Định danh hàng Việt Nam: Khái niệm chuẩn, ghi xuất xứ mới chuẩn

Trần Hùng- Ý Nhi| 03/08/2019 07:00

Các doanh nghiệp nêu ý kiến, cơ quan quản lý phải đưa ra khái niệm hàng Việt Nam, từ đó mới có thể ghi đúng sản xuất hoặc xuất xứ tại Việt Nam. Câu chuyện phải bắt đầu từ gốc.

Định danh hàng Việt Nam: Khái niệm chuẩn, ghi xuất xứ mới chuẩn

Ngày 27/7/2019, Báo Doanh Nhân Sài Gòn đã có cuộc trao đổi với một số chuyên gia, doanh nhân xung quanh việc doanh nghiệp (DN) ghi xuất xứ hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam thế nào cho đúng quy định. Hiện nay, Bộ Công Thương đang xúc tiến việc soạn thảo thông tư quy định ghi nhãn hàng hóa, sản phẩm sản xuất tại Việt Nam hoặc hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam. Nhưng trước khi “ghi đúng” nhãn hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam, các DN đề nghị cần phải làm rõ khái niệm hàng Việt Nam.

Hợp pháp ở quốc tế

Ông Ngô Văn Khương kể kinh nghiệm khi xuất khẩu vào thị trường Úc, vốn phân biệt rõ hai khái niệm “made in Vietnam” và “product of Vietnam”. Theo đó, nếu ghi “made in Vietnam” phải thỏa mãn một số tiêu chí khá khắt khe, trong khi ghi “product of Vietnam” thì các tiêu chí đơn giản hơn, nên việc xuất vào thị trường Úc thuận tiện hơn.

Một giám đốc xuất nhập khẩu trao đổi với PV Doanh Nhân Sài Gòn cho biết, không cần quá quan trọng có bao nhiêu nguyên liệu đến từ đâu mà nếu công đoạn gia công cuối cùng là ở Việt Nam thì được phép ghi xuất xứ Việt Nam. Bởi theo quy định tại Nghị định số 19/2006/NĐ-CP của Chính phủ: Khái niệm xuất xứ hàng hóa được giải thích “là quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa”.

Theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định về nhãn hàng hóa, nếu đối chiếu với quy định về xuất xứ thì chỉ áp dụng với hàng xuất khẩu, nhập khẩu mà không áp dụng với hàng sản xuất, lưu thông trong nước.

Thông tư 05/2018/TT-BCT ngày 3/4/2018 của Bộ Công Thương quy định về xuất xứ hàng hóa cũng ghi rõ: “Hàng hóa được xác định xuất xứ theo quy định tại Thông tư này có xuất xứ tại nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện quy trình sản xuất cuối cùng làm thay đổi cơ bản hàng hóa đó”. Và Thông tư 05/2018/TT-BCT cũng chỉ áp dụng với hàng hóa xuất, nhập khẩu.

Các quy định pháp luật hiện hành về hàng hóa xuất nhập khẩu hiện khá rõ ràng, là căn cứ để xác định “hàng hóa có xuất xứ Việt Nam”, được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O)... nhằm hưởng ưu đãi thuế quan hoặc phi thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường mà Việt Nam có cam kết quốc tế.

Lúng túng ở quốc nội

Ngược lại, trong hoạt động sản xuất của DN, lưu thông hàng hóa trong nước, câu hỏi tưởng chừng rất đơn giản: Thế nào là sản phẩm “made in Vietnam”? Sản phẩm hội đủ tiêu chuẩn gì mới được xem đủ điều kiện gắn nhãn mác Việt Nam vẫn chưa có câu trả lời thấu đáo. Không chỉ ngành điện tử, mà ở nhiều ngành khác như điện lạnh, may mặc, da giày, thực phẩm... các DN đang sản xuất theo kiểu nhập nguyên phụ liệu, linh kiện... về lắp ráp, gia công, chế biến đang lúng túng.

Ông Phạm Thanh Hưng - Phó chủ tịch Tập đoàn CEN Group chia sẻ: “Tôi đã rất nỗ lực để tìm kiếm một văn bản pháp quy có tính chỉ dẫn chi tiết về quy định “made in Vietnam”, đối với hàng hóa nhập khẩu, sản xuất và lưu hành trong nước... đặc biệt là những hàng hóa có xuất xứ không thuần túy như đồ điện tử và điện gia dụng, nhưng dường như rất khó có câu trả lời, nếu như không nói là không thể”.

Ở góc nhìn khác, bà Lê Thị Mỹ Vân - Tổng giám đốc Thành Công Mobile cho rằng, đừng quá đặt nặng vấn đề sản phẩm đó phải có nguồn gốc hoàn toàn ở Việt Nam. Một DN có thể nhập khẩu đến 80% linh kiện, nhưng quan trọng là giá trị gia tăng mà sản phẩm đó mang lại cho người dùng như thế nào. Vấn đề là làm sao tạo được giá trị cho thương hiệu mới là quan trọng.

Trong thời đại hội nhập, toàn cầu hóa, doanh nghiệp có thể nhập khẩu một số thành phần trong chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, linh kiện để phục vụ cho sản xuất, gia công, chế biến, chứ không thể đóng cửa chỉ dùng hàng trong nước. Có mặt cùng cuộc trao đổi ngày 27/7/2019, ông Nguyễn Tấn Thành - Ủy viên thường vụ Ban Chấp hành Hội Dệt may thêu đan TP.HCM nêu, chẳng hạn ngành bông sơ trong nước hiện vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, nên việc nhập khẩu là đương nhiên. Các DN ngành dệt may hiện nhập nguyên phụ liệu từ nước ngoài về rất nhiều để gia công may mặc trong nước.

Các quy định pháp luật hiện hành đang được hoàn thiện để phù hợp với thực tế sản xuất của DN tại Việt Nam. Quy định càng rõ ràng, cụ thể, chính xác, cả cơ quan quản lý và DN đều cùng thuận lợi trong việc thực thi pháp luật. Chuyện ghi xuất xứ hàng hóa cũng vậy.

Khái niệm càng rõ, càng tốt

Ông Nguyễn Mạnh Tuệ - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DN vừa và nhỏ, Hiệp hội DN TP.HCM chia sẻ, nhiều quốc gia áp dụng chính sách khuyến khích người dân sử dụng hàng hóa trong nước. Nước ta cũng có chủ trương và đang triển khai cuộc vận động mang tên “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tuy nhiên, cần có sự phân tích hiểu như thế nào là hàng Việt Nam. Ví dụ như:

- Hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, hoặc sản xuất và đóng thuế tại Việt Nam là hàng Việt Nam (không phân biệt tỷ lệ bán thành phẩm để lắp ráp). Theo tiêu chí này, có sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, nhưng do người nước ngoài làm chủ, chi phí sản xuất và lợi nhuận hoàn toàn của người nước ngoài. Chỉ có một phần nhỏ như: nhân công, nguyên liệu, thuê mặt bằng và thuế VAT, thuế thu nhập DN là thuộc về Việt Nam. Lợi ích cho Việt Nam rất nhỏ trong giá trị hàng hóa. Theo tiêu chí này thì khái niệm hàng Việt Nam không có nhiều ý nghĩa.

- DN sản xuất hàng hóa do người Việt Nam làm chủ/hoặc người Việt Nam có cổ phần trên 50% (cũng không phân biệt tỷ lệ bán thành phẩm để lắp ráp). Tiêu chí này cũng có nhược điểm như trên nhưng mức độ lợi ích cho Việt Nam tăng hơn một chút.

- Giá trị hàng hóa sản xuất hoàn toàn là tại Việt Nam và của Việt Nam (trọn vẹn nhất). Hoặc đạt tỷ lệ trên 50% trong các thành phần là của Việt Nam. Thương hiệu phải là của Việt Nam. Tiêu chí này phù hợp với mục đích khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Tuy nhiên có hạn chế: số DN hoàn toàn sử dụng máy móc thiết bị Việt Nam, nguyên vật liệu Việt Nam, lao động người Việt Nam chưa nhiều; chất lượng sản phẩm thường chưa đáp ứng tiêu dùng...

Ông Ngô Văn Khương, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn khẳng định, phải có khái niệm hàng Việt Nam thật rõ ràng, càng rõ càng tốt, từ đó mới quy định cách ghi sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam. Trong khái niệm hàng Việt Nam, có thể quy định thêm tỷ lệ gia công, tỷ lệ nguyên phụ liệu, sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý, chủ sở hữu...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Định danh hàng Việt Nam: Khái niệm chuẩn, ghi xuất xứ mới chuẩn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO