Đề xuất xây đường vành đai 4 TP.HCM giai đoạn 1 hơn 7.000 tỷ đồng

18/04/2019 02:58

Bộ Giao thông vận tải đưa kế hoạch mới xây dựng đường Vành đai 3 TP .HCM sau thời gian dài chậm trễ.

Đề xuất xây đường vành đai 4 TP.HCM giai đoạn 1 hơn 7.000 tỷ đồng

Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long vừa đề nghị Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án thành phần đoạn Bến Lức – Hiệp Phước thuộc đường vành đai 4, TP.HCM.

Theo đó, tuyến đường được đề xuất đầu tư theo hình thức PPP có chiều dài khoảng 35,8 km đi qua các huyện Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc (Long An); Nhà Bè (Tp.HCM) với điểm đầu (Km0) tại nút giao Bến Lức (giao giữa đường cao tốc Tp.HCM – Trung Lương với đường tỉnh 830) thuộc địa phận thị trấn Bến Lức, tỉnh Long An; điểm cuối (Km 35 + 800) kết nối với đường trục Bắc Nam nằm trong khu quy hoạch cảng – công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM.

Tuyến đường được quy hoạch theo tiêu chuẩn đường cao tốc, quy mô 8 làn xe, rộng 74,5 m. Để đảm bảo hiệu quả đầu tư, tính khả thi tài chính, dự án phân kỳ theo 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 có quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư chưa bao gồm lãi vay là 7.075 tỷ đồng, phần vốn Nhà nước tham gia là 2.600 tỷ đồng. Với mức phí khởi điểm là 2.500 đồng/km/xe tiêu chuẩn. Dự án có thể hoàn vốn trong vòng 19 năm 7 tháng.

Nếu được thông qua chủ trương đầu tư, Dự án sẽ khởi công vào quý III/2020 và hoàn thành vào quý I/2023. Bên cạnh việc trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đường vành đai 4 thì dự án công trình đường Vành đai 3 TP.HCM được đề xuất đầu tư xây dựng với tổng số vốn dự kiến giai đoạn 1 khoảng 20.000 tỷ đồng.

Liên quan đến đầu tư xây dựng dự án đường Vành đai 3 này, mới đây Bộ GTVT có tờ trình gửi Chính phủ về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình đường Vành đai 3 TP HCM (đoạn Bình Chuẩn - quốc lộ 22 - Bến Lức). Theo kế hoạch, trong năm 2019 dự án sẽ được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Dự án có tổng nguồn vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 19.871 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Nhà nước 9.729 tỷ đồng, nhà đầu tư 10.142 tỷ đồng.

Đường vành đai được xây dựng kì vọng sẽ giúp TP HCM giảm gánh nặng rất lớn về giao thông. Theo đơn vị nghiên cứu, khi hình thành đoạn tuyến Vành đai 3 trên sẽ kết nối các tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương, Quốc lộ 1A và tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đang xây dựng. Từ đó, tạo nên một mạng lưới giao thông huyết mạch của TP HCM nối kết với các tỉnh liền kề và 7 tỉnh của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam...

Theo quy hoạch đã được duyệt, đường Vành đai 3 có chiều dài 97,7 km. Điểm đầu của tuyến đường này bắt đầu từ đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Sau đó đi qua 4 tỉnh, thành là Đồng Nai, TP HCM, Bình Dương và Long An. Điểm cuối tuyến đường này giao với đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Bộ GTVT cho biết tiến độ thức hiện dự án đường vành đai 3 - TP.HCM đã thực hiện chậm so với kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011 là hoàn thành vào năm 2019-2020. Hiện Bộ GTVT đã đưa ra kế hoạch mới, năm 2019 phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, năm 2019-2022 thục hiện thiết kế kỹ thuật va giải phóng mặt bằng. Năm 2020-2021 sở tuyển và đấu thầu, thi công xây dựng năm 2022-2024.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đề xuất xây đường vành đai 4 TP.HCM giai đoạn 1 hơn 7.000 tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO