Cơ chế đặc thù - động lực cho TP.HCM phát triển

NGUYÊN BẢO| 21/11/2017 03:18

Kỳ họp thứ tư, Quốc hội Khóa XIV tiếp tục làm việc với những nhóm vấn đề quan trọng, trong đó có thảo luận về Dự thảo Nghị quyết Về cơ chế, chính sách phát triển TP.HCM.

Cơ chế đặc thù - động lực cho TP.HCM phát triển

Tại nghị trường, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng, đã đến lúc cần áp dụng ngay cơ chế đặc thù cho TP.HCM vì nơi này từ một thành phố sầm uất đang trở nên "trầm uất" bởi cơ chế ràng buộc. Theo ông Dương Trung Quốc, việc áp dụng cơ chế đặc thù cho TP.HCM cũng sẽ đem lại sự "giải thoát", bứt phá phát triển cho Hà Nội và cả nước.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa khẳng định, trong suốt thời kỳ bao cấp, TP.HCM đã đi đầu trong việc tạo ra làn sóng đổi mới. Chẳng hạn, những năm 1980, thành phố đề xuất xây dựng khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn, sau đó được trung ương thể chế hóa thành quy định chung trên cả nước. Thành phố cũng là nơi thành lập ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên vào tháng 10/1987, sau đó Quốc hội ban hành Pháp lệnh Ngân hàng vào năm 1990.

Thêm nữa, Thành phố cũng tiên phong trong việc đổi đất lấy hạ tầng mà nhiều tỉnh, thành khác áp dụng sau này. Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh, việc trao cho TP.HCM cơ chế đặc thù chính là giao nhiệm vụ. Cả nước vì TP.HCM thì Thành phố sẽ làm tốt trách nhiệm với cả nước. Nếu Dự thảo Nghị quyết Về cơ chế, chính sách phát triển TP.HCM được Quốc hội thông qua, Thành phố không còn phải loay hoay "xé rào" mà có đủ căn cứ pháp lý để bứt phá phát triển.

Link bài viết

Liên quan đến vấn đề thí điểm cơ chế đặc thù cho TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, TP.HCM là trung tâm kinh tế - tài chính lớn nhất nước, nên Thành phố phát triển nhanh sẽ đóng góp nhiều hơn cho đất nước.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, TP.HCM thu 100 đồng, chỉ được giữ lại 18 đồng, điều tiết về trung ương 82 đồng nên động lực tăng trưởng đang chậm lại. Giai đoạn 1986 - 2010, tăng trưởng của TP.HCM luôn ở mức hai con số, trên 10%, nhưng đến 2015 còn hơn 9%, qua đó làm chậm mức tăng chung của cả nước, mà các địa phương khác dù có tăng GDP cao hơn cũng không bù lại được.

Tăng trưởng kinh tế chững lại đã tác động đến tốc độ tăng thu ngân sách của địa phương. Trước đây, tăng thu hằng năm của TP.HCM trên dưới 20%, nay chỉ còn 14 - 16%. Điều này tác động trực tiếp đến cân đối của ngân sách trung ương do trên 80% các khoản thu phân chia nội địa và 100% khoản thu xuất nhập khẩu và dầu thô trên địa bàn thuộc ngân sách trung ương.

Các cơ chế, chính sách đặc thù được đề xuất thí điểm cho TP.HCM chủ yếu liên quan đến phân cấp, phân quyền trong quản lý đất đai, đầu tư, tài chính, ngân sách, cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý và không ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Với quy định hiện hành, thẩm quyền các vấn đề này là của cơ quan cấp trên, nếu áp dụng cơ chế đặc thù, TP.HCM chủ động thực hiện, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển của địa phương.

Hơn thế nữa, khi trao cơ chế đặc thù, các cơ quan chức năng ở Trung ương sẽ có những kinh nghiệm quý giá nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách, giúp cho Thành phố phát triển một cách hài hòa, qua đó nhân rộng tại các địa phương khác.

Song, để có thể nhân rộng cơ chế, chính sách đặc thù, theo các đại biểu Quốc hội, việc thí điểm nên thực hiện bước đầu tại TP.HCM, sau 3 năm có sơ kết, 5 năm có tổng kết để nhận biết được những ưu điểm và hạn chế. Trong việc vận dụng cơ chế đặc thù, nhất là vấn đề liên quan đến tăng giảm phí, lệ phí, đánh thuế tài sản, TP.HCM cần phải có những bước đi thận trọng, có lộ trình để hài hòa lợi ích giữa các bên, trong đó có doanh nghiệp - động lực chính cho sự phát triển kinh tế Thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cơ chế đặc thù - động lực cho TP.HCM phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO