Doanh nghiệp cần mở rộng thị trường trong nước

29/06/2009 09:01

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới, hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn thì thị trường trong nước được coi là "điểm tựa" để các doanh nghiệp (DN) trong nước vươn lên, vượt qua giai đoạn khó khăn.

Doanh nghiệp cần mở rộng thị trường trong nước

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới, hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn thì thị trường trong nước được coi là "điểm tựa" để các doanh nghiệp (DN) trong nước vươn lên, vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, để DN khai thác tốt thị trường này, cần sự nỗ lực cả từ phía DN và cơ quan quản lý nhà nước. Tiềm năng thị trường

Việt Nam được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng nhờ yếu tố dân số trẻ, hơn 70% trong số gần 86 triệu dân dưới 35 tuổi, độ tuổi có mức chi tiêu cao nhất trong các thành phần người tiêu dùng. Mức tăng trưởng của thị trường bán lẻ Việt Nam trong những năm qua luôn đạt bình quân 20%/năm, doanh số bán lẻ cả nước tính đến hết năm 2008 đạt 54,3 tỷ USD, tăng 20,5% so với năm 2007.

Tỷ lệ mua sắm tại các siêu thị, trung tâm thương mại của người Việt Nam đã tăng từ 9% năm 2005 lên 14% năm 2007 và dự kiến sẽ tăng lên 24% vào năm 2010.

Những tháng gần đây, mặc dù chịu tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới nhưng thị trường trong nước đã có dấu hiệu chuyển biến tích cực khi tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng liên tục, tính chung năm tháng đầu năm đạt 452,3 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ.

Nếu loại trừ yếu tố giá, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ vẫn tăng khoảng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Rõ ràng thị trường trong nước có rất nhiều cơ hội để các DN trong nước khai thác. Sự hấp dẫn này đã thu hút không chỉ những tập đoàn bán lẻ, DN lớn ở nước ngoài mà cả những DN nhỏ cũng tìm cách đưa hàng hóa thâm nhập vào Việt Nam, đặc biệt là hàng hóa giá rẻ. Hệ quả tất yếu là các DN trong nước phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm của nước ngoài ngay tại "sân nhà".

Giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư) Lê Ðình Ân lấy dẫn chứng: Việt Nam đang là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về xuất khẩu các sản phẩm như gạo, cà-phê, hàng may mặc... nhưng chính thị trường trong nước hiện vẫn bị các nhãn hiệu nước ngoài khuynh đảo ở những mặt hàng này. Ðiển hình như hàng dệt may, tại thị trường nội địa, sản phẩm dệt may do DN Việt Nam sản xuất vẫn chưa có nhiều thương hiệu tạo dựng được giá trị riêng.

Trong khi đó, các nhãn hiệu nước ngoài gần như lấn lướt ở phân khúc thị trường cao cấp. Còn ở phân khúc thị trường thấp cấp, hàng may mặc trong nước cũng bị hàng nước ngoài cạnh tranh gay gắt ở hầu khắp các thị trường bán lẻ từ nông thôn đến thành thị.

Lợi thế cạnh tranh trên sân nhà

Mặc dù chịu sức ép cạnh tranh từ các DN nước ngoài nhưng DN trong nước vẫn có những lợi thế nhất định khi cạnh tranh trên sân nhà. Ðó là sự am hiểu thị trường, văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam, chi phí DN trong nước phải chi trả như vận chuyển, phân phối, tiếp thị... cũng rẻ hơn so với việc xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài.

Với những lợi thế cạnh tranh như vậy nhưng nhiều DN Việt Nam vẫn chưa tận dụng được những lợi thế này. Thực tế cho thấy, nhiều DN chưa tìm được cho mình một chiến lược bài bản tại thị trường trong nước. Hoặc nếu có, DN cũng rất vất vả vì phải tự điều tra thị trường, tự xây dựng mạng lưới phân phối và ít nhận được sự trợ giúp trực tiếp từ các cơ quan quản lý nhà nước. Trong nhiều năm qua, công tác xúc tiến thị trường phần lớn tập trung cho tìm kiếm thị trường ngoài nước mà "bỏ quên" thị trường trong nước.

Vì vậy, theo Giám đốc Lê Ðình Ân, để quay lại thâm nhập thị trường nội địa, các DN Việt Nam gần như phải bắt đầu từ con số 0: nghiên cứu từ đầu xem thị trường cần gì, tìm nguồn nguyên liệu cung ứng ổn định, thiết kế bán hàng qua kênh phân phối nào, phương thức xây dựng thương hiệu ra sao...

Ðặc biệt, dịch vụ sau bán hàng của các DN trong nước còn rất yếu kém. Tuy nhận thức rõ được vai trò quan trọng của thị trường nội địa trong bối cảnh khó khăn hiện nay nhưng không phải DN nào cũng có thể nhanh chóng thay đổi chiến lược đầu tư và cơ cấu sản xuất kinh doanh của mình cho phù hợp.

Theo nhiều chuyên gia, để hỗ trợ các DN khai thác, mở rộng thị trường trong nước thì trong nhóm giải pháp kích cầu tiêu dùng, các bộ, ngành cần hướng dẫn cụ thể, có chính sách hỗ trợ các tổng công ty, DN thương mại mở rộng mạng lưới buôn bán, giao dịch, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, kể cả hệ thống bán buôn và bán lẻ, hình thành các trung tâm thương mại, dịch vụ. Kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu hàng hóa, nhất là các mặt hàng trong nước đã sản xuất được; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện, ngăn chặn hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái...

Phối hợp chặt chẽ và có biện pháp cụ thể, nhanh nhạy trong việc điều chỉnh các chính sách có tác động trực tiếp tới thị trường trong nước nhằm tạo chủ động cho DN trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Nâng cao chất lượng công tác thu thập, xử lý thông tin nhanh và dự báo chính xác về cung cầu, giá cả thị trường, phục vụ công tác điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước và hoạt động kinh doanh của DN. Nhằm giúp DN tiếp cận thị trường nông thôn, cần xây dựng các trạm trung chuyển hàng công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp từ thành thị về nông thôn, các chợ bán buôn và bán lẻ ở nông thôn...

Về phía DN, muốn thành công ở thị trường nội địa, DN cần có chiến lược phân lớp thị trường, xác định đúng đối tượng khách hàng mà mình sẽ hướng tới phù hợp với lợi thế và khả năng của mình. Mỗi DN cần đề ra chiến lược sản xuất, kinh doanh nhằm tiếp cận với thị trường nội địa.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong nước, phát huy thế mạnh của DN trong từng mặt hàng, tạo lòng tin và thói quen tiêu dùng hàng nội địa cho người tiêu dùng. DN nhanh chóng hình thành và mở rộng mạng lưới phân phối, rút ngắn khoảng cách đưa hàng đến tay người tiêu dùng, phấn đấu giảm chi phí lưu thông để có giá thành sản phẩm cạnh tranh...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp cần mở rộng thị trường trong nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO