Chúng tôi là Doanh Nhân Sài Gòn

DNSG| 12/09/2021 07:56

Ở tuổi 20, Doanh Nhân Sài Gòn được cộng đồng doanh nhân và bạn đọc yêu mến, là cơ quan truyền thông uy tín bởi sự đóng góp của đội ngũ nhân sự, những người đã, đang và sẽ viết những cột mốc 25, 30... và mãi mãi về sau.

Bây giờ, ngẫm lại...

Nhà báo Lữ Ý Nhi - Uỷ viên Ban biên tập

Nhà báo Lữ Ý Nhi - Uỷ viên Ban biên tập

Một ngày trên đường về nhà, bất chợt nhìn thấy tờ Doanh Nhân Sài Gòn treo trên sạp báo bên đường - một tờ báo to và đẹp khác hẳn các tờ báo lúc đó, khiến tôi phải mua ngay một tờ.

Từ đó, tôi là bạn đọc thân thiết của Doanh Nhân Sài Gòn. Mỗi tuần, tôi nóng lòng chờ đợi ngày ra báo, dù lúc đó Doanh Nhân Sài Gòn có giá khá cao, hơn hẳn những tờ báo khác.

Và cũng từ đó, tôi có nguyện vọng muốn trở thành phóng viên của Doanh Nhân Sài Gòn.

Thế rồi, như một cái duyên, tình cờ qua một người quen giới thiệu, anh Nguyễn Thanh Minh, lúc đó là Phó tổng biên tập Doanh Nhân Sài Gòn, đến nhà tôi để thuê nhà làm trụ sở cho tòa soạn.

Việc thuê nhà không thành nhưng tôi lại được anh Thanh Minh giới thiệu vào làm ở Doanh Nhân Sài Gòn.

Còn nhớ những năm đầu tiên, Doanh Nhân Sài Gòn rất khó khăn, trong căn nhà nhỏ làm tòa soạn trên đường Nguyễn Thông, chỉ có mấy cái máy tính để bàn, thu nhập thấp, phóng viên phải đi bán báo. Thế nhưng, có một thứ không nghèo, đó là tinh thần vì tờ báo của tập thể Doanh Nhân Sài Gòn.

Ngày tôi vào Doanh Nhân Sài Gòn, phóng viên lúc đó chỉ 8 người, hầu hết mới vào nghề, còn rất trẻ nhưng tất cả đều đam mê viết lách và cùng với Tổng biên tập Nguyễn Minh Hiền quyết tâm đưa Doanh Nhân Sài Gòn trở thành tờ báo có thương hiệu trong làng báo Việt Nam.

Thời đó, nội quy của Doanh Nhân Sài Gòn rất nghiêm cẩn. Chỉ cần sơ suất trong bài viết cũng có thể bị khiển trách. Đặc biệt, ban biên tập rất khắt khe về chuyên môn, từ câu chữ đến chính tả.

Chính vì vậy, đã có không ít phóng viên vào làm việc tại Doanh Nhân Sài Gòn phải ra đi. Bản thân tôi và một số anh chị em phóng viên lúc đó cũng có lúc nghĩ chắc không trụ nỗi.

Thế nhưng, rất đáng tự hào là những phóng viên đã làm việc ở Doanh Nhân Sài Gòn lâu năm, dù đến bất cứ tòa soạn nào cũng được đánh giá cao về chuyên môn. Một số phóng viên của Doanh Nhân Sài Gòn hiện giữ vị trí quản lý ở các tờ báo bạn. Điều đó cho thấy, Doanh Nhân Sài Gòn chính là trường đào tạo để chúng tôi vững vàng trong nghề báo không ít khắc nghiệt.

Bây giờ ngẫm lại, tôi càng cảm ơn Doanh Nhân Sài Gòn, cảm ơn những thế hệ lãnh đạo đi trước đã tạo điều kiện cho tôi được làm nghề và sống với nghề một cách đúng nghĩa.

Bây giờ ngẫm lại, tôi phải cảm ơn sự khe khắt của những người lãnh đạo Doanh Nhân Sài Gòn trước đây, bởi đã rèn luyện tôi, giúp tôi trưởng thành, không chỉ trong nghề mà cả trong cách hành xử, đặc biệt là về nhân cách của một người làm báo.

Đúng như lời của Tổng biên tập Nguyễn Minh Hiền thường nói với chúng tôi: “Nghề báo là một nghề tử tế. Nếu không là người từ tế thì không nên làm báo”.

Có những ngày không quên

Nhà báo Nguyễn Ngọc Lý - Thư ký toà soạn

Nhà báo Nguyễn Ngọc Lý - Thư ký toà soạn

Về Doanh Nhân Sài Gòn vào đúng thời điểm tờ báo đang thiếu nhân sự, có lẽ vì thế mà tôi được làm nhiều thứ, từ báo in, đến báo điện tử, truyền hình.

Về với “ngôi nhà mới” vào đúng thời điểm Doanh Nhân Sài Gòn đang thiếu nhân sự, kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi sau khi trải qua một số công việc là được giao tổ chức sản xuất chương trình Cafe với Doanh Nhân Sài Gòn. Để thực hiện ý tưởng của ban biên tập, tôi đã trực tiếp tổ chức và thiết kế format chương trình cho phù hợp với nguồn lực của tòa soạn. Sau nhiều lần thử nghiệm, chương trình vẫn chưa được phát hành. Đến thời điểm chuẩn bị sản xuất chương trình để chính thức ra mắt công chúng, tôi phải nhập viện vì bị bệnh nặng.

Khi ra viện, dù đi lại còn khó khăn, nhưng tôi vẫn lên tòa soạn để chỉ đạo ghi hình chương trình Cafe với Doanh Nhân Sài Gòn số 1 cho kịp ra mắt đúng kế hoạch vào ngày 14/11/2020. Để hoàn thiện chương trình theo đúng lịch phát sóng vào 6 giờ thứ bảy hằng tuần, nhiều tuần tôi và anh em kỹ thuật đã phải ở lại đến gần 12 giờ đêm, thậm chí kỹ thuật viên còn ngủ lại tòa soạn chờ xuất file. 

Về với Doanh Nhân Sài Gòn, dù công việc nhiều, có ngày từ sáng sớm đến đêm khuya, nhưng tôi vẫn luôn vui vì được làm nghề. Tại Doanh Nhân Sài Gòn, tôi đã quen biết thêm nhiều anh chị doanh nhân, nhiều đồng nghiệp. Có những người từ xa lạ đã trở nên gần gũi như người thân.

Doanh Nhân Sài Gòn có được ngày hôm nay là nhờ những thế hệ đi trước. Thế hệ kế thừa chúng tôi xin được tri ân các cộng sự và các anh chị doanh nhân đã luôn hỗ trợ, đồng hành trong thời gian qua và có thể mãi sau này...

Giao liên chạy công văn đề xuất Ngày Doanh nhân Việt Nam

Nhà báo Ngô Xuân Lộc - Trưởng phòng Kinh doanh

Nhà báo Ngô Xuân Lộc - Trưởng phòng Kinh doanh

Điều tôi tự hào nhất là Doanh Nhân Sài Gòn đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn đọc nói chung và anh chị doanh nhân nói riêng, cả ở TP.HCM, cả ở các tỉnh, thành khác.

Hai mươi năm qua, khi làm phóng viên Doanh Nhân Sài Gòn, được đi đây đi đó, được tiếp xúc với nhiều anh chị doanh nhân là thời kỳ hạnh phúc nhất trong đời tôi. Tôi rất ngưỡng mộ các anh chị doanh nhân, những người dám gây dựng cơ nghiệp để không những làm giàu cho gia đình mà còn làm giàu cho xã hội, tạo việc làm cho biết bao người lao động. 

Nhiều anh chị doanh nhân sẵn sàng tài trợ cho các chương trình của Doanh Nhân Sài Gòn mà không màng việc trả quyền lợi. Họ xem phóng viên, xem lãnh đạo báo là thân hữu, cần thì hỗ trợ, giúp sức. Nhiều doanh nhân tôi quen biết đã mất, nhiều doanh nhân đã nghỉ hưu, nhưng với tôi, họ luôn là người ơn... 

Còn nhớ, vào năm 2004, tòa soạn “ở ké” trong căn hộ mấy chục mét vuông chung cư 56/3 Nguyễn Thông, quận 3 của vợ chồng anh chị Nguyễn Hồ - Minh Hiền. Doanh Nhân Sài Gòn lúc ấy nghèo lắm, nhưng anh em quyết tâm làm nội dung tờ báo thật tốt, phóng viên bám sát doanh nghiệp để phản ảnh trung thực những khó khăn, thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh của thời kỳ đất nước mới mở cửa.

Sau khi có Luật Doanh nghiệp, chị Minh Hiền cho tổ chức diễn đàn trên báo để đề xuất với Quốc hội, Chính phủ có một ngày cho giới doanh nhân nhằm tôn vinh những đóng góp của họ cho sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước. Khi có rất nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất ấy, chị Minh Hiền giao tôi cầm hồ sơ “đề nghị có ngày doanh nhân” sang cơ quan chủ quản là Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM trình ông Phạm Hảo Hớn là Chủ tịch. Tôi còn nhớ lúc đó ông Phạm Hảo Hớn cầm bút chuẩn bị ký mà cứ nhìn tôi nói: “Anh ký, nhưng có việc gì thì về vườn luôn đó nghen em!”.

Rồi mọi việc suôn sẻ. Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ đã đồng thuận với đề xuất của Doanh Nhân Sài Gòn lấy ngày 13/10 hằng năm làm Ngày Doanh nhân Việt Nam. 

Giờ thì chị Minh Hiền đã trở thành cố Tổng biên tập, anh Phạm Hảo Hớn đã nghỉ hưu từ lâu, nhưng những ai biết vì sao có ngày tôn vinh doanh nhân 13/10 hằng năm thì không thể quên công đầu của hai anh chị ấy.

Giấc mơ tuổi 20

Nhà báo Hoàng Linh Lan - Thư ký toà soạn

Nhà báo Hoàng Linh Lan - Thư ký toà soạn

Bài báo đầu tiên tôi viết cho Doanh Nhân Sài Gòn là vào năm 2014. Đó cũng là tờ báo kinh tế đầu tiên tôi thử sức. 

Trong quãng đường cầm bút, tôi may mắn được nhiều lần hạnh ngộ mà từ đó mở ra cơ hội được trau dồi, học tập và làm việc với một vài cá nhân có tài năng lẫn nhân cách - những người đến bây giờ vẫn luôn là điểm tựa cho tôi.

Doanh Nhân Sài Gòn 20 tuổi khiến tôi nhớ về những năm tuổi 20 của mình. Mỗi thời điểm trong đời người đều tươi đẹp, nhưng có lẽ tuổi 20 mới được gọi là lứa tuổi của thanh xuân, của những mộng mơ, những hoài bão. Sức mạnh của tuổi trẻ đủ giúp bất kỳ ai đương đầu trước những thử thách của cuộc sống. Sợ sai sẽ không bao giờ có những bài học thiết thực, cũng như sẽ không bao giờ giúp ta khám phá những khả năng của bản thân.

Hai mươi năm, dấu ấn sẽ không trọn vẹn nếu không có sự chung tay góp sức của rất nhiều anh chị em phóng viên, cộng tác viên - những người luôn dành cho Doanh Nhân Sài Gòn tình cảm thương mến, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn. Và sẽ vô cùng thiếu sót nếu không nhắc đến độc giả đã tin tưởng chia sẻ những câu chuyện giá trị, đầy ắp thông tin, đồng hành cùng Doanh Nhân Sài Gòn trong suốt hành trình trưởng thành ấy.

Xin được tri ân tất cả!

Ký ức không quên

Nhà báo Hồng Nga

Nhà báo Hồng Nga

Doanh Nhân Sài Gòn bước vào tuổi 20 cũng là thời điểm đánh dấu năm thứ 23 tôi đã gắn bó với nơi đong đầy ký ức vui buồn của một thời làm báo... không trụ sở, không tiền...

Năm 1999, khi rời văn phòng đại diện của một tờ báo ở Hà Nội có chi nhánh tại TP.HCM, tôi tìm đến với Thông tin Công Thương - tiền thân của Doanh Nhân Sài Gòn sau này. Hai năm đầu, mấy anh chị em chúng tôi làm việc trong văn phòng mượn tạm của cơ quan chủ quản là Hiệp hội Công Thương TP.HCM. Làm việc không lương và chỉ nhận được mức nhuận bút ít ỏi, vậy mà rất vui. 

Sau hai năm, khi Thông tin Công Thương đổi tên thành Sài Gòn Doanh Nhân, được các “Mạnh Thường Quân” hỗ trợ, tòa soạn dời về Trung tâm Công nghệ Phần mềm Sài Gòn trên đường Trương Định, Q. 3. Tại đây, Sài Gòn Doanh Nhân số 1 ra đời ngày 12/9/2001 với sự kiện Trung tâm Thương mại Thế giới ở Mỹ bị bọn khủng bố đánh sập trước đó vài tiếng đồng hồ. 

Nhớ những ngày đầu, Doanh Nhân Sài Gòn thật vất vả. Từ tòa soạn là căn hộ khoảng 20 mét vuông một chung cư trên đường Nguyễn Thông mà Tổng biên tập Nguyễn Minh Hiền cho mượn, mấy anh chị em phóng viên chúng tôi chở những chồng báo đến các sạp báo để “chào hàng”, hay bán lẻ.

Và rồi, sau bao cố gắng của đội ngũ những người cầm bút chân chính và sự nỗ lực không ngừng nghỉ của chị Minh Hiền, tháng 4/2003, Doanh Nhân Sài Gòn chính thức ra mắt. Tiếp đà thành công đó, năm 2004, báo đề xuất Ngày Doanh nhân Việt Nam và được Thủ tướng ra quyết định công nhận. Bắt đầu từ đây, Doanh Nhân Sài Gòn được biết đến nhiều trong làng báo cả nước. 

Rồi lễ hội tôn vinh doanh nhân hằng năm do Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức đã gây tiếng vang trong doanh giới. Từ đó, nhiều tỉnh - thành cùng tổ chức vinh danh doanh nhân. 

Trải qua gần 23 năm, vui nhiều và buồn cũng không ít. Đã có những quyết định vội vàng của lãnh đạo ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống, tình cảm khiến nhiều lúc tôi đã nghĩ đến chuyện chuyển nơi nơi khác. Nhưng rồi tôi kịp nghĩ lại, kịp chấn chỉnh tinh thần với niềm tin rằng nhà báo chân chính không thể lùi bước trước khó khăn dù có bất cứ “hòn đá cản đường” nào đi nữa. 

Giờ nhìn lại, cũng không hiểu sao lại gắn bó với cái nơi nhiều buồn vui này nhưng tôi tin mình đã chọn đúng. Và dù đang có nhiều khó khăn nhưng Doanh Nhân Sài Gòn sẽ tiếp tục tiến về phía trước. Chỉ có điều “thuyền to sóng lớn”, chiếc thuyền Doanh Nhân Sài Gòn cần người chèo lái mạnh mẽ hơn, bản lĩnh hơn và đội ngũ đồng lòng hơn để cùng “vượt bão”, hoàn thành sứ mệnh của cơ quan ngôn luận của UBND TP.HCM.

Covid-19 đưa tôi đến với Doanh Nhân Sài Gòn

Phóng viên Băng Tâm

Phóng viên Băng Tâm

Tôi đang làm cho một công ty du lịch thì nCoV “gõ cửa”. Hai tháng kể từ ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên ở TP.HCM, tôi trở lại làm báo và sau đó bén duyên với Doanh Nhân Sài Gòn

Đến thời điểm này cũng vừa qua cái mốc tròn một năm tôi trở thành người của Doanh Nhân Sài Gòn. Quãng thời gian quá ngắn nhưng tại Doanh Nhân Sài Gòn tôi đã tham gia những phần việc mà bản thân chưa từng thực hiện khi nhìn lại 15 năm làm báo trước đó.

Chúng tôi đã sản xuất chương trình Cafe với Doanh Nhân Sài Gòn chỉ với vài ba con người. Bố cục chương trình không có gì mới nhưng chúng tôi nhận được nhiều lời khen của anh chị em đồng nghiệp, đặc biệt là các bạn đang phụ trách truyền thông ở một số doanh nghiệp vì sự khác biệt. Việc Cafe với Doanh Nhân Sài Gòn sử dụng người dẫn là các anh chị doanh nhân đã tạo được dấu ấn riêng, sự khác biệt của một chương trình hướng đến doanh nhân.

Với người làm nghề không gì vui hơn khi được khán giả khen ngợi. Chúng tôi có thêm động lực trau chuốt cho chương trình. Thời điểm chúng tôi ấp ủ cho những thay đổi về hình thức lên sóng của bản tin và được nhiều doanh nghiệp nhận tài trợ mặt bằng ghi hình thì nCoV lại gõ cửa lần nữa. 

Lần này, không chỉ là sự trau chuốt mà chúng tôi rơi vào tình thế phải thay đổi. Cuối tháng 6 vừa qua, TP.HCM áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội chặt hơn. Doanh Nhân Sài Gòn chuyển trạng thái với 99% quân số làm việc tại nhà. Riêng nhóm sản xuất Cafe với Doanh Nhân Sài Gòn vẫn có một ngày ghi hình tại tòa soạn. 

Vẫn ghi hình nhưng bây giờ không thể duy trì phương án người dẫn là doanh nhân. Tôi vào vai “đóng thế” sau khi được Tổng biên tập động viên. Vì Covid-19 mà tôi trở thành người dẫn chương trình, một việc trước nay chưa từng làm.

Giải quyết được chuyện người dẫn nhưng thể hiện nội dung thế nào để vẫn giữ được sự khác biệt của Doanh Nhân Sài Gòn trong bối cảnh không thể trực tiếp ghi hình các doanh nhân như trước đây? Cái khó ló cái khôn, một lần nữa Tổng biên tập đưa ra ý tưởng tổ chức tọa đàm trực tuyến hằng tuần. Thực hiện ý tưởng ấy trong điều kiện giãn cách nhưng chất lượng “talkshow” lại tốt hơn so với cách làm trước đó. Hơn nữa, tọa đàm trực tuyến còn trở thành chất liệu riêng, đề tài riêng trên các ấn phẩm của Doanh Nhân Sài Gòn.

Một quãng thời gian làm nghề sẽ không bao giờ quên!

Ngôi nhà thứ hai

Hoàng Dung - Trưởng Ban Quảng cáo Phòng Kinh doanh

Hoàng Dung - Trưởng Ban Quảng cáo Phòng Kinh doanh

Doanh Nhân Sài Gòn tròn 20 năm, tôi đã được làm việc với ba trên bốn tổng biên tập cùng những thăng trầm, những cung bậc cảm xúc không thể đong đếm được.

Hơn 10 năm gắn bó, Doanh Nhân Sài Gòn không chỉ là nơi làm việc, với tôi đây còn là ngôi nhà thứ hai - nơi có những người thân luôn đồng hành, giúp đỡ, chia sẻ khó khăn cả trong công việc lẫn cuộc sống.

Không ngờ, một đứa học về con số như tôi lại làm việc trong môi trường báo chí. Công việc hoàn toàn mới, không liên quan đến chuyên ngành được đào tạo, nhưng nhiều năm qua, tôi có thể đọc sửa morasse, viết tin, bài, tham gia biên tập, thậm chí phụ trách trang... Được như hôm nay, tôi thầm biết ơn sự huấn luyện nghiêm khắc nhưng rất tận tâm của các anh chị trong tòa soạn cũng như niềm tin mà lớp anh chị đi trước luôn “tạm ứng” cho tôi!

Chúc mừng Doanh Nhân Sài Gòn tròn 20 năm luôn là “một đội ngũ - một tầm nhìn”. Chúc cho chúng ta luôn vững vàng vượt qua mọi sóng gió, xứng đáng là tiếng nói của giới doanh nhân, doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chúng tôi là Doanh Nhân Sài Gòn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO