Trong lần gặp gỡ giới doanh nghiệp TP.HCM vào đầu năm 2009, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh từng phát biểu: Thời kỳ kinh tế đang gặp khó khăn như hiện nay là dịp thích hợp để các doanh nhân tự nhìn lại doanh nghiệp mình, từ đó có phương án tái cơ cấu doanh nghiệp, thậm chí chuyển hướng đầu tư cho phù hợp với tình hình mới.
NÊN ĐẦU TƯ NHỎ HAY LỚN?
Một số doanh nghiệp trong ngành sản xuất dây và cáp điện vừa công bố kết quả sản xuất kinh doanh năm 2008. Theo đó một số doanh nghiệp đầu tư lớn như Công ty liên doanh CadiSun, Công ty cổ phần Cáp điện Taya Việt Nam lỗ đến hàng trăm tỷ đồng. Vào quý 2/2008, đồng tấm 99,99% LME (nguyên liệu để sản xuất dây và cáp điện) có giá 8.442 USD/tấn, đến quý 3 đã xuống 7.679 USD/tấn (giảm 9,03%), sang đến quý 4 chỉ còn 3.904 USD/tấn (giảm 49,16%). Trong báo cáo giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cáp điện Taya VN Wang Yen Huang, cho biết: Suy thoái kinh tế toàn cầu dẫn đến nguyên liệu đồng trên thị trường thế giới giảm giá đột ngột gây tổn thất lớn cho công ty.
Thêm một nguyên nhân gây lỗ cho các công ty trong ngành dây cáp điện là chênh lệch tỷ giá hối đoái. Trong năm tài chính 2008 chênh lệch tỷ giá hối đoái liên ngân hàng là khoảng 5%, trong khi ở thị trường tự do là khoảng 9%. Nhiều công ty vay vốn ngân hàng bằng USD để nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, khi thanh toán nợ đáo hạn bằng USD đã phải chịu tổn thất về chênh lệch tỷ giá hối đoái.
Theo ông Lương Công Huỳnh - Tổng thư ký Hội Dây và Cáp điện TP.HCM, đặc thù của ngành dây cáp điện là các doanh nghiệp phải nhập dự trữ nguyên liệu, năm 2008 có doanh nghiệp nhập hàng trăm tấn nguyên liệu đồng, hàng chưa về tới cảng đã hạ giá. Do vậy, không riêng gì Công ty CadiSun và Công ty Taya, một số doanh nghiệp lớn khác cũng rơi vào tình trạng thua lỗ tương tự. Trong khi đó, một số doanh nghiệp nhỏ và vừa khác, do vốn ít họ mua được nguyên liệu bao nhiêu sản xuất bấy nhiêu, nên tránh được thiệt hại, thậm chí sản xuất nhỏ, túc tắc như Công ty Điện Thắng hay Công ty Tài Trường Thành lại có lãi.
BỎ TRỨNG VÀO NHIỀU GIỎ HAY MỘT GIỎ?
Vào khoảng năm 2002 - 2006, nhiều doanh nghiệp ngành dây cáp điện ưa chuộng mô hình đầu tư đa ngành, như vừa đầu tư sản xuất dây và cáp điện, vừa bỏ vốn đầu tư vào bất động sản, chứng khoán... Bước đầu cũng có doanh nghiệp trúng đậm. Nhưng kể từ cuối năm 2007, khi thị trường chứng khoán trồi sụt bất thường, đến năm 2008 thị trường bất động sản bị đóng băng, hàng sản xuất tồn kho, một số doanh nhân đã rơi vào tình trạng “tăng xông” khi số vốn tự có từ dương đang chuyển dần sang âm. Trong khi đó, một số doanh nghiệp khác trung thành với việc đầu tư chuyên ngành vẫn khá vững vàng khi cơn bão tài chính diễn ra.
Còn quá sớm để kết luận doanh nghiệp đầu tư đa ngành là không đúng. Thực tế, nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ do tham gia tự doanh chứng khoán nhưng cũng có doanh nghiệp làm chủ một khu công nghiệp rộng cả trăm hécta. Tuy nhiên trong bối cảnh khó khăn hiện nay ít nhà đầu tư nào dám mạo hiểm bỏ vốn ra thành lập doanh nghiệp mới hay mở rộng sản xuất, nên việc cho thuê đất trong các khu công nghiệp càng gặp khó khăn hơn. Đó là chưa kể chủ đầu tư ít vốn phải dựa vào nguồn tiền thuê đất của khách và vay ngân hàng để đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở.
Lời giải cho bài toán đầu tư quả là không dễ.
XUÂN LỘC