DN Việt ì ạch trong chuỗi cung ứng Samsung

XUÂN HÙNG| 21/07/2015 05:24

Doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia chuỗi sản xuất của Samsung nếu khắc phục được những hạn chế về thời gian giao hàng, chất lượng sản phẩm và vốn.

DN Việt ì ạch trong chuỗi cung ứng Samsung

Việc cung ứng các linh kiện công nghệ cao cho Samsung vẫn đang là bài toán khó đối với các doanh nghiệp (DN) ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.

Đọc E-paper

Tính đến cuối năm 2014, có 41 DN ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất của Samsung, trong đó có 4 nhà cung ứng cấp 1, 28 nhà cung ứng cấp 2 và 9 nhà cung ứng tiềm năng.

Một điểm đáng lưu ý, 2 trong số 4 DN Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1 điển hình của Samsung, chỉ cung cấp bao bì, đóng gói sản phẩm.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Vụ phó Vụ Công nghiệp nặng Bộ Công Thương, hiện nay DN Việt Nam chiếm chưa đến 10% tổng số nhà cung ứng của Samsung, tham gia chủ yếu các công đoạn có giá trị thấp.

Samsung dưới góc độ một tên tuổi hàng đầu thế giới, các yêu cầu về chuỗi sản xuất khắt khe là đương nhiên.

Ông Han Myoungsup, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Complex, cho biết, yếu tố chất lượng luôn được Samsung đặt lên hàng đầu và Tập đoàn luôn yêu cầu rất cao về độ chuẩn xác từng chi tiết của sản phẩm.

Việc tham gia vào dây chuyền sản xuất của Samsung không quá khó, nếu DN Việt Nam đảm bảo được những yêu cầu này.

Samsung Việt Nam trong năm 2014 đã xuất khẩu khoảng 30 tỷ USD nhưng số tiền công ty này nhập linh kiện từ các nhà cung ứng tại Việt Nam chỉ là 35 triệu USD.

Tỷ lệ nội địa hóa của Samsung ở Việt Nam là 36%, song không đơn thuần là của các DN Việt Nam, mà còn có những DN nước ngoài đang hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Ông Han thừa nhận "sự quan tâm và hỗ trợ rất lớn" của Chính phủ Việt Nam giúp Samsung gặt hái được nhiều thành công từ hai nhà máy ở Bắc Ninh và Thái Nguyên, trong bối cảnh khu phức hợp điện gia dụng của Samsung tại TP.HCM sẽ đi vào hoạt động trong tương lai gần.

Năm nay, Samsung dự kiến nhập linh kiện từ các nhà cung ứng tại Việt Nam sẽ tăng 30%, lên 45 triệu USD. Ông Han Myoungsup mong muốn các DN Việt Nam tham gia vào dây chuyền sản xuất này nhiều hơn.

Tuy nhiên, tiêu chuẩn đầu tiên và quan trọng nhất khi Samsung tìm kiếm DN sản xuất hàng phụ trợ là "quyết tâm cao và một tầm nhìn dài hạn" về việc tham gia vào chuỗi sản xuất của Samsung.

Quá trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của Hàn Quốc, theo ông Han, Chính phủ Việt Nam nên có những chính sách hỗ trợ mặt bằng, ưu đãi thuế, hoặc cho vay vốn với lãi suất thấp cho DN.

Các tiêu chí của Samsung đưa ra không quá khó, như đại diện nhiều DN Việt nhận định, đó cũng là một phần nội dung các cam kết DN Việt Nam phải thực hiện khi một loạt hiệp định thương mại được ký và có hiệu lực trong tương lai gần, đặc biệt là TPP.

Tham gia vào chuỗi sản xuất của Samsung, ông Nguyễn Văn Hào, Giám đốc Công ty Cơ khí HTMP Việt Nam (nhà cung ứng cấp 1 các thiết bị khuôn nhựa máy hút bụi của Samsung) cho đây là cơ hội thử sức và thu về giá trị tương ứng từ chuỗi sản xuất của tập đoàn này.

Ông Hào khẳng định, DN Việt Nam có thể tham gia chuỗi sản xuất của Samsung nếu khắc phục được những hạn chế về thời gian giao hàng, chất lượng sản phẩm và vốn.

Samsung Việt Nam đã công bố danh sách các linh kiện mà Công ty có nhu cầu tìm kiếm từ các nhà cung cấp Việt Nam với gần 250 DN công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam tham gia.

Sự hợp tác giữa Chính phủ, DN Việt Nam và Công ty Samsung được ông Han Myoungsup kỳ vọng có thể giúp phát triển được ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.

Trong tương lai gần, ông Han Myoungsup nói "sẽ hỗ trợ kỹ thuật" cho các DN công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam để tạo sự hợp tác hài hòa trong các lĩnh vực Samsung sản xuất.

>Công nghiệp hỗ trợ: Cần Hội giúp một tay

>Công nghiệp hỗ trợ ngành cao su: Hứng mảnh vụn

>6 yếu kém của công nghiệp hỗ trợ

>Công nghiệp hỗ trợ: Cần Hội giúp một tay

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
DN Việt ì ạch trong chuỗi cung ứng Samsung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO