Đấu giá lại các lô đất tại Thủ Thiêm, Thành phố cần chính sách quy hoạch đất công rõ ràng

Lữ Ý Nhi| 25/10/2022 09:24

Sau sự kiện một số doanh nghiệp trúng đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm bỏ cọc, tác động không nhỏ đến mặt bằng giá đất, nhà ở, thị trường bất động sản khu vực Thủ Thiêm, nhiều ý kiến cho rằng đây là bài học lớn, cần rút kinh nghiệm. Đặc biệt, Thành phố cần có chính sách quy hoạch đất công rõ ràng trước khi mở đấu giá lại các lô đất  tại Thủ Thiêm.

-7710-1666663479.jpg

Bài học lớn nhất chính là những kẽ hở trong quy định như mức đặt cọc quá thấp, nếu bỏ cọc, doanh nghiệp hay tổ chức chỉ bị mất cọc chứ chưa có hình thức chế tài nào khác. Một bài học nữa và cũng là lỗ hổng cần khắc phục, đó là việc tra xét năng lực triển khai dự án và năng lực tài chính của doanh nghiệp tham gia đấu giá. Cụ thể, các ý kiến đề xuất cho rằng, bên cạnh quy định bắt buộc số tiền đặt cọc tối đa 20%, phải yêu cầu doanh nghiệp chứng minh năng lực tài chính khi trúng thầu. Ngoài ra, hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói cũng không phù hợp với đấu giá quyền sử dụng đất, vì thế có thể xem xét đến hình thức bỏ phiếu trực tiếp hoặc gián tiếp. Các bên tham gia đấu giá sẽ ghi mức giá muốn mua, niêm phong thùng phiếu, bên nào trả giá cao sẽ thắng, nếu mức giá đưa ra bằng nhau có thể rút thăm để chọn nhà đầu tư. Thực tế, đã có những doanh nghiệp mới vừa được thành lập cách đó vài tháng, vốn chỉ vài trăm tỷ đồng nhưng cũng được tham gia đấu giá đất lên đến hàng nghìn tỷ đồng nên cũng cần xem lại. 

Trong lúc dư luận đang băn khoăn, đặt ra nhiều vấn đề cần khắc phục những bất cập trên nhưng vẫn chưa có một quy định nào được bổ sung, thay thế thì mới đây, khi Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, các sở, ngành của TP.HCM đang báo cáo UBND TP.HCM để phê duyệt kế hoạch, sau đó sẽ công khai tiến độ và đưa ra đấu giá lại các lô đất tại Thủ Thiêm, nhiều ý kiến lo lắng, quan ngại lại tiếp tục đặt ra: Liệu lỗ hổng trong đấu giá trước đây và tình trạng bỏ cọc sau đấu thầu có thể lặp lại?

Không phải các quan ngại, nỗi lo trên không có cơ sở khi mới đây, trả lời báo chí bên lề hội nghị "Đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền thành phố”, chính Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM  Nguyễn Toàn Thắng đã cho rằng, đợt đấu giá vừa qua, thành phố làm theo đúng trình tự thủ tục và chỉ khi nào trình tự, thủ tục có thay đổi thì thành phố mới thay đổi. Ông Thắng khẳng định: "Thành phố đã làm đúng trình tự, các cơ quan trung ương đã kiểm tra việc thực hiện và cũng khẳng định thành phố làm đúng quy trình. Còn lại một số quy trình, quy định cần phải điều chỉnh cho chặt chẽ thì đến khi nào các cơ quan ban hành, thành phố sẽ thực hiện".

Ngay cả khi có câu hỏi đặt ra, liệu rằng với quy trình cũ sẽ tái diễn tình trạng đấu giá cao, bỏ cọc như vừa xảy ra, ông Thắng cũng khẳng định, việc xử lý đã có quy định và đây là những giả định, các cơ quan cũng không thể làm khác khi các quy định pháp luật chưa thay đổi. 

Ở một góc nhìn khác, trao đổi với Doanh Nhân Sài Gòn, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng không nên vội vã, nôn nóng khi cho rằng một vài khu đất đang để không, chưa đi vào hoạt động là lãng phí. Vấn đề quan trọng và lớn nhất của TP.HCM hiện nay là các đề án, quy hoạch của TP.HCM đã đúng chưa và thành phố đang cần một chính sách quy hoạch đất công một cách minh bạch, rõ ràng.

Bởi với một thực tế là ngay cả các dự án đã thực hiện trước đó rất lâu và đã đi vào hoạt động nhiều năm rồi, nhưng theo chỉ đạo và cách xử lý của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, vẫn có thể bị hồi tố (nếu có sai phạm và không đúng quy hoạch), vì thế rất nhiều doanh nghiệp tại thành phố, kể cả nhà đầu tư nước ngoài đều có chung tâm trạng chần chừ, e ngại.

Từ những bất cập, quan ngại trên, thiết nghĩ để giải quyết một vấn đề lớn, đặc biệt là vấn đề đất công vốn đang nóng và nhạy cảm như hiện nay, cần phải có những quy định sửa đổi một cách cụ thể về đấu thầu, trước khi triển khai tiếp các cuộc đấu thầu tiếp theo. Nếu trước đây chúng ta đi từ ngọn, rồi mới đến gốc để đáp ứng nhu cầu và mang lại hiệu quả kinh tế sớm nhất, thì giờ đây vấn đề phải được phải giải quyết từ gốc. Cụ thể, với 4 khu đất tại Thủ Thiêm nói riêng và một vài khu đất công khác tại thành phố, trước khi mở đấu thầu, phát triển dự án, cần có sự chuẩn hóa cụ thể về quy hoạch của Chính phủ cũng như đề án quy hoạch đất công một cách rõ ràng, như thế không chỉ tránh được những lỗ hổng và bất cập mới mà còn tạo sự an tâm cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư khi tham gia phát triển dự án hoặc đấu thầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đấu giá lại các lô đất tại Thủ Thiêm, Thành phố cần chính sách quy hoạch đất công rõ ràng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO