Đầu tư vào Lào tiếp tục tăng

LỮ Ý NHI| 30/11/2011 00:13

Đã có tới 3,7 tỷ USD đầu tư vào cây công nghiệp, thủy điện, khai thác khoáng sản... tại Lào, nhưng các doanh nghiệp VN vẫn chưa ngừng kế hoạch mở rộng đầu tư, bởi hiệu quả đang dần hiện rõ.

Đầu tư vào Lào tiếp tục tăng

Đã có tới 3,7 tỷ USD đầu tư vào cây công nghiệp, thủy điện, khai thác khoáng sản... tại Lào, nhưng các doanh nghiệp VN vẫn chưa ngừng kế hoạch mở rộng đầu tư, bởi hiệu quả đang dần hiện rõ.

Ông Tạ Minh Châu, Đại sứ VN tại Lào, cho biết, mặc dù kinh tế khó khăn chung, nhưng dòng vốn đầu tư của doanh nghiệp VN sang Lào vẫn tiếp tục gia tăng.

Riêng 8 tháng đầu năm 2011, vốn đầu tư đăng ký của các doanh nghiệp VN tại Lào đạt 469 triệu USD, cao hơn cả năm 2010. Hiện VN đang đứng ở vị trí thứ ba, sau Trung Quốc và Thái Lan, với tổng giá trị đầu tư đạt trên 3,7 tỷ USD.

Đánh giá chất lượng các dự án đầu tư của VN, ông Xồm Xa Vạt-Lềnh Xa Vát, Phó thủ tướng Lào, cho biết: “Hầu hết các dự án đầu tư của VN tại Lào đều thực hiện đúng tiến độ, cam kết hai bên đã ký.

Các dự án đã đi vào hoạt động khá hiệu quả, đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của Lào, tạo công ăn việc làm, gúp nâng cao năng lực, tay nghề cho người lao động Lào...

Đơn cử, chỉ tính riêng các dự án của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) trong các lĩnh vực như: trồng cao su và cọ dầu, dự án trồng mía đường, 8 nhà máy thủy điện, khai thác mỏ sắt và mỏ đồng... khi đi vào hoạt động sẽ cấp việc làm cho hơn 20 ngàn lao động.

Dự kiến đến năm 2014, 2015, chỉ riêng HAGL sẽ tạo kim ngạch xuất khẩu từ 400 - 500 triệu USD.

Đặc biệt, dự án đầu tư 100 triệu USD vào cụm công nghiệp mía đường tại tỉnh Attapeu sẽ đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Attapeu, biến một tỉnh nghèo nhất nước thành một trung tâm nông nghiệp, chế biến và công nghiệp lớn nhất của Lào.

Giải thích về quyết định đầu tư vào một tỉnh nghèo như Attapeu, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn HAGL, cho biết, Attapeu thuộc diện nghèo nhất nước Lào, cơ sở hạ tầng hầu như không có gì, dân cư thưa thớt, chỉ có khoảng 120.000 dân ở rải rác trong những vùng rừng hẻo lánh.

Nhưng qua nghiên cứu, tìm hiểu, chúng tôi nhận ra Attapeu chính là nơi phù hợp để đầu tư lớn và dài hạn, vì nơi đây có nhiều tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, quỹ đất phù hợp với việc trồng cây công nghiệp như cao su, cọ dầu, mía đường; nhiều thác ghềnh rất có tiềm năng về thủy điện cùng nhiều loại khoáng sản quý có trữ lượng lớn.

Vì vậy, năm 2007, HAGL quyết tâm đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng của Attapeu. Ông Đức cho hay, hiện các dự án thủy điện đã bắt đầu bán điện, cao su sang năm bắt đầu thu hoạch điện, nhà máy mía đường có công suất 7.000 tấn mía/ngày sẽ có sản phẩm trong vòng một năm tới và cho ra nhiều sản phẩm như: đường, ethanol, phân bón và tận dụng phế liệu để chạy nhà máy điện công suất 30MW...

Như vậy, dự án này cùng với nhiều dự án khác đã nâng tổng vốn đầu tư tại Lào của HAGL lên đến 1 tỷ USD. Cũng trong tháng 11 này, Chính phủ Lào đã đồng ý cấp phép cho HAGL xây dựng hai sân bay tại tỉnh Attapeu và Hữu Phăn.

Tuy nhiên, để đầu tư tiếp tục được thuận lợi, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư VN sang Lào, cho rằng, Chính phủ Lào cần có cơ chế, chính sách đào tạo lao động địa phương để đáp ứng nhu cầu về lao động của các dự án hợp tác; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, điện, thông tin liên lạc...

Do vậy, ông mong muốn Chính phủ và Bộ Giao thông Lào sớm phê chuẩn và đảm bảo về mặt pháp lý cho dự án sân bay Lào sớm khởi công vào năm 2012, tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, cải cách thủ tục cấp phép đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của VN sang đầu tư và làm ăn lâu dài tại Lào.

Cụ thể, sớm cấp phép cho Tập đoàn Hóa chất VN đầu tư vào mỏ muối Ta Luy, cho phép HAGL và một số đối tác được khảo sát và trồng cao su ở vùng Xê Kông...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đầu tư vào Lào tiếp tục tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO