Chính sách tiền tệ 2020: Khó nới lỏng thêm

Anh Khoa| 30/12/2019 06:30

Năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã khá thành công khi kéo được mặt bằng lãi suất giảm đáng kể so với năm trước, hòa vào xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới. Tuy nhiên, bước sang năm 2020, dự kiến chính sách tiền tệ khó lòng có thể nới lỏng thêm.

Chính sách tiền tệ 2020: Khó nới lỏng thêm

Năm 2020, sẽ khó có thể tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ với cường độ mạnh vì có thể gây ra những hệ quả tiêu cực.

Xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ

Đầu năm 2019, khá nhiều nhận định, dự báo cho rằng chỉ cần giữ được ổn định lãi suất đã là một thành công đối với nền kinh tế. Nhưng thực tế đã diễn ra tốt đẹp nhiều hơn thế, khi mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh sau hàng loạt chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Cụ thể, sau khi giảm 0,25% một loạt lãi suất vào tháng 9, trong tháng 11, NHNN tiếp tục giảm mạnh 0,5% trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng và lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Đáng lưu ý là đối với nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, đợt giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên lần này là lần thứ ba kể từ đầu năm, theo đó tổng mức giảm đã lên tới 1,5%.

Không chỉ vậy, NHNN cũng liên tiếp hạ lãi suất phát hành tín phiếu, hạ lãi suất trên thị trường mở (OMO), giảm lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc nhằm thúc đẩy cung ứng vốn ra nền kinh tế và hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng với chi phí rẻ hơn, tạo điều kiện để các nhà băng tiết giảm chi phí để mở đường cho việc giảm lãi suất.

Link bài viết

Động thái nới lỏng còn thể hiện qua việc nhà điều hành nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng sớm về đích trước hạn việc triển khai Basel 2. Theo đó, Vietcombank, VIB, ACB, MBBank, Techcombank, OCB... đã được điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ cuối tháng 6/2019.

Chưa dừng lại ở đó, nhà điều hành còn bơm một lượng lớn tiền đồng vào hệ thống, mở rộng lượng cung tiền tệ qua việc mua ròng ngoại tệ với số lượng lớn để tăng dự trữ ngoại hối. Thống kê cho thấy dự trữ ngoại hối đã lên hơn 75 tỷ USD, tức NHNN đã mua đến 17 tỷ USD từ đầu năm đến nay. Ngoài ra, động thái bơm ròng liên tiếp trên thị trường mở để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống đã giúp các nhà băng gặp căng thẳng vốn không phải đua lãi suất tiền gửi như trước đây.

Việc giữ các biến số quan trọng như lạm phát hay tỷ giá ổn định là yếu tố quan trọng góp phần vào chính sách nới lỏng tiền tệ có thể được thực thi trong năm 2020. Trước xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương (NHTƯ) toàn cầu, từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), NHTƯ châu Âu (ECB) đến Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC), nhằm ngăn chặn đà kinh tế giảm tốc, thì việc nới lỏng chính sách tiền tệ của Việt Nam trong năm nay được cho là phù hợp.

Năm 2019, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã nới lỏng chính sách tiền tệ

Năm 2019, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm ngăn chặn đà kinh tế giảm tốc.

Khó nới lỏng mạnh chính sách tiền tệ trong năm 2020

Dù vậy, năm 2020, NHNN khó có thể tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ với cường độ mạnh vì có thể gây ra những hệ quả tiêu cực. Trong cuộc họp cuối tháng 12 mới đây, FED cũng tuyên bố sẽ giữ lãi suất ổn định như ở mức hiện nay trong năm 2020, chứ không thể tiếp tục giảm thêm được nữa.

Về phía Việt Nam, Chính phủ và NHNN vẫn ưu tiên mục tiêu ổn định nền kinh tế hơn là tăng trưởng. Do đó, dù rất muốn giảm thêm lãi suất, nới lỏng cung tiền để hỗ trợ tăng trưởng, nhưng những nguy cơ đi kèm có thể tích lũy rủi ro, cần phải được tính tới.

Quá khứ cho thấy, một khi chính sách tiền tệ được nới lỏng quá mức không chỉ dẫn đến sự mất giá của đồng tiền, mà còn đẩy giá hàng hóa lên cao, gây áp lực lên lạm phát và tỷ giá, kéo theo vòng xoáy mất giá tiền tệ, khiến nền kinh tế có thể rơi vào khủng hoảng.

Nguy cơ này không phải không có cơ sở, khi nhìn vào áp lực lạm phát trong những tháng gần đây bất ngờ gia tăng mạnh, trong khi tỷ giá năm 2020 được cho là sẽ khó lường hơn trước tình hình bất ổn hiện nay. Với những dự báo khủng hoảng hay suy thoái có thể xuất hiện trong năm 2020 hoặc 2021, rõ ràng mục tiêu giữ ổn định nền kinh tế cần phải tiếp tục được ưu tiên.

Cũng cần lưu ý những chính sách gần đây của NHNN như Thông tư 22/2019/TT-NHNN theo đó nâng hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay bất động sản lên 200%, các khoản vay cho tiêu dùng bị áp hệ số rủi ro 120% từ ngày 1/1/2020 và tiếp tục tăng lên 150% từ ngày 1/1/2021, cũng được cho là khiến dòng vốn cho vay sẽ bị hạn chế nhiều hơn.

Lộ trình giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn trong hai năm tới không chỉ ảnh hưởng lên việc cho vay của các nhà băng, mà trở thành áp lực phải tăng cường huy động vốn, nên việc giảm thêm lãi suất là khá khó khăn.

Trong khi đó, khả năng NHNN sẽ tiếp tục đặt ra ở mức tăng trưởng tín dụng thấp như hai năm gần đây, đồng thời kiểm soát chặt chẽ dòng vốn chảy vào các lĩnh vực có thể có rủi ro. Rõ ràng với dấu hiệu nợ xấu đang gia tăng trở lại, việc thắt chặt cho vay là cần thiết trong giai đoạn tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chính sách tiền tệ 2020: Khó nới lỏng thêm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO