Chứng chỉ Anh ngữ - Tấm vé ra thế giới

NHẬT HÀ/DNSGCT| 26/05/2014 06:24

Khi đã trở thành một yêu cầu trong cuộc sống, nhu cầu chuẩn hóa trình độ tiếng Anh của các “non-native speakers” cũng từ đó mà hình thành, giúp đánh giá trình độ sử dụng tiếng Anh bằng các bài kiểm tra, chứng chỉ.

Chứng chỉ Anh ngữ - Tấm vé ra thế giới

Không thể phủ nhận, ngày nay tiếng Anh đã trở thành một trong những kỹ năng quan trọng hàng đầu. Trong tất cả các lĩnh vực từ giáo dục cho đến công việc, có được trình độ tiếng Anh lưu loát sẽ là một lợi thế cạnh tranh rất lớn…

Đọc E-paper

Và khi đã trở thành một yêu cầu trong cuộc sống, nhu cầu chuẩn hóa trình độ tiếng Anh của các “non-native speakers” (tạm dịch là những người không sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ mẹ đẻ) cũng từ đó mà hình thành, giúp đánh giá trình độ sử dụng tiếng Anh bằng các bài kiểm tra, chứng chỉ phù hợp với nhiều mục đích khác nhau. Ngoài các chứng chỉ phổ biến như IELTS, TOEIC, TOEFL…, vẫn còn rất nhiều chứng chỉ khác được sử dụng và chấp nhận rộng rãi, đáp ứng nhu cầu của nhiều lĩnh vực khác nhau.

Cambridge English - Các chứng chỉ cho nhu cầu cuộc sống

Cambridge English Language Assessment, trực thuộc Trường Đại học Cambridge (Anh), là tổ chức uy tín hàng đầu trên thế giới về các kỳ thi tiếng Anh chia ra nhiều trình độ và mục đích khác nhau. Lý do giúp các bài thi của Cambridge English phổ biến chính là nhờ sự chấp nhận rộng rãi bởi các tổ chức và công ty lớn trên toàn cầu. Các bài thi English Language Assessment từ trình độ trung cấp trở lên bao gồm:

• PET - viết tắt của cụm từ Preliminary English Test, là văn bằng chứng chỉ trình độ trung cấp. Nó chứng tỏ bạn có khả năng sử dụng các kỹ năng tiếng Anh trong công việc, học tập và du lịch.

• FCE - viết tắt từ cụm từ First Certificate in English, là văn bằng chứng chỉ trình độ trên trung cấp. Nó chứng tỏ bạn có thể sử dụng tiếng Anh nói và viết hằng ngày trong công việc hoặc học tập.

• CAE - viết tắt của cụm từ Certificate in Advanced English - là một trong hai chứng chỉ cao cấp nhất trong hệ thống phân loại của Cambridge English, tương đương với cấp độ C1 của châu Âu. Ở cấp độ này bạn có đủ khả năng và sự tự tin sử dụng tiếng Anh trong hầu hết các lĩnh lực của cuộc sống kể cả các lĩnh vực chuyên môn.

• CPE - viết tắt của cụm từ Certificate of Proficiency in English - là cấp độ cao nhất trong hệ thống chứng chỉ của Cambridge ESOL, tương đương cấp độ C2 của châu Âu. Ở trình độ này, bạn có đủ khả năng để đọc hiểu và giao tiếp một cách hiệu quả trong mọi lĩnh vực và tình huống. Và bạn có thể đạt đến khả năng sử dụng ngôn ngữ như một người bản xứ.

• Chứng chỉ BEC - viết tắt của cụm từ Business English Certificate - là chứng chỉ kiểm tra trình độ tiếng Anh thương mại. Đây là chứng chỉ mà học viên chỉ nên đặt mục tiêu sau khi tốt nghiệp đại học và có ý định hoạt động kinh doanh tại các thị trường quốc tế. BEC có ba cấp độ là BEC Preliminary, BEC Vantage và BEC Higher.

• ICFE - viết tắt của cụm từ International Certificate in Financial English. Đây là chứng chỉ ở trình độ cao cấp, dành cho lĩnh vực tài chính kế toán quốc tế.

• ILEC - viết tắt của cụm từ International Legal English Certificate.

Tương tự với ICFE, ILEC là chứng chỉ tiếng Anh cao cấp, dành cho lĩnh vực Luật. Để tìm hiểu thêm về thông tin cũng như những địa điểm tổ chức thi ở Việt Nam, truy cập websitehttp://www.cambridgeenglish.org/vn.

TOEIC - Chứng chỉ tiếng Anh giao tiếp phổ biến nhất

Khác với tiếng Anh học thuật, những chứng chỉ giúp đánh giá trình độ tiếng Anh trong môi trường công sở chỉ cần tập trung vào khả năng giao tiếp, truyền đạt và tiếp nhận thông tin hiệu quả của người sử dụng. Chính vì sự khác nhau này mà có nhiều chứng chỉ được phát triển chỉ để dành riêng cho mục đích này, trong đó TOEIC là một trong những sự lựa chọn phổ biến nhất. Các công ty, tổ chức quốc tế dựa vào chứng chỉ TOEIC để đánh giá năng lực tiếng Anh của nhân viên và các ứng viên xin việc làm.

Trước đây, chỉ có nhân viên các tập đoàn mới cần đến kỳ thi TOEIC, nhưng hiện nay có rất nhiều sinh viên mới tốt nghiệp sử dụng chứng chỉ TOEIC để nâng cao khả năng tìm việc làm của mình. TOEIC, viết tắt của Test of English for International Communication, là chứng chỉ được phát triển bởi Viện Khảo thí Giáo dục Mỹ (Education Testing Service). Chứng chỉ không có khái niệm đậu hay rớt mà chỉ thể hiện trình độ của người thi bằng điểm số (tối đa 990 điểm). Chứng chỉ TOEIC có hiệu lực hai năm.

Bài thi TOEIC gồm hai phần:

- Phần nghe hiểu: Đánh giá trình độ nghe hiểu ngôn ngữ nói tiếng Anh, bao gồm 100 câu hỏi với bốn phần được thực hiện qua băng cassette hoặc đĩa CD trong thời gian 45 phút. Thí sinh sẽ nghe các câu miêu tả, câu hỏi, hội thoại và đoạn thông tin bằng tiếng Anh, sau đó lựa chọn câu trả lời dựa trên những nội dung đã nghe.

- Phần đọc hiểu: Đánh giá trình độ hiểu ngôn ngữ viết tiếng Anh, bao gồm 100 câu hỏi với ba phần được thực hiện trong thời gian 75 phút. Thí sinh sẽ đọc các thông tin trong đề thi và lựa chọn câu trả lời dựa vào nội dung đã đọc.

Anh ngữ học thuật - tấm vé vào cổng đại học

Với những học sinh sinh ra và lớn lên ở những nước không sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ như Việt Nam, yêu cầu đầu vào của các chương trình đại học và sau đại học giảng dạy bằng tiếng Anh luôn luôn đi kèm các yêu cầu về IELTS Academic hoặc TOEFL iBT, giúp đánh giá liệu học sinh có khả năng sử dụng tiếng Anh hiệu quả trong môi trường học đường với các yêu cầu: nghe giảng, thảo luận, trình bày ý kiến, viết bài luận, tra cứu thông tin…

Yêu cầu về điểm số của đa phần các trường đại học là 6.5 cho IELTS Academic và 79 cho TOEFL iBT. Hai bài thi này có cấu trúc khá tương tự nhau, bao gồm bốn phần thi đánh giá bốn kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết. Nội dung của các phần thi này xoay quanh những tình huống mà các sinh viên thường gặp trong môi trường học đường. Cả hai chứng chỉ đều có giá trị trong hai năm.

- IETLS Academic Là đứa con chung của ba ông lớn: Cambridge English, British Council và IDP.

Nghe thôi là cũng hình dung được IELTS bắt nguồn từ hai nước Anh và Úc. Chính vì vậy, chứng chỉ này là yêu cầu đầu vào của tất cả các trường đại học tại Anh và Úc, ngoài ra ngày nay nó còn được công nhận ở các quốc gia khác như Mỹ, các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh ở Singapore, châu Âu…

Cấu trúc bài thi IELTS bao gồm:

+ Nghe (30 phút): Bài thi bao gồm bốn phần với nội dung là các đoạn hội thoại giao tiếp hằng ngày, các đoạn thảo luận hay các bài giảng trong khuôn viên trường đại học với độ khó tăng dần. Hình thức thi bao gồm trắc nghiệm hoặc điền từ vào chỗ trống. + Đọc (60 phút): Bài thi chia ra làm ba phần với độ khó tăng dần. Những bài đọc được viết bằng ngôn ngữ học thuật, đề cập đến các vấn đề khoa học, kinh tế, xã hội… Hình thức thi cũng bao gồm trắc nghiệm và điền từ vào chỗ trống.

+ Viết (60 phút): Bài thi bao gồm hai phần. Phần 1: thí sinh thường được yêu cầu viết bài báo cáo khoảng 150 từ để mô tả và giải thích các số liệu, dữ liệu trên các biểu đồ, một quá trình, một hiện tượng được biểu diễn dưới dạng hình vẽ. Phần 2: thí sinh thường được yêu cầu viết bài tiểu luận khoảng 250 từ để đưa ra những chính kiến tranh luận hay nhận định về một ý kiến hoặc vấn đề. Thí sinh nên đưa ra những tình huống và ví dụ cụ thể để hỗ trợ cho nhận định của mình.

+ Nói: Gồm ba phần. Nội dung sẽ đi từ các thông tin chung về bản thân cho đến các tình huống đòi hỏi bạn phải thể hiện khả năng phát triển và trình bày quan điểm của mình, cuối cùng là cơ hội thảo luận với giám khảo về quan điểm đó. Ngoài bài thi Academic, IELTS còn có bài thi General dành cho mục đích định cư hay làm việc. -

TOEFL iBT

Khác với hình thức thi trên giấy và trực tiếp với giám khảo của IELTS, TOEFL iBT là bài thi hoàn toàn trên máy tính. TOEFL iBT được xem là chuẩn ngôn ngữ đầu vào của tất cả các trường đại học tại Mỹ. Cùng với danh tiếng của các trường đại học Mỹ, không có gì lạ khi TOEFL iBT trở thành một trong hai chứng chỉ tiếng Anh học thuật phổ biến nhất thế giới.

Cấu trúc bài thi TOEFL iBT bao gồm:

+ Đọc (60 phút): ba đoạn (khoảng 700 từ)/ bao gồm các đoạn văn so sánh/ đối chiếu, nguyên nhân/ hậu quả.

+ Nghe (50 phút): hai đoạn hội thoại, bốn bài giảng.

+ Nói (20 phút): hai chủ đề độc lập (trình bày quan điểm về một chủ đề nào đó), bốn chủ đề tổng hợp kỹ năng (trình bày quan điểm về những gì bạn đọc và nghe).

+ Viết (60 phút): một chủ đề độc lập, một chủ đề tổng hợp kỹ năng (trình bày ý kiến về một chủ đề).

Gần đây, Bộ Di trú Vương quốc Anh đã không chấp nhận TOEIC và TOEFL để xin visa đi Anh nữa với lý do khó có thể kiểm soát các trường hợp gian lận trong thi cử. Tuy nhiên, các trường đại học và các công ty thì vẫn chấp nhận các chứng chỉ này. Chính vì vậy, bạn vẫn nộp các chứng chỉ TOEIC và TOEFL trong quá trình xin học và xin việc, tuy nhiên đến bước xin visa, phải đảm bảo nộp đúng chứng chỉ được yêu cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chứng chỉ Anh ngữ - Tấm vé ra thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO