DN xăng dầu đang lãi "khủng"

27/05/2013 06:22

Doanh nghiệp xăng dầu đầu mối tiếp tục nới chiết khấu cho đại lý 650 đồng/l xăng, có nơi đến 950 đồng/l. Thế nhưng giá xăng dầu tới tay người tiêu dùng vẫn cao ngất ngưởng.

DN xăng dầu đang lãi

Doanh nghiệp xăng dầu đầu mối tiếp tục nới chiết khấu cho đại lý 650 đồng/l xăng, có nơi đến 950 đồng/l. Thế nhưng giá xăng dầu tới tay người tiêu dùng vẫn cao ngất ngưởng.

Sau khi Bộ Tài chính quyết định lùi thuế nhập khẩu xăng từ 19% về 18%, giá xăng dầu thế giới đảo chiều giảm.

Doanh nghiệp lợi đơn lợi kép

Ngày 14/5/2013 giá xăng tại thị trường Singapore là 111.4 USD/thùng và thuế nhập khẩu xăng 19%. Cùng với thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế giá trị gia tăng 10% và thuế môi trường 1.000 đồng/lít xăng.

Như vậy mức thuế phí người tiêu dùng phải trả khoảng 8.400 đồng khi tiêu thụ một lít xăng.

Sau đó 10 ngày, ngày 23/5 khi Bộ Tài chính quyết định giảm thuế nhập khẩu xăng về 18%. Mức thuế phí mà người tiêu dùng phải cõng cho mỗi lít xăng chỉ còn 7.300 đồng/l.

Trong khi đó, giá bán lẻ xăng dầu trước và sau thời điểm điều chỉnh thuế vẫn ở 23.330 đồng/lít đối với xăng Ron A 92, 23.850 đồng đối với xăng Ron A95.

Như vậy, nhờ việc giảm thuế mà doanh nghiệp đang hưởng lợi khoảng 900 đồng/l xăng. Tuy nhiên, phần lãi thực của doanh nghiệp còn cao hơn nhiều.

Bởi cùng với đà giảm của giá xăng dầu trên thị trường thế giới, giá xăng thành phẩm tại Singapore- nơi Việt Nam lấy tham chiếu cũng sụt giảm. Giá xăng bình quân trong 10 ngày qua chỉ xoay quanh ngưỡng 111.2 USD/thùng. Xét trong khoảng thời gian từ ngày 18/5 đến 24/5 giá xăng giảm 2,4%.

Như vậy, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hiện nay đang lợi đơn lợi kép. Vừa được giảm thuế vừa được mua được xăng rẻ do giá thế giới đi xuống.

Nếu so với giá bình quân cùng kỳ của năm 2012, mức giá thành phẩm xăng dầu hiện nay thấp hơn khá nhiều. Trong khi đó giá bán lẻ trong nước lại theo chiều hướng ngược lại.

Trong các cuộc họp liên quan về điều hành xăng dầu, khi được hỏi tại sao giá xăng bị điều chỉnh giảm chậm hơn so với giá thế giới, lãnh đạo Tập đoàn xăng dầu Petrolimex và cơ quan quản lý Bộ Công Thương đều phàn nàn rằng: văn bản điều hành giá xăng, điều khoản về thuế được thực hiện rất bất cập.

Thông điệp cơ chế điều hành theo thị trường còn được Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh, ưu tiên lợi ích số 1 là người dân, thứ hai là DN, thứ ba là Nhà nước.

Hi vọng xăng giảm giá

Với diễn biến giá xăng dầu hiện nay, Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh khẳng định, "Tôi thấy cần xem lại, giá thế giới giảm sao không giảm giá trong nước mà lại giảm thuế. Hay là phải chờ giảm thuế rồi mới được giảm giá.

Chiều 26/5, đại diện một doanh nghiệp đầu mối cho biết, giá thế giới có tăng có giảm nhưng chủ yếu là giảm và tăng thì không đáng kể. Việc giảm thuế xuống 18% chắc chắn làm cho việc kinh doanh có phần dễ thở hơn.

Có lời nên các công ty đều đã nâng mức chiết khấu cho các đại lý lên mức phổ biến 650 – 700 đồng/lít xăng, có nơi lên tới 900 đồng/lít từ vài ngày qua.

Chuyên gia kinh tế TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển khẳng định với Đại Đoàn Kết, thuế phí là công cụ điều hành giá xăng dầu.

Câu chuyện giá xăng giảm chậm, tăng nhanh là vấn đề lớn nhất của ngành xăng dầu nói mãi không hết. Thế nhưng hình như cơ quan quản lý lại bảo vệ lợi ích cho doanh nghiệp mà quên đi quyền lợi của người tiêu dùng.

Doanh nghiệp kinh doanh tất yếu vì lãi, vì lợi nhuận. Do vậy khi có cơ hội lãi thì chẳng dại gì báo cáo "tôi lãi”. Vị trí quản lý giám sát là liên bộ Tài chính – Công thương phải giám sát giá cả đã hợp lý hay chưa. Nếu doanh nghiệp lãi thì cần điều chỉnh, can thiệp sớm để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
DN xăng dầu đang lãi "khủng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO