Chống lạm phát: Cần tiếp tục thắt chặt tiền tệ

17/06/2011 05:00

Lạm phát trong nước đã có những dấu hiệu giảm tốc. Có ý kiến cho rằng Chính phủ nên bắt đầu nới lỏng tiền tệ để giảm lãi suất nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Gần đây ngân hàng Nhà nước đã dùng đến chữ “linh hoạt” trong điều hành chính sách tiền tệ.

Chống lạm phát: Cần tiếp tục thắt chặt tiền tệ

Lạm phát trong nước đã có những dấu hiệu giảm tốc. Có ý kiến cho rằng Chính phủ nên bắt đầu nới lỏng tiền tệ để giảm lãi suất nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Gần đây ngân hàng Nhà nước đã dùng đến chữ “linh hoạt” trong điều hành chính sách tiền tệ.

Việc duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ là rất cần thiết trong điều kiện kinh tế hiện nay. Ảnh minh hoạ. Ảnh: Lê Quang Nhật

Tuy nhiên, cũng có ý kiến nói Chính phủ nên tiếp tục thắt chặt tiền tệ hơn nữa nhằm kiên định mục tiêu bình ổn lạm phát trong dài hạn. Sài Gòn Tiếp Thị xin giới thiệu một trong số các ý kiến đó và mong nhận được phản hồi, trao đổi thêm để góp phần làm sáng tỏ vấn đề.

Lạm phát trong nước đã có những dấu hiệu giảm tốc khi mà giá cả các mặt hàng bắt đầu ổn định và mặt bằng giá mới đang hình thành. Với những tín hiệu tích cực như vậy, nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ nên bắt đầu nới lỏng tiền tệ để giảm lãi suất nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, Chính phủ nên tiếp tục thắt chặt tiền tệ hơn nữa nhằm kiên định mục tiêu bình ổn lạm phát trong dài hạn.

Sự sụt giảm lạm phát hiện nay chủ yếu xuất phát từ hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, sự tăng giá của các hàng hoá cơ bản như điện, xăng dầu đã phản ánh hết vào giá cả hàng hoá trong nước. Đồng thời, giá cả nguyên liệu đầu vào đã ổn định mà một phần là nhờ sự suy giảm giá cả hàng hoá trên thế giới.

Thứ hai, lạm phát kỳ vọng giảm mạnh nhờ vào chính sách thắt chặt tiền tệ và những tuyên bố cắt giảm đầu tư công của Chính phủ. Điều này có nghĩa là những giải pháp chống lạm phát của Chính phủ mới chỉ có tác dụng đánh thẳng vào kỳ vọng lạm phát trong nền kinh tế, chứ chưa có tác dụng làm giảm đáng kể tổng cầu và chắc chắn cũng chưa thể làm cải thiện nguồn cung để làm giảm lạm phát.

Nhiều nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng, chính sách tiền tệ ở Việt Nam có độ trễ từ 6 – 7 tháng. Trong khi đó, tính từ thời điểm ngân hàng Nhà nước (NHNN) thắt chặt tiền tệ cho đến nay chỉ hơn ba tháng, có nghĩa là chính sách tiền tệ chưa có tác dụng đáng kể trong việc thu hẹp cung tiền trong toàn nền kinh tế mà chủ yếu mới có tác dụng thắt chặt thanh khoản của các ngân hàng thương mại (NHTM).

Do đó, cần thêm khoảng thời gian 3 – 4 tháng nữa để các NHTM thu hồi lại lượng tiền đã cho vay trước đó thì chính sách tiền tệ mới có tác dụng làm giảm lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế, và qua đó làm giảm lạm phát. Cho nên, việc nới lỏng tiền tệ nhằm làm giảm lãi suất trong thời điểm hiện nay là không hợp lý và đi ngược với mục tiêu chống lạm phát của Chính phủ.

Một số lập luận cho rằng, việc duy trì lãi suất cao sẽ dẫn đến tình trạng chỉ có những doanh nghiệp có rủi ro cao (vì lợi nhuận cao tương ứng) mới chấp nhận những khoản vay lãi suất cao này. Điều này sẽ làm rủi ro tín dụng trong hệ thống ngân hàng tăng cao. Tuy nhiên, những diễn biến trong hệ thống ngân hàng hiện nay cho thấy rằng rủi ro của nền kinh tế tăng cao đã làm chùn tay các ngân hàng trong việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp, đồng thời hạn mức tăng trưởng tín dụng dưới 20% trong năm nay là cơ hội cho các ngân hàng lựa chọn khách hàng tốt cho mình. Do đó, những lo ngại như trên là không có cơ sở.

Bên cạnh đó, một số ý kiến lo ngại rằng chính sách tiền tệ thắt chặt kéo dài sẽ làm cho lãi suất tăng cao, gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Điển hình như tình trạng lãi suất cao và tín dụng bị siết chặt của ngành bất động sản (BĐS) gây ra nhiều lo lắng về tình trạng phá sản hàng loạt các doanh nghiệp BĐS và do đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nợ xấu của hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, lập luận này không phải bao giờ cũng đúng bởi vì việc siết chặt tín dụng BĐS sẽ buộc các doanh nghiệp có khả năng tài chính kém, tỷ lệ nợ cao phải giảm giá thành và/hoặc chuyển nhượng lại các dự án cho các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính tốt hơn. Qua đó, giúp sàng lọc và lành mạnh hoá thị trường BĐS cũng như nâng cao chất lượng tín dụng BĐS. Xu hướng chuyển nhượng các dự án BĐS một cách rầm rộ gần đây đã chứng minh rằng thị trường này khó có khả năng sụp đổ mà đơn giản các nhà đầu tư đang chờ đợi mức giá hợp lý hơn để tham gia thị trường.

Đây là dấu hiệu tích cực không chỉ cho thị trường BĐS mà còn cho hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế. Mặt khác, sự sụt giảm của thị trường BĐS cũng là cơ hội tốt cho các cá nhân có cơ hội sở hữu nhà và giải quyết phần nào những bức xúc về nhà ở đang tồn tại trong xã hội hiện nay.

 Ở khía cạnh khác, những khó khăn về tài chính do chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ “giúp phá sản” các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả và dịch chuyển các nguồn lực sản xuất của các doanh nghiệp này đến các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Điều này sẽ giúp nền kinh tế sử dụng nguồn lực sản xuất một cách hiệu quả hơn và do đó có tác dụng làm giảm lạm phát trong dài hạn.

Ngoài ra, việc Chính phủ kiên trì chính sách thắt chặt tiền tệ, cho dù sẽ làm cho một số doanh nghiệp phá sản sẽ phát đi thông điệp có tính răn đe rằng các doanh nghiệp (và cả hệ thống ngân hàng) phải tự chịu trách nhiệm với hoạt động kinh doanh của mình và sẽ không có bàn tay cứu giúp nào của Chính phủ đối với các hoạt động kinh doanh rủi ro.

Chính sách tiền tệ ở Việt Nam có độ trễ từ 6 – 7 tháng nên đến nay sự “chặt chẽ”, “thận trọng” của ngân hàng Nhà nước chưa có tác dụng đáng kể đến việc thu hẹp cung tiền trong toàn nền kinh tế, mà chủ yếu mới có tác dụng thắt chặt thanh khoản của các ngân hàng thương mại.

Những thông điệp như vậy sẽ làm giảm “tâm lý ỷ lại” của các doanh nghiệp, ngân hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước đối với Chính phủ và do đó sẽ giúp các doanh nghiệp này hoạt động an toàn và hiệu quả hơn, qua đó làm giảm hoạt động đầu cơ và lạm phát trong nền kinh tế.

Những lập luận ở trên cho thấy rằng, mặc dù chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát có thể gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp nhưng chính sách này cũng giúp loại bỏ các doanh nghiệp, các hoạt động kinh doanh không hiệu quả và rủi ro cao. Điều này sẽ giúp nền kinh tế đạt được hiệu quả cao hơn trong dài hạn. Do đó, việc duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ là rất cần thiết trong điều kiện kinh tế hiện nay.

Có thể khẳng định rằng, những khó khăn của nền kinh tế đã dịu đi rất nhiều nhờ vào những chính sách rất đúng đắn, quyết liệt và có trách nhiệm của Chính phủ. Điều này cần phải được phát huy nhằm xử lý triệt để những bất ổn vĩ mô vốn kéo dài trong nền kinh tế, nếu không những bất ổn này sẽ làm xói mòn các nền tảng cơ bản của nền kinh tế mà hệ luỵ của nó là làm cho nền kinh tế đối mặt với nguy cơ đình đốn – lạm phát.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chống lạm phát: Cần tiếp tục thắt chặt tiền tệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO