Công nghiệp hỗ trợ: bao giờ cung theo kịp cầu?

17/07/2013 06:08

Sáu tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu của các mặt hàng giàu hàm lượng công nghệ như: điện thoại và linh kiện đạt 9,9 tỉ USD, tăng 97% so cùng kỳ năm ngoái; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 4,7 tỉ USD, tăng 39%%. Tuy nhiên, đóng góp của doanh nghiệp trong nước vào chuỗi giá trị công nghiệp vẫn còn quá nhỏ.

Công nghiệp hỗ trợ: bao giờ cung theo kịp cầu?

Sáu tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu của các mặt hàng giàu hàm lượng công nghệ như: điện thoại và linh kiện đạt 9,9 tỉ USD, tăng 97% so cùng kỳ năm ngoái; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 4,7 tỉ USD, tăng 39%%. Tuy nhiên, đóng góp của doanh nghiệp trong nước vào chuỗi giá trị công nghiệp vẫn còn quá nhỏ.

Công nhân tại tổ hợp Samsung Electronics Việt Nam kiểm định linh kiện trước khi chuyển sang công đoạn lắp ráp thành phẩm.

Đầu năm đến nay, diễn ra không ít hội thảo, thảo luận về phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, gia tăng “hàm lượng Việt Nam” trong sản phẩm. Thông tin được lặp đi lặp lại là Chính phủ đã có nhiều chính sách cho CNHT, nghĩa là nhìn thấy rõ vai trò của lĩnh vực này nhưng trên thực tế, hiệu quả của những chính sách đó còn thấp.

Không bắt kịp nhu cầu

Khi được hỏi về CNHT Việt Nam, ông Lê Văn Chính, cố vấn kỹ thuật của Soncamedia, cho biết: “Tầm của họ (các doanh nghiệp CNHT) còn quá yếu. Chúng tôi sẵn sàng chấp nhận giá cao hơn để có những sản phẩm tốt hơn nhưng họ không làm được. Ốc vít còn nhiều gai, vỏ nhựa thô ráp, vài lô hàng đầu giao đúng hẹn nhưng sau đó chậm trễ…”

Điều đáng nói là đối tác gia công phụ kiện cho ông Chính là những “tên tuổi” trong cơ khí, nhựa ở quận 6, quận 8, Tân Bình…

Trong nhiều hội nghị tìm kiếm các đối tác trong nước, các vị lãnh đạo của Intel Việt Nam than phiền là... “đỏ con mắt”. Đại diện bộ phận thu mua của Intel Việt Nam không ít lần than phiền:

“Qua làm việc với nhiều đối tác thuộc nhóm CNHT Việt Nam, khi chào hàng, các sản phẩm mẫu rất tốt nhưng khi cung cấp số lượng lớn, chất lượng sản phẩm lại không đồng nhất”.

Trong 60 đối tác tham gia cung ứng cho Samsung Electronics Việt Nam (SEV) chỉ có 5 doanh nghiệp Việt Nam tham gia ở các khâu đơn giản: đóng gói, bao bì, in ấn.

Cách đây năm năm, SEV chỉ sản xuất những chiếc điện thoại giá rẻ nhưng nay tập trung sản xuất điện thoại thông minh, máy tính bảng. Doanh nghiệp trong nước không làm chủ công nghệ thì không thể theo kịp nhu cầu sản phẩm đang thay đổi nhanh chóng hiện nay và không thể cung ứng cho SEV.

Bà Lê Bích Loan, phó ban Quản lý khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) cho rằng, có máy móc hiện đại và con người đủ tầm mới có chất lượng sản phẩm đồng nhất và đạt quy chuẩn theo yêu cầu của khách hàng. Hiện nay, nhà sản xuất luôn gắn kết với thị trường nên sản phẩm của họ liên tục thay đổi, điều đó “bắt buộc các doanh nghiệp CNHT phải luôn cải tiến công nghệ phù hợp với yêu cầu của nhà sản xuất”, bà Loan nói.

Vì đâu nên nỗi?

Ông Nguyễn Anh Tuấn, chủ tịch hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TP.HCM cho rằng, thông thường các nước chỉ mất từ 5 – 10 năm cho giai đoạn lắp ráp nhưng Việt Nam đã kéo dài hơn 30 năm.

Theo ông Tuấn, công đoạn lắp ráp tạo ra giá trị gia tăng thấp, chỉ từ 5 – 10%. Những những chính sách ưu đãi nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài như giá thuê đất rẻ, miễn giảm thuế… đã thu hút rất nhiều công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam với hình thức chính là gia công như Sony, JVC, Panasonic...

Hết hợp đồng, nhà sản xuất ra đi hoặc chuyển đổi mô hình sản xuất, giá trị công nghệ để lại không đáng kể nếu không muốn nói là chẳng có gì.

Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Như Phương, đại diện hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), hiện các doanh nghiệp sản xuất CNHT trong nước chưa được ưu đãi giống như doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nên các doanh nghiệp trong nước thuộc nhóm ngành này không mặn mà chuyện đầu tư công nghệ.

TS Huỳnh Ngọc Phiên, chủ tịch hội đồng quản trị công ty Amata (Đồng Nai), chia sẻ: “Các tập đoàn nhà nước nhiều tiền nhưng lại không đầu tư vào công nghệ hiện đại. Còn các doanh nghiệp tư nhân yếu vốn, ít người, làm sao đủ sức để đầu tư công nghệ cao và con người tài”.

Tưởng chừng việc sản xuất một chiếc vỏ nhựa không có gì đặc biệt, nhưng khi chứng kiến quy trình sản xuất, từ khâu ép nhựa, phun, đánh bóng với các dây chuyền, robot tại SEV mới thấy sự phức tạp mà các doanh nghiệp Việt Nam khó đáp ứng.

Doanh nghiệp và Nhà nước cùng làm

TS Huỳnh Ngọc Phiên cho rằng, cần có bàn tay can thiệp của Nhà nước mới đủ sức hình thành lĩnh vực CNHT. “Bàn tay” của Nhà nước không chỉ là chính sách ưu đãi về tài chính, khoa học công nghệ để kêu gọi doanh nghiệp hứng khởi đầu tư mà còn là thông tin thị trường, huấn luyện nhân lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhưng theo nhiều nhà sản xuất, doanh nghiệp Việt Nam phải biết “vượt qua chính mình” bằng mối quan hệ với các đối tác hoặc tự đầu tư công nghệ.

Ông Peter Opdahl, chủ tịch tập đoàn ITO (Nhật Bản), chia sẻ: “ITO bắt đầu là doanh nghiệp nhỏ với nhiều khó khăn nhưng khi có cơ hội cung cấp dịch vụ và sản phẩm vào thị trường, chúng tôi hợp tác với những công ty lớn hơn để học hỏi về chất lượng, công nghệ”.

Bà Nguyễn Thị Như Phương gợi ý: gần đây, Việt Nam là điểm đến của các nhà sản xuất Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Singapore... Khi vào Việt Nam, họ đem theo hệ thống các doanh nghiệp vệ tinh. Thay vì làm việc trực tiếp với các nhà sản xuất, các doanh nghiệp nên tìm kiếm cơ hội làm đối tác cho các doanh nghiệp vệ tinh để học tập kinh nghiệm sản xuất, quản lý, khi đủ sức sẽ thành đối tác trực tiếp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Công nghiệp hỗ trợ: bao giờ cung theo kịp cầu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO