DN làm thế nào để tiếp cận với thị trường các nước Hồi giáo?

13/06/2011 06:32

Hiện nay thị trường các nước Hồi giáo đang được xem là một trong những thị trường đầy tiềm năng và rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) trên thế giới. Các nước Hồi giáo yêu cầu bắt buộc đối với DN phải có chứng nhận Halal (quy định của Luật Hồi giáo) đối với các sản phẩm xuất nhập khẩu vào đất nước họ.

DN làm thế nào để tiếp cận với thị trường các nước Hồi giáo?

Hiện nay thị trường các nước Hồi giáo đang được xem là một trong những thị trường đầy tiềm năng và rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) trên thế giới. Các nước Hồi giáo yêu cầu bắt buộc đối với DN phải có chứng nhận Halal (quy định của Luật Hồi giáo) đối với các sản phẩm xuất nhập khẩu vào đất nước họ.

Ông Trần Xuân Giáp trả lời phỏng vấn tại hội thảo Dấu chứng nhận sản phẩm Halal- Cơ hội xuất khẩu và cách tiếp cận của các DN VN. (Ảnh: Thanh Loan)

Các DN Việt Nam vẫn đang còn nhiều bỡ ngỡ khi tiếp cận các vấn đề về chứng nhận Halal và cũng rất nhiều khó khăn khi tiếp cận khu vực tiềm năng này.

Để giúp DN hiểu rõ hơn giá trị của chứng nhận Halal và cách thức tiếp cận thị trường các nước Hồi giáo một cách hiệu quả nhất, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với ông Trần Xuân Giáp, Giám đốc Văn phòng chứng nhận Halal tại Việt Nam (HCA).

Thưa ông, ông có thể cho các DN biết rõ hơn về khái niệm sản phẩm Halal và chứng nhận Halal?

Halal thuật không còn xa lạ đối với các DN trên thế giới nhưng lại rất mới mẻ đối với các DN Việt Nam.

Theo tiếng Arab, Halal có nghĩa là Hợp luật/ được cấp phép sử dụng. Và trái với Halal là Haram, tức là Trái luật hoặc bị cấm. Đây là hai thuật ngữ phổ biến trong đời sống và thương mại của muslim.

Sản phẩm Halal là gì? Đó phải là những sản phẩm được xác nhận không có các thành phần Haram (bị cấm) và đảm bảo sự “TINH KHIẾT” trong quá trình sản xuất. Chủ yếu quy định trong các nhóm thực phẩm và phi thực phẩm, thịt và gia cầm, các sản phẩm không phải là thịt, mỹ phẩm, dược phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe và y tế, và một số ngành dịch vụ liên quan đến Halal như tư vấn, thông tin đại chúng, dịch vụ logistics, kiểm định chất lượng trong phòng thí nghiệm v.v…

DN muốn xuất nhập khẩu hàng hóa vào thị trường các nước Hồi giáo, hàng hóa đó nhất thiết phải được chứng nhận Halal.

Chứng nhận Halal là chương trình chứng nhận toàn cầu cho sản phẩm/dịch vụ có trách nhiệm. Đây là chương trình đánh giá độc lập, khách quan để xác nhận rằng những sản phẩm/dịch vụ cụ thể được đánh giá không sử dụng các thành phần Haram và điều kiện sản xuất/cung cấp dịch vụ đáp ứng yêu cầu của Kinh Qur’an và luật Shari’an và tiêu chuẩn ICCI – IHIA. 

Việc đăng kí để được cấp chứng nhận Halal không quá khó như DN nghĩ, trái lại có thể mang lại rất nhiều lợi cho DN: giúp DN đáp ứng yêu cầu của chính phủ; đáp ứng yêu cầu của khách hàng, giúp họ hài lòng và lựa chọn sản phẩm không do dự; giúp DN tăng cơ hội cạnh tranh với sản phẩm khác v.v…

Ông nói, việc đăng kí để được cấp chứng nhận Halal không khó như DN vẫn nghĩ. Nhưng thực tế cho đến nay chưa có nhiều DN Việt Nam có được chứng chỉ Halal. Có phải vì các DN chưa “mặn mà” với thị trường này hay là do DN còn gặp các rào cản nào đó. Ông có thể giải thích gì về điều này?

Tôi không cho rằng DN không “mặn mà” với thị trường các nước Hồi giáo. Cũng không phải do các nước Hồi giáo gây khó dễ gì cho các DN. Thực tế hiện nay, rất nhiều DN Việt Nam muốn xâm nhập sâu hơn vào thị trường các nước Hồi giáo bởi vì đây là thị trường có rất nhiều thế mạnh cho các sản phẩm của Việt Nam, ví dụ như nông nghiệp và thủy sản. Vấn đề là do DN chưa tiếp cận được đúng đắn các quy định thương mại của các nước Hồi giáo nói chung và còn nhiều nhầm lẫn về khái niệm Halal.

Ví dụ như, phần đông các DN chúng ta đều nghĩ rằng 100% đồ chay chính là sản phẩm Halal, hay là sản phẩm không thịt mỡ, thịt heo thì có thể được bán và sử dụng ở muslim…Đó là những cách hiểu chưa chính xác. Không phải tất cả đồ ăn chay có nghĩa là Halal; không thịt heo, không mỡ heo không có nghĩa là Halal; sản xuất tại các nước Hồi giáo cũng không có nghĩa là Halal; hay nguyên liệu viết bằng tiếng Arab không có nghĩa là Halal v.v…

Vậy từ hiểu biết và kinh nghiệm của ông, ông có thể tư vấn cho DN Việt Nam những lưu ý cần thiết nhất khi tiếp cận với thị trường Halal để có được chứng nhận Halal?

Đối với DN Việt Nam khi muốn tiếp cận với thị trường Halal và muốn tiếp cận thành công với các đối tác, trước hết phải hiểu được văn hóa của người Hồi giáo bởi người Hồi giáo rất chú trọng đến tâm linh và đức tin. Nếu trong một bản chương trình làm việc của bạn với các đối tác Hồi giáo có thời gian, cũng như chỉ dẫn lịch trình để họ thực hiện các nghi thức cầu nguyện theo đức tin của người Hồi giáo, bạn sẽ được đối tác trân trọng và họ sẽ có thiện chí hợp tác với bạn…

Còn về kỹ thuật để sản xuất được các sản phẩm Halal, DN sẽ phải quan tâm đến rất nhiều yếu tố trong quá trình sản xuất, từ nhà xưởng (phải có sự tách biệt giữa nhà xưởng sản phẩm Halal với sản phẩm không Halal), các yêu cầu về thiết bị cũng phải được tách biệt, không sử dụng chung, lẫn lộn các thiết bị…Ngay đến vấn đề cá nhân, công nhân trong các khâu sản xuất, DN cũng phải tách biệt rõ ràng, quy định cụ thể các tiêu chí sản xuất về mặt tôn giáo bởi vì đây không phải đơn thuần là yếu tố kỹ thuật mà đây chính là niềm tin, đức tin của người Hồi giáo khi tham gia quá trình sản xuất.

Không khó khăn quá để các DN đáp ứng tiêu chuẩn Halal cũng như các quy định của Luật Syariah hay Kinh Qur’an nếu DN luôn vận dụng “tư duy Halal” (Halal Thinking), có nghĩa là DN nhận thức được rõ rằng những gì DN đang làm là vì quyền lợi và lợi ích của người Hồi giáo, vì đức tin của họ. Cái khó là DN không vượt qua được ngưỡng tư duy để thay đổi, cân nhắc quyền lợi giữa một bên thị trường không phải Hồi giáo với một bên là thị trường Hồi giáo.

Ngoài ra, đôi khi DN không tự giác thực hiện các yêu cầu mà Văn phòng chứng nhận Halal đưa ra. Nhiều DN trước khi chứng nhận thì làm rất nghiêm túc, nhưng sau khi chứng nhận thì không còn chú ý đến các quy định hoặc có nhiều DN còn lạm dụng các nguyên tắc chứng thực Halal và chứng nhận Halal cho các sản phẩm không được chứng nhận…Đây là hiện tượng đang xảy ra ở nhiều DN Việt Nam. Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới sẽ có thể giải quyết dứt điểm hiện trạng này dựa trên sự kết hợp của Bộ Công thương, từ các Ban cộng đồng Hồi giáo từ các tỉnh và sự cho phép của Ban Tuyên giáo chính phủ…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
DN làm thế nào để tiếp cận với thị trường các nước Hồi giáo?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO