Chủ vựa “coi mắt” nhà vườn

09/07/2010 08:57

Ngày 8/7, Hội chợ nông sản - sản phẩm làng nghề miền Nam, nằm trong chương trình xúc tiến thương mại - thị trường trong nước của Bộ Công thương, khai mạc tại nhà thi đấu đa năng Đồng Tháp.

Chủ vựa “coi mắt” nhà vườn

Ngày 8/7, Hội chợ nông sản - sản phẩm làng nghề miền Nam, nằm trong chương trình xúc tiến thương mại - thị trường trong nước của Bộ Công thương, khai mạc tại nhà thi đấu đa năng Đồng Tháp (TP Cao Lãnh, Đồng Tháp).

Khách hàng tham quan tại hội chợ - Ảnh: D.T.Hùng

Tham gia hội chợ có hơn 300 gian hàng đến từ 12 tỉnh thành khu vực miền Nam.

Cơ hội cho trái cây

Chị Lê Thị Thu Bích, chủ vựa trái cây Phương Thư (chợ Bến Thành, Q.1, TP.HCM), cho biết đây là lần thứ hai chị về nơi cung cấp các loại trái cây mà chị bán hằng ngày. Nhân chuyến tham gia hội chợ này, chị mong muốn tìm được các nhà vườn có thể cung cấp trái cây trực tiếp thay vì mua qua trung gian như trước.

“Trái cây VN mình rất ngon, chỉ cần nhà vườn chú ý đến kích cỡ đồng đều và nguồn hàng ổn định là tôi sẽ đặt mua dài hạn” - chị Bích cho biết.

Không riêng chị Bích, rất nhiều tiểu thương bán trái cây tại các chợ đầu mối Thủ Đức, chợ Bến Thành hay chợ Xóm Chiếu (Q.4) đều cho biết họ về hội chợ lần này để được chứng kiến tận mắt người nông dân làm ra những loại trái cây mà họ bán hằng ngày.

Nhiều người bán hàng thừa nhận họ mua và bán xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn... từ các thương lái miền Tây đưa lên nhưng không chắc có đúng là đặc sản được sản xuất ở những địa phương danh tiếng đó không.

Nhiều chủ vựa trái cây xuất khẩu đi nước ngoài cũng mong muốn tìm được nơi cung cấp trong nước để mở rộng kênh tiêu thụ. Chị Mai, chủ vựa trái cây Thảo Cường (Cao Lãnh, Đồng Tháp), cho biết hiện cơ sở chủ yếu thu mua táo và xuất sang Campuchia với sản lượng 2-10 tấn/ngày nhưng vẫn tham gia hội chợ với hi vọng tìm được một nơi tiêu thụ ổn định trong nước.

Ngược lại ông Phạm Quang Hiện, chủ nhân của loại nhãn Út Hiện (Đồng Tháp), đến với hội chợ nhằm tìm kiếm cơ hội xuất khẩu loại nhãn này đi nước ngoài. Hiện loại nhãn Út Hiện có nguồn gốc từ Thái Lan và được trồng tại Đồng Tháp với diện tích khoảng 200ha. Mỗi năm ông chỉ cung ứng ra thị trường khoảng 500 tấn với giá 30.000-60.000 đồng/kg nhưng không đủ hàng.

“Tôi muốn tìm được đối tác trong hội chợ lần này để đưa loại nhãn này ra nước ngoài” - ông Hiện cho biết.

Liên kết nhiều nguồn lực

Theo ông Lê Xuân Khuê - giám đốc Công ty Hàng Việt, trưởng ban tổ chức hội chợ, việc tiếp thị và tìm được thị trường tiêu thụ cho nông sản là bài toán từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được giải quyết đến nơi đến chốn.

“Do đó, hội chợ góp thêm một viên gạch, với những cách nhìn mới, phương thức mới, cố gắng liên kết các nguồn lực thiết tha nâng sức cạnh tranh của nông sản Việt” - ông Khuê nói.

Trước đó, khảo sát gần 150 tiểu thương bán trái cây tại TP.HCM để nghe ý kiến và đề xuất của họ về khả năng tập trung bán trái cây Việt, kết quả chỉ có 1/3 muốn được gắn dấu hiệu “ủng hộ nông sản Việt” và muốn được huấn luyện kỹ năng bán lẻ. Nhưng đến giờ chót gần 100 chủ vựa, sạp lớn đã đăng ký đi gặp gỡ chành vựa, chủ trang trại, nhà vườn lớn ở cuộc kết nối lớn chiều 8-7 tại hội chợ.

Sự gặp gỡ giữa những người sản xuất, thương lái và tiểu thương phân phối trái cây nói riêng và nông sản, sản phẩm làng nghề nói chung tạo ra cơ hội mới cho nông sản vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Dù còn khá nhiều vướng mắc phải giải quyết giữa nhà sản xuất và nhà phân phối như mẫu mã, thời gian giao hàng, thanh toán... nhưng cả những nhà tổ chức lẫn người tham gia đều hi vọng tìm ra một giải pháp hữu hiệu cho trái cây VN.

Một số hình ảnh tại hội chợ (ảnh D.T.Hùng)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chủ vựa “coi mắt” nhà vườn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO