Cử tri chờ đợi gì ở Quốc hội?

24/05/2010 08:51

Đó là những điều mà các cử tri và đại biểu Quốc hội đang quan tâm, bức xúc ở kỳ họp Quốc hội đang diễn ra.

Cử tri chờ đợi gì ở Quốc hội?

Các cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm, bức xúc vấn đề gì nhất ở kỳ họp Quốc hội đang diễn ra? Báo DNSG xin trích đăng lại toàn bộ nội dung (báo Tuổi trẻ) ý kiến của các cử tri và đại biểu Quốc hội đang kỳ vọng ở Quốc hội khóa VII lần này.

* Ông Nguyễn Đình Xuân (đại biểu Quốc hội Tây Ninh):

Đa dạng sinh học đang bị bào mòn

Là một người làm công tác lâm nghiệp, gắn bó với sự nghiệp bảo vệ rừng và đa dạng sinh học, tôi đặc biệt quan tâm đến cái giá của chúng ta phải trả cho tăng trưởng đang quá đắt. 8/25 chỉ tiêu kinh tế - xã hội không đạt phần lớn nằm ở lĩnh vực xã hội, môi trường, tại sao vậy?

Một con tê giác vừa chết ở vườn quốc gia Cát Tiên và đó có thể là con tê giác cuối cùng; hai con voi nhà mới chết ở Đắk Lắk, nâng tổng số voi nhà bị chết từ đầu năm đến nay lên hơn mười con; địa bàn sinh sống của sếu đầu đỏ bị lấn chiếm bởi người nuôi tôm và nạn cháy rừng...

Sự đa dạng sinh học của nước ta đang bị bào mòn nghiêm trọng. Chúng ta từng được công nhận là một trong 16 quốc gia có sự đa dạng sinh học nhất thế giới, chúng ta tự hào về rừng vàng biển bạc..., nhưng chúng ta đã và đang đổi cái giá quá đắt cho tăng trưởng. Đánh đổi như vậy có xứng đáng hay không?

* Bà Vũ Thị Hồng Thanh (60 tuổi, hưu trí P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM):

Kiểm soát được giá cả

Những biến động kinh tế trong năm qua đã ảnh hưởng trực tiếp đời sống người dân như chúng tôi. Là người lo nội trợ chính trong gia đình, tôi cảm nhận được cuộc sống đang ngày càng khó khăn hơn vì ám ảnh giá cả.

Nhà nước đã có chính sách bù trượt giá, tăng lương cho người dân nhưng nhìn vào thực tế mọi thứ từ bó rau, con cá đều tăng vùn vụt, bữa cơm vì thế trở thành gánh nặng của bà nội trợ chứ không còn là niềm vui được chăm sóc gia đình như trước đây.

Tôi mong sao các chính sách quản lý kinh tế vĩ mô tới đây sẽ được Chính phủ tập trung hơn, hướng đến sự ổn định để đời sống người dân khá lên một cách thực chất.

Chính phủ cần có chính sách phát triển dài hạn hoặc có quy trình quản lý giá chặt chẽ hơn, không tạo cơ hội cho những kẻ lợi dụng để làm giá, gây khó khăn cho người dân.

* Ông Lê Công Nghiệp (P.8, TP Cà Mau):

Kịp thời ngăn chặn nạn bạo hành trẻ em

Qua theo dõi thông tin trên các phương tiện truyền thông, tôi thật sự bức xúc khi thấy nhiều trẻ em bị bạo hành.

Điều này càng bức xúc hơn bởi hiện nay Nhà nước ta có đủ các quy định về pháp luật để xử lý hành vi này và bộ máy quản lý, điều hành xã hội từ trung ương đến địa phương cũng có các bộ phận được gắn trách nhiệm bảo vệ trẻ em nhưng các bé vẫn bị đánh đập tàn nhẫn.

Tôi mong ước Quốc hội và các cơ quan chức năng có những hướng dẫn, giám sát việc thực thi có hiệu quả những quy định pháp luật, trong đó có Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em để kịp thời ngăn chặn nạn bạo hành trẻ em.

* Ông Nguyễn An Chính (tổ trưởng tổ 10, P.Trảng Dài, TP Biên Hòa, Đồng Nai):

Đừng để ô nhiễm xảy ra rồi mới nhảy vào

Sau Vedan lại xảy ra vụ Tung Kuang, Nhà máy đường Quảng Ngãi... cố tình gây ô nhiễm mà báo chí phản ánh, đã làm mọi người càng lo lắng hơn về chuyện môi trường bị đe dọa.

Khi có chuyện, người ta hay nói đến trách nhiệm. Nhưng trách nhiệm ra sao khi việc thẩm định, giám sát các dự án trước đó chưa phải là của dân. Tôi nghĩ kêu gọi người dân ý thức bảo vệ môi trường thì chính quyền ở mỗi cấp cũng phải theo dõi sát sao các khu công nghiệp, các nhà máy... để có biện pháp xử lý kiên quyết thì người dân càng tin tưởng.

Chứ như hiện nay ở hầu hết các địa phương đều báo động ô nhiễm, dân xôn xao rồi các cơ quan có trách nhiệm mới nhảy vào khắc phục hậu quả thì muộn mất rồi. Hơn thế, theo tôi, khi phê duyệt, thẩm định các dự án phải tính toán kỹ chuyện ô nhiễm đất, nước, không khí và dứt khoát phải đặt xa khu dân cư.

* Ông Trần Đỗ Liêm (P. 5, TP Mỹ Tho, Tiền Giang):

Cổ phần hóa làm thất thoát tài sản nhà nước nhiều quá!

Bản thân tôi và rất nhiều cử tri khác thật sự thất vọng khi một lần nữa đọc được những thông tin báo chí cho biết khối tài sản khổng lồ của Công ty Du lịch Tiền Giang được định giá rẻ như bèo. Và hệ quả là toàn bộ công ty đã rơi vào tay một “đại gia” với vô số ưu đãi khác của Nhà nước, đặc biệt là được thuê đất vàng giá rẻ trong suốt 50 năm trời.

Thật ra không phải tới bây giờ chúng tôi mới thấy những doanh nghiệp nhà nước được định giá rẻ mạt khi thực hiện chủ trương cổ phần hóa. Từ vụ Công ty Du lịch Tiền Giang, tôi đề nghị Quốc hội nên có kế hoạch giám sát, rà soát tất cả những doanh nghiệp đã cổ phần hóa vừa qua.

Theo tôi biết, hầu hết các doanh nghiệp đã cổ phần hóa đều có vấn đề, nhất là định giá tài sản và bán đấu giá cổ phần. Từ những vụ việc báo chí nêu cho thấy có quá nhiều kẽ hở trong các văn bản hướng dẫn cổ phần hóa, dẫn đến tình trạng chảy máu tài sản nhà nước, hay nói đúng hơn là thất thoát tiền thuế của dân. Rất đau xót!

Thảo luận nội dung 7 dự án luật

Quốc hội sẽ bắt đầu tuần làm việc thứ hai bằng việc thảo luận dự thảo Luật thi hành án hình sự vào sáng nay (24/5). Sáu dự án luật khác được Quốc hội dành phần lớn thời gian trong tuần để thảo luận gồm: Luật trọng tài thương mại; Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật thuế nhà, đất; Luật nuôi con nuôi; Luật bưu chính; Luật người khuyết tật.

Trong cả ngày thứ năm (27/5) và sáng thứ sáu (28/5), Quốc hội sẽ dành trọn thời gian để thảo luận ở hội trường về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010 trong những tháng đầu năm; về quyết toán ngân sách năm 2008. Thông thường, sau phiên thảo luận này, các đại biểu Quốc hội sẽ quyết định gửi câu hỏi và yêu cầu những thành viên nào của Chính phủ trả lời chất vấn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cử tri chờ đợi gì ở Quốc hội?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO