Doanh nghiệp điện tử Việt Nam... lỡ bộ

Nguồn SGTT| 04/09/2009 04:16

Đâu rồi những thương hiệu một thời của ngành điện tử VN như Viettronic Tân Bình, Điện tử Biên Hoà – Belco, điện tử Hà Nội – Hanel…

Doanh nghiệp điện tử Việt Nam... lỡ bộ

Những thương hiệu một thời của ngành điện tử Việt Nam như Viettronic Tân Bình – VTB, Điện tử Biên Hoà – Belco, công ty điện tử Hà Nội – Hanel… không còn thể hiện sức mạnh của mình tại thị trường nội địa cho dù một thời từng giữ vị trí đầu tàu của ngành nghề được trao nhiều ưu đãi.

Đâu rồi những thương hiệu một thời của ngành điện tử VN như Viettronic Tân Bình, Điện tử Biên Hoà – Belco, điện tử Hà Nội – Hanel…

Những sản phẩm từng là thế mạnh trên thị trường như tivi CRT, đầu karaoke, đầu DVD, loa, ampli mang nhãn hiệu Belco, VTB, Hanel… nay phải dạt về tỉnh xa như Bình Định, Quảng Ngãi, Nghệ An, An Giang, Lai Châu, Điện Biên… với số lượng mà ngay cả những người có trách nhiệm cũng không chịu tiết lộ.

Trong khi các doanh nghiệp lớn đã từ bỏ sản phẩm tivi CRT, công ty Đông Á vẫn đầu tư vào sản phẩm này và có thị trường. Ảnh: Minh Phúc

Các “ông lớn” bây giờ ở đâu?

Mặt hàng truyền thống là tivi CRT gần như hết thời, các doanh nghiệp điện tử trong nước cũng đã xoay chuyển sang những mặt hàng “nóng” khác.

VTB vừa đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất hàng điện lạnh có tổng vốn đầu tư 6,6 triệu USD với công suất 70.000 sản phẩm/năm. Hiện nay, nhà máy này đã sản xuất các sản phẩm tủ lạnh mang thương hiệu VTB, từ năm 2010 trở đi sẽ sản xuất các sản phẩm máy lạnh và máy giặt. Cũng theo VTB, một nhóm hàng đem lại lợi nhuận cho họ chính là máy tính để bàn với thị phần khoảng 10%. Doanh nghiệp này đang nghiên cứu hai mặt hàng là laptop và tivi LCD.

Belco đang tập trung khai thác những mặt hàng như máy tính để bàn, ampli, loa… mà đối tượng mua sắm là những người có thu nhập thấp. Ông Đỗ Khoa Tân, giám đốc Belco nói: “Chúng tôi xác định những sản phẩm của Belco đánh vào phân khúc khách hàng có thu nhập thấp”.

Cho đến bây giờ, Hanel là doanh nghiệp có nhiều sản phẩm mới hơn cả. Ngoài những mặt hàng quen thuộc như tivi CRT, đầu đĩa DVD… Hanel đã có tivi LCD, máy lạnh, máy giặt, đầu thu truyền hình kỹ thuật số nhưng số lượng mẫu mã không nhiều. Tuy nhiên, nhiều siêu thị điện máy lớn không thấy hàng của Hanel xuất hiện.

Theo một chuyên gia trong ngành nhận xét, đầu tư sản phẩm mới chỉ là “chuyện phụ” vì những dòng sản phẩm mới này khó mà cạnh tranh được với hàng nước ngoài và đó cũng không phải là thế mạnh của họ.

Quá độ sang địa ốc?

Ngày 28/5/2007, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển công nghiệp điện tử Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, xác định: phát triển công nghiệp điện tử thành một trong những ngành công nghiệp quan trọng của nền kinh tế với định hướng xuất khẩu và đáp ứng thị trường trong nước. Mục tiêu đến năm 2010, đạt doanh số 4 – 6 tỉ USD; xuất khẩu đạt 3 – 5 tỉ USD. Thực tế tám tháng đầu 2009 Việt Nam chỉ xuất khẩu được 1,66 tỉ USD hàng điện tử và linh kiện máy tính, trong khi nhập khẩu nhóm hàng máy tính, điện tử và linh kiện lên tới 2,4 tỉ USD.

Ông Đỗ Khoa Tân cho rằng, Belco đang trong thời kỳ quá độ, trăn trở tìm lối thoát bằng những sản phẩm và mô hình kinh doanh mới. Những tên tuổi khác như điện tử Bình Hòa, Viettronic Thủ Đức đã chuyển sang gia công sản phẩm. Theo ông Trần Quang Hùng, tổng thư ký hiệp hội các doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), các sản phẩm điện tử của doanh nghiệp Việt Nam chiếm 20% thị phần!

Ông Phạm Thiện Nghệ, trưởng đại diện VEIA tại TP.HCM nói: “Các doanh nghiệp điện tử không còn được ưu đãi nên việc kinh doanh của họ không còn dễ dàng. Họ trở bộ chậm quá. Không thể sống bằng cái tên mãi được...” Theo báo cáo kết quả tài chính của VTB trong 6 tháng đầu năm 2009, doanh thu bán hàng và các dịch vụ là 110,7 tỉ đồng. Doanh thu trên chỉ hơn nửa doanh thu của công ty Đông Á là 200 tỉ đồng.

Theo VEIA, các doanh nghiệp điện tử trong nước đang mất cân đối giữa các nhóm sản phẩm, chủng loại đơn điệu, công nghiệp phụ trợ phát triển chậm nên tỷ lệ nội địa hóa thấp, công nghệ chỉ đạt mức trung bình yếu, hạn chế trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo mẫu mã, sản phẩm mới nên sức cạnh tranh chưa cao...

Vì đang trong thời kỳ “quá độ” nên các doanh nghiệp điện tử hiện nay phải sao nhãng kinh doanh những mặt hàng truyền thống để chuyển sang kinh doanh những mặt hàng, dịch vụ có lãi cao hơn. “Đừng bắt họ phải sản xuất tivi CRT hay những mặt hàng khác. Những mặt hàng này lãi bao nhiêu đâu. Hiện nay họ chuyển sang kinh doanh địa ốc. Tôi có thể chỉ ra hàng loạt dự án địa ốc của họ”, một người có thâm niên trong ngành đã nói thẳng như vậy.

Giới kinh doanh địa ốc cho biết, VTB đang có kế hoạch đầu tư địa ốc tại số 6 Phạm Văn Hai (Tân Bình, TP.HCM) với số vốn hàng ngàn tỉ đồng, lớn gấp nhiều lần số vốn đầu tư vào sản xuất đã đề cập ở phần trên. Còn Belco từ lâu được biết đến tòa nhà 97 Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1, TP.HCM) đang cho S-Fone thuê. Những mặt bằng lớn đó được giao cho các công ty điện tử này từ thời có các chính sách bảo hộ bằng thuế xuất nhập khẩu để phát triển ngành điện tử trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp điện tử Việt Nam... lỡ bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO