Để "bình thường mới" an toàn

Vy Minh Quân| 11/11/2021 07:00

TP.HCM đang trở lại "bình thường mới" theo cách tiếp cận sống chung với dịch nhưng phải giảm rủi ro lây nhiễm Covid-19, từng bước phục hồi kinh tế. Điều này thật có ý nghĩa khi TP.HCM vốn được xem là đầu tàu kinh tế.

"Bình thường mới" cũng đồng nghĩa với việc TP.HCM và cả Việt Nam phải chuyển từ quản trị khủng hoảng sang quản trị rủi ro. Rất nhiều khó khăn, thách thức phải tính đến như an toàn logistics cho các doanh nghiệp, không chỉ trong nội bộ một quận, huyện mà phải liên quận, huyện; không những chỉ trong TP.HCM mà còn liên vùng; không chỉ liên vùng mà còn kết nối với các quốc gia khác, để đảm bảo dòng chu chuyển nguyên vật liệu và hàng hóa, vừa là các yếu tố đầu vào cho sản xuất và vừa phục vụ các nhu cầu thiết yếu cho người dân được thông suốt. 

Tiếp đến là an toàn cho người dân và đặc biệt là người lao động để thích nghi với cuộc sống "bình thường mới", nhất là khi người lao động đang tập trung tại 17 khu công nghiệp, khu chế xuất, khoảng hơn 300.000 người nhưng chỉ có khoảng 1/5 được tiêm vaccine, số còn lại đã trở về các địa phương khác. 

Những ngày gần đây, cuộc sống "bình thường mới" lại đang phải đối mặt với thách thức mới, khi TP.HCM và một loạt địa phương đang tiếp tục có số bệnh nhân nhiễm Covid-19 tăng cao, biến thể mới xuất hiện, đe dọa công tác phòng, chống dịch và ngành y tế phải liên tục thay đổi cấp độ và có chủ trương ứng phó phù hợp. Thế nhưng, bên cạnh thách thức mới, vẫn còn rất nhiều bất cập cần nhận rõ.

anh-8-JPG-4269-1636511261.jpg

Tại phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội sáng 8/11/2021, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng, cần xem lại thực trạng hệ thống y tế cơ sở, hiện chỉ 30% ngân sách dành cho y tế dự phòng, y tế cơ sở cũng không đáng kể gì so với nhu cầu. Do đó cần có chính sách xuyên suốt, chủ trương quan điểm chỉ đạo của Chính phủ với Bộ Y tế để có chính sách cụ thể về xây dựng y tế cơ sở. 

Đại biểu phân tích, hiện nay chính sách chúng ta chắp vá, thay đổi liên tục, như từ trung tâm y tế quận, huyện chia làm ba phần bệnh viện, y tế dự phòng, phòng y tế... đã yếu còn thiếu mà vẫn phải chia ra. Dẫn tới bệnh viện chưa phải là bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng què quặt, phòng y tế chỉ làm công việc hành chính. Vì thế, bên cạnh con số 20.000 người tử vong do Covid-19, còn có nhiều bệnh nhân chưa được chăm sóc tốt do Covid-19 và phải gián tiếp ra đi vì Covid-19.

Đại dịch Covid-19, cũng là phép thử nhìn lại năng lực điều trị thực sự của ngành y tế Việt Nam. Thực tế, trong đợt dịch qua, chúng ta mới chỉ tập trung phòng, chống Covid-19 trong khi các căn bệnh khác thì chưa thể. Trong khi hệ thống y tế đã yếu, thiếu, nhưng lại bỏ quên lực lượng y tế tư nhân, hệ thống này chưa được huy động kịp thời và chưa có cơ chế tham gia vào phòng, chống dịch cho đúng.

Bên cạnh đó, còn thêm bất cập trong chính sách, đó là quy định bệnh nhân Covid-19 thì ngân sách nhà nước lo, nhưng phân công giữa cơ chế bảo hiểm và ngân sách chưa rõ ràng, nên gây khó khăn trong việc thanh toán, đại biểu Lan nói. Chỉ ra bất cập lúc này, thiết nghĩ cũng là lúc cần phải nhìn lại và đánh giá lại hệ thống y tế của chúng ta "chưa đủ mạnh và yếu" để kịp thời khắc phục, đảm bảo sống chung với Covid-19 trong "bình thường mới". 

Theo BS. Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, trước tình huống biến thể mới xuất hiện và không đáp ứng vaccine hiện tại, ngành y tế cần sớm chuẩn bị kịch bản mới để ứng phó. BS. Thức cũng cho rằng, thành phố đang trong giai đoạn cuối cùng của dịch. Đây là thời điểm cần đánh giá lại ưu, khuyết của quá trình chống dịch vừa qua để rút ra bài học, chuẩn bị cho giai đoạn tới, tránh lúng túng khi tình trạng mới phát sinh. "Có lẽ đã đến lúc không phải nói lý thuyết hay hô hào suông mà cần có ý kiến thực sự chất lượng, am hiểu thực tế mới có thể có được các chủ trương ứng phó dịch hiệu quả”, BS. Thức nói.

Cũng theo chủ trương "bình thường mới" - sống chung với dịch là để phát triển kinh tế, vì thế việc lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải cũng cần có sự quản lý, điều tiết của Chính phủ, không để tái diễn việc ban hành giấy phép con, cát cứ, chia cắt tại một số địa phương vượt quá mức cần thiết, gây ra nhiều khó khăn, tạo bức xúc cho người dân, doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Để "bình thường mới" an toàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO