm bảo tính hiệu quả. Thời gian vừa rồi dịch tả lợn châu Phi mà đến nay chưa thể kiểm soát, thì cách chăn nuôi bài bản sẽ phát huy được hiệu quả trong thời gian tới. Việc Thaco hợp tác với Hoàng Anh Gia Lai đầu tư trồng cây ăn trái, chỉ trong một thời gian ngắn đã đạt được diện tích của gần 30.000ha. Hiện nay chúng tôi đang xuất khẩu bình quân một tháng tăng 12%". 

Cũng theo ông Dương, năm 2020, doanh thu của THADI là 600 triệu USD, Hoàng Anh Gia Lai là 400 triệu USD và Hùng Vương là 550 triệu USD, tổng cộng ba "hợp tác" này đạt doanh thu 1.550 tỷ USD, chiếm gần 4% doanh thu xuất khẩu của ngành nông nghiệp cả nước. 

Năm 2020, mục tiêu của THADI trong lĩnh vực nông nghiệp là tiếp tục hoàn thiện hơn nữa về chủng loại, quy hoạch vùng trồng cây ăn trái kết hợp chăn nuôi bò nhằm tạo ra hệ sinh thái sản xuất hữu cơ, có quy mô lớn, cơ giới hóa tối đa xuyên suốt chuỗi giá trị từ sản xuất, bảo quản, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ; triển khai thực hiện nhanh việc liên doanh với Hùng Vương nuôi heo giống và heo thịt.

Chỉ tiêu xuất khẩu của THADI trong năm 2020 là 150.000 tấn trái cây với doanh thu ước đạt 2.500 tỷ đồng, bao tiêu cho mảng nông nghiệp của Hoàng Anh Gia Lai 650.000 tấn trái cây các loại với doanh thu ước đạt 6.000 tỷ đồng, nuôi 90.000 bò thịt, 30.000 heo nái và 800.000 con heo thịt, trồng 6.000ha cây ăn trái, nâng tổng diện tích vùng trồng của THADI trong năm 2020 lên 14.000ha. Hỗ trợ Hoàng Anh Gia Lai trồng10.000ha, nâng tổng diện tích vùng trồng cây ăn trái của Hoàng Anh Gia Lai trong năm 2020 lên 30.000ha, triển khai xây dựng nhà máy chế biến trái cây và nhà máy bao bì tại KCN Nông lâm nghiệp Chu Lai; đầu tư và đưa vào hoạt động từng phần KCN nông nghiệp tại Thái Bình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp lớn hợp tác phát triển nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO