Đà Nẵng: Điểm đầu tư tốt nhất miền Trung

KHẢI LY| 26/11/2009 08:43

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 3 vừa qua, Đại sứ Nhật Bản Mitsuo Sakaba đưa ra một thông tin rất mới: Miền Trung sẽ là tâm điểm phát triển quan hệ kinh tế Việt - Nhật...

Đà Nẵng: Điểm đầu tư tốt nhất miền Trung

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 3 vừa qua, Đại sứ Nhật Bản Mitsuo Sakaba đưa ra một thông tin rất mới: Miền Trung sẽ là tâm điểm phát triển quan hệ kinh tế Việt - Nhật, với sự liên kết của DN hai nước.

Trọng tâm của mối quan hệ này là các dự án ODA xây dựng cảng, cầu, hầm đường bộ có thúc đẩy hoạt động kinh tế trên hành lang Đông Tây và vai trò động lực của Đà Nẵng. Nếu đẩy mạnh quá trình hoàn thiện hạ tầng, Đà Nẵng sẽ càng hấp dẫn hơn đối với DN Nhật. Nhận định của Đại sứ Nhật Bản đã được chia sẻ từ thực tế của hàng loạt nhà đầu tư lớn vào lĩnh vực du lịch, bất động sản, khu đô thị, công nghiệp tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế trong vài năm gần đây. Ví dụ, trong vòng 5 năm qua, Tập đoàn Indochina Capital đầu tư 6 dự án lớn với 300 triệu USD.

Indochina Capital xây dựng và kinh doanh Trung tâm thương mại cao cấp Indochina Tower tại Đà Nẵng

Tại Quảng Nam có The Nam Hải Resort, sân golf Montgomerie Links, khu biệt thự Malibu và khu nhà xưởng cho thuê. Tại Đà Nẵng, Trung tâm thương mại - căn hộ cao cấp Indochina Tower đã hoạt động hai năm. Ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng xác nhận, hiện vốn đầu tư của các DN nước ngoài có 80% đổ vào xây dựng khu đô thị, du lịch và căn hộ. Các DN Nhật Bản đầu tư vào sản xuất có công nghệ cao. Riêng DN trong nước, đặc biệt là ngành ngân hàng - tài chính đã hiện diện ở Đà Nẵng với gần 80 đơn vị.

Ông Peter R. Ryder, Tổng giám đốc Quỹ Indochina Capital nhiều lần phân tích về kinh nghiệm đầu tư hiệu quả của Quỹ này tại Quảng Nam và Đà Nẵng. Để có sự thành công như The Nam Hải Resort, sân golf Montgomerie Links và khu phức hợp Indochina Riverside Towers, Indochina Capital đã nghiên cứu và phân tích kỹ thị trường miền Trung và quyết định khai thác thị trường khách du lịch cao cấp quốc tế với sự quản lý của các thương hiệu nổi tiếng thế giới. Yếu tố thứ hai là Indochina Capital đã rất khắt khe trong việc lựa chọn các công ty tư vấn thiết kế có tên tuổi trên thế giới và các nhà thầu xây lắp có kinh nghiệm để bảo đảm các công trình này có kiến trúc tiêu biểu.

Ông Hideo Hosoya, Tổng giám đốc Công ty Mabuchi Motor, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng nhận xét, so với Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng dễ đảm bảo nguồn lao động là công nhân. Tại đây cũng có các trường đại học lớn cung cấp nguồn nhân lực. Văn phòng, nơi ở của người nước ngoài đảm bảo an ninh tốt, dễ sống, giá thuê nhà rẻ hơn ở TP.HCM, Hà Nội... Quan trọng nhất là chỉ số năng lực cạnh tranh PCI bao gồm cạnh tranh cấp tỉnh nói chung, cơ sở hạ tầng giao thông, môi trường đầu tư của khu vực đạt khá cao. Riêng Đà Nẵng có chỉ số PCI đứng đầu cả nước, đồng thời đứng đầu về chỉ số hạ tầng, xếp thứ 4 về môi trường đầu tư. Quảng Nam cũng rất thông thoáng trong các chính sách ưu đãi, cải thiện các thủ tục cấp phép đầu tư cho DN.

Sau những dự án lớn đầu tư vào đô thị, du lịch cao cấp ven biển, hiện nay chính quyền Đà Nẵng đang tập trung kêu gọi đầu tư vào khu công nghiệp công nghệ cao (1.400ha), với các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn. Đi kèm chủ trương giao đất sạch (đã giải tỏa), đưa điện, nước và đường giao thông đến hàng rào dự án cho nhà đầu tư, thành phố còn có các chính sách hỗ trợ đào tạo lao động, nỗ lực giải quyết các tranh chấp giữa chủ DN và người lao động. Chính sách nhất quán của thành phố này là thực hiện mục tiêu “Thành phố môi trường” nên không chấp nhận các dự án gây ô nhiễm. Trong năm 2008, chính quyền Đà Nẵng đã không chấp nhận lời đề nghị của hai tập đoàn sản xuất thép và giấy có mức đầu tư 2,5 tỷ USD.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đà Nẵng: Điểm đầu tư tốt nhất miền Trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO