Chưa an cư, sao tính kế lập nghiệp?

PHAN LÊ| 07/08/2013 08:31

Không đủ điều kiện vào khu công nghiệp (KCN), nhiều doanh nghiệp (DN) trong các hội ngành nghề phải bươn chải tìm mặt bằng sản xuất nhưng lực bất tòng tâm.

Chưa an cư, sao tính kế lập nghiệp?

Người tìm đất, đất tìm người

Khi TP.HCM có chủ trương di dời các DN trong lĩnh vực sản xuất, chủ yếu là DN hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, dệt may, cao su nhựa... ra khỏi khu vực trung tâm thành phố, các DN lớn đã nhanh chóng tìm được đất để định cư, những DN nhỏ lại chật vật tìm nơi sản xuất vì thiếu tiền, thiếu vốn.

Nhiều hội ngành nghề mong muốn thực hiện đề án thành lập KCN để phục vụ cho hội viên, nhưng rất nhiều khó khăn cản trở kế hoạch này. Điển hình cách đây gần 5 năm, Hội DN huyện Hóc Môn xin xây dựng KCN trên địa bàn huyện, nhưng cho đến nay dự án vẫn nằm trên giấy.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Huỳnh Văn Hải, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Hóc Môn, cho biết, trở ngại lớn nhất là vấn đề đền bù, dù Hội đã cố gắng huy động nhiều nguồn lực nhưng cũng không kham nổi.

Đồng tình với chia sẻ trên, ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa, cho biết, rất khó để Hội đứng ra thành lập một KCN vì vướng rất nhiều vấn đề về tài chính, năng lực... Do đó, cách hay nhất là chỉ nên thiết lập cụm DN với số lượng nhỏ, chọn những khu đất còn khó khăn về đầu tư mà mua lẻ, có như vậy các DN nhỏ mới phát triển được.

Ông Anh cho biết thêm, kể từ năm 2007, khi TP.HCM có chủ trương di dời các nhà máy sản xuất ra khỏi nội thành, ông đã đứng ra thuê lại khoảng 30.000m2 đất trong KCN Xuyên Á tại Đức Hòa, Long An và phân bổ lại cho khoảng 8 DN nhỏ và vừa trong Hội, tạo thành cụm các DN luôn hỗ trợ và tiêu thụ hàng hóa của nhau.

Trên thực tế, thời điểm đó, cũng có nhiều KCN thu hút đầu tư, nhưng giá cả và những ưu đãi là những điều kiện tiên quyết để DN lựa chọn. Theo đó, với chính sách hỗ trợ gồm cho thuê đất trong vòng 60 năm, DN trả góp trong vòng 2 năm sẽ có sổ đỏ, 4 năm đầu tiên DN được miễn thuế thu nhập DN (TNDN), 6 năm tiếp theo DN chỉ đóng thuế TNDN 10%.

Do đó, dù giao thông không thuận tiện hơn so với các KCN khác trong vùng, nhưng với mức ưu đãi này đã khiến DN nhanh chóng chấp nhận. Đây là những điều mà hầu hết các KCN hiện nay tại TP.HCM cũng như các tỉnh, thành lân cận như Đồng Nai, Bình Dương... không làm được.

Nhìn dễ, làm khó

Mới đây, ông Anh cũng bày tỏ ý định muốn thành lập thêm một cụm công nghiệp nữa, nhằm đáp ứng nhu cầu của các DN trong ngành, nhưng giá thuê đất đang là trở ngại lớn. Vì vậy, theo kiến nghị của ông Anh, TP.HCM cần có chính sách ưu đãi nhiều hơn nữa, hỗ trợ DN trong việc di dời nhà xưởng (giá thuê đất, thuế, hỗ trợ xử lý môi trường...).

Bởi vì, với mức giá thuê hiện tại, DN nhỏ khó có cửa vào KCN. Trong khi đó, bà Lã Thị Lan, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện, cũng cho rằng, đất trong thành phố hiện nay không còn, DN vừa và nhỏ không có khả năng di dời đến các KCN, đề nghị chính quyền tạo điều kiện bố trí khu đất cho các DN ngành cơ khí, điện.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội May Thêu Đan TP.HCM, kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, cho rằng, đầu tư một KCN, cụm công nghiệp, đối với ngành dệt may ở TP.HCM có hai vấn đề khó. Một là khó về mặt bằng vì thành phố không có chủ trương phát triển ngành dệt may, luôn coi dệt may là ngành thâm dụng lao động cũng như gây ô nhiễm môi trường.

Hai là dệt may sử dụng nhiều lao động, nếu hình thành những KCN tập trung thì không chỉ gây cạnh tranh lao động gay gắt giữa các DN cùng ngành trong và ngoài KCN trên địa bàn, mà còn làm mất đi nguồn lao động vì quãng đường di chuyển từ thành phố xuống các KCN khá xa, lao động sẽ nản và nghỉ việc.

Tính đến thời điểm này, TP.HCM chưa có một KCN hay cụm công nghiệp tập trung cho ngành dệt may, trừ KCN dệt may Bình An (khu vực giáp ranh giữa Q.9 và TX.Dĩ An, Bình Dương) với diện tích 18 ha, vốn đầu tư 98 tỷ đồng.

Tuy nhiên, KCN này không phải do Nhà nước đầu tư mà do Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) làm chủ. "Ý tưởng hình thành KCN chuyên cho dệt may nói riêng và các ngành nghề khác là rất hay nhưng trên thực tế sẽ gặp khó khăn, và đó là lý do tại sao đề án quy hoạch chung cho các ngành của TP.HCM cứ bị lơ đi", ông Hồng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chưa an cư, sao tính kế lập nghiệp?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO