Cơ quan báo chí TP.HCM góp ý xây dựng Luật Báo chí

ĐĂNG KHOA| 28/05/2015 06:21

Sáng 28/5, tại TP.HCM, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo góp ý xây dựng Luật Báo chí.

Cơ quan báo chí TP.HCM góp ý xây dựng Luật Báo chí

Sáng 28/5, tại TP.HCM, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo góp ý xây dựng Luật Báo chí.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông được giao chủ trì soạn thảo Luật Báo chí trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10/2015 để thông qua vào kỳ họp tháng 3/2016.

Theo Thứ trưởng, Bộ xác định việc xây dựng Luật Báo chí lần này phải nhằm đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí phát triển đúng định hướng, đúng pháp luật, phục vụ có hiệu quả công cuộc công nghiệp, hiện đại hóa đất nước.

Việc xây dựng Luật Báo chí trên cơ sở tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí năm 1989, Luật sửa đổi, bổ sung năm 1999 và xu hướng phát triển của báo chí thời gian tới, cần cụ thể hóa và đưa vào luật các quy định đã thực hiện thời gian qua còn phù hợp mà trước đây được quy định tại các văn bản dưới luật; cố gắng cụ thể các quy định trong luật để có thể áp dụng ngay, tránh nhiều văn bản hướng dẫn.

Tại Hội thảo, ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí, đại diện Ban Soạn thảo (ảnh) đã chia sẻ những nét chính của dự thảo Luật Báo chí.

Theo đó, Dự thảo Luật Báo chí mới có 6 chương 58 điều, trong đó có 35 điều mới, 23 điều cũ có sửa đổi bổ sung.

Bên cạnh những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí như làm giả, sửa chữa thẻ nhà báo; đăng phát nội dung đã bị xóa bỏ trên báo điện tử; nhập khẩu sản phẩm báo chí bị cấm..., Dự thảo Luật Báo chí còn quy định nghiêm cấm thông tin trên báo chí những nội dung tuyên truyền chống Nhà nước, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc; kích động bạo lực, truyền bá tư tưởng phá hoại thuần phong mỹ tục; tiết lộ bí mật Nhà nước, bí mật đời tư cá nhân, thông tin sai sự thật, xuyên tạc lịch sử...

Về đối tượng thành lập cơ quan báo chí, Dự thảo Luật quy định một số đối tượng như cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp...

Dự thảo Luật thể hiện thống nhất quan điểm Việt Nam không có báo chí tư nhân.

Về cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu cơ quan chủ quản báo chí không được kiêm nhiệm chức vụ người đứng đầu cơ quan báo chí.

Về thời hạn, hiệu lực của giấy phép cấp cho cơ quan báo chí, sau 90 ngày đối với báo in, báo điện tử và 180 ngày với báo nói, báo hình, nếu cơ quan báo chí không có sản phẩm báo chí thì giấy phép đương nhiên hết hiệu lực.

Với các đặc san, ấn phẩm phụ, kênh phát thanh truyền hình mở thêm..., sau 60 ngày nếu không có sản phẩm báo chí thì giấy phép đương nhiên hết hiệu lực. Hiệu lực giấy phép xuất bản đặc san không quá 12 tháng.

Về điều kiện hoạt động của văn phòng đại diện cơ quan báo chí, trưởng/phó văn phòng đại diện phải có thẻ nhà báo được cấp bởi cơ quan báo chí có văn phòng đại diện (không chấp nhận thẻ nhà báo được cấp bởi cơ quan báo chí khác).

Góp ý cho Dự thảo Luật Báo chí, ông Võ Văn Long – Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM băn khoăn tại điểm 6e, Điều 30 Dự thảo Luật quy định: “Tuổi đảm nhiệm chức danh Tổng biên tập, Phó tổng biên tập không quá tuổi hưu của Luật Lao động. Trường hợp đặc biệt không quá 5 năm so với quy định của Luật Lao động”. Theo ông Long, Luật nên quy định rõ thế nào là trường hợp đặc biệt và cơ quan nào sẽ thẩm định để xác định trường hợp đặc biệt.

Một thực tế hiện nay, bên cạnh các Báo điện tử được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động ( trong đó tại TP.HCM hiện có 6 Báo điện tử), vẫn còn rất nhiều trang thông tin điện tử tổng hợp hoạt động như báo điện tử, độc giả không sao phân biệt được và chỉ có cơ quan quản lý là Sở Thông tin và Truyền thông mới biết đâu là báo điện tử. Do vậy, Luật cần quy định chặt việc quản lý các trang thông tin này.

Ông Nguyễn Quang Thông - Tổng biên tập Báo Thanh Niên góp ý: Có 4 nhóm công việc liên quan hoạt động báo chí, gồm: Nội dung báo chí; kinh tế báo chí; các hoạt động sau mặt báo; đầu tư phát triển, xây dựng cơ bản, phát triển nguồn nhân lực… Do vậy, tại Điều 5 của Dự Luật quy định về “Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí” nên có thêm khoản f: Có quyền tổ chức và thực hiện các hoạt động liên quan kinh tế báo chí, hay nói cách khác là cơ quan báo chí làm kinh tế báo chí. Đồng thời thêm điểm g của Điều 5 là: Tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao để phục vụ cho cộng đồng và công tác đối ngoại.

Có đề nghị đổi Điều 25 từ “Tài chính của cơ quan báo chí” thành “Kinh tế của cơ quan báo chí”. Cơ quan báo chí là đơn vị sự nghiệp có thu, sản phẩm báo chí là hàng hóa đặc biệt, việc tồn tại hay không tồn tại cơ quan báo chí là do độc giả quyết định. Có đơn vị báo chí nhiều năm doanh thu không nuôi nổi hoạt động của bộ máy thì nên cho phá sản.

Một số nhà báo có cùng ý kiến Điều 56 Dự Luật về “Xử lý vi phạm trong lĩnh vực báo chí” cần có biện pháp chế tài đối với những cơ quan, cá nhân không tạo điều kiện cho cơ quan báo chí hoạt động, có hành vi xúc phạm, cản trở phóng viên tác nghiệp. Bởi thực tế hiện nay có địa phương cấp tỉnh đặt ra quy định riêng là cơ quan báo chí muốn hoạt động tại địa phương phải có điều kiện. Đây là hành xử không thống nhất gây khó khăn cho cơ quan báo chí.

Ông Đỗ Danh Phương – Tổng biên tập Báo Người Lao động góp ý: Điều 5 Dự Luật quy định về ‘Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí” đã khá rõ phần nhiệm vụ, nhưng cũng cần nêu rõ quyền hạn của báo chí. Việc đưa cụm từ “là diễn đàn của nhân dân” vào chức năng của báo chí là không cần thiết. Điều 9 Dự Luật quy định về “Cơ quan quản lý nhà nước về báo chí” có 5 điểm, nên sửa lại còn 2 điểm, cụ thể: điểm 1 - Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về báo chí; điểm 2 - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về báo chí.

Tại điểm 5, Điều 36 về “Cung cấp thông tin trên báo chí” có quy định “Cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, Chánh án tòa án nhân dân cấp tỉnh trở lên…”. Tuy nhiên thực tế có rất nhiều người truy hỏi nguồn tin. Để tránh trường hợp khó xử, đề nghị Luật quy định nghiêm cấm truy hỏi nguồn tin…

Kết luận tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn ghi nhận các ý kiến ý kiến đóng góp và mong tiếp tục nhận được nhiều ý kiến góp ý hơn nữa cho Dự thảo Luật Báo chí.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cơ quan báo chí TP.HCM góp ý xây dựng Luật Báo chí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO