Chính phủ đặt mục tiêu TP.HCM kiểm soát được dịch trước 15/9

Phan Nhung| 10/08/2021 06:49

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Nghị quyết 86 của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội khóa XV. Theo đó, TP.HCM phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15/9; Bình Dương, Long An, Đồng Nai trước 1/9; còn các địa phương khác kiểm soát dịch trước 25/8.

Nghị quyết nêu rõ dịch Covid-19, với sự xuất hiện của biến chủng Delta đang diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh, lây lan nhanh và gây tử vong cao tại nhiều nước trên thế giới, nhất là tại khu vực Đông Nam Á. Tại Việt Nam, đợt bùng phát dịch lần thứ tư có tốc độ lây rất nhanh, đã lan rộng ra nhiều địa phương với quy mô lớn nhất từ trước đến nay và lan rộng qua một số tỉnh phía Nam. Số người bị nhiễm rất cao, gây tổn hại rất lớn về tính mạng, sức khỏe và đời sống nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành các nghị quyết, Chỉ thị, văn bản để tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp phòng, chống Covid-19, với mục đích sớm kiểm soát được tình hình dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới”.

thu-tuong-pham-minh-chinh-7533-162858800

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Nghị quyết của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ảnh: VGP.

Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao tinh thần chống dịch của các cấp, các ngành, các địa phương cũng như các DN và người dân trên cả nước, đặc biệt biểu dương các lực lượng tuyến đầu chống dịch. Tuy nhiên, vẫn có không ít đơn vị  chưa thực hiện nghiêm và dứt khoát, một số còn chủ quan, lơ là; thiếu đôn đốc, kiểm tra, giám sát. Tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, chậm được khắc phục, nhất là ở cơ sở tại một số địa phương.

Việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” (gồm: lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) ở nhiều nơi còn chưa được quán triệt, chưa đúng và chưa đầy đủ trách nhiệm, còn bộc lộ nhiều hạn chế dẫn tới lúng túng khi tình hình, diễn biến dịch bệnh thay đổi.

Việc tổ chức tiêm vaccine còn chậm, chưa thật sự khoa học, hiệu quả. Việc quản lý, kiểm soát người ra vào vùng có dịch chưa chặt chẽ, không ít nơi còn buông lỏng, chủ quan. Việc tổ chức vận tải, lưu thông hàng hóa vẫn còn tình trạng vừa thiếu an toàn, vừa ách tắc cục bộ. Một bộ phận tổ chức, DN, người dân chưa ý thức được sự nguy hiểm, lây lan nhanh của biến chủng mới Delta và chưa chấp hành đầy đủ, nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch bệnh.

Từ những sai sót trên, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 86 với những giải pháp cấp bách. Cụ thể:

Không để người dân tự phát rời khỏi nơi đang có dịch

Về áp dụng các biện pháp cấp bách, Chính phủ giao lãnh đạo địa phương chủ động quyết định và chỉ đạo cấp dưới áp dụng nghiêm các giải pháp theo quy định tương ứng với mức độ nguy cơ theo tinh thần CT 15, CT 16, CT 19 của Thủ tướng; căn cứ vào tình hình thực tế có thể áp dụng sớm hơn, cao hơn nhưng không được chậm hơn, thấp hơn quy định tại các văn bản nêu trên.

Chính phủ đặc biệt lưu ý giãn cách xã hội và các biện pháp khác trong chống dịch phải thực hiện nghiêm, quyết liệt, chặt chẽ ngay từ đầu, xuyên suốt trong tất cả cấp, làm việc gì phải dứt khoát việc đó, không chần chừ, do dự, chập chờn, thiếu cương quyết, thiếu bản lĩnh.

Tất cả địa phương thực hiện nghiêm phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người", phát hiện xử lý ngay người đến từ vùng có dịch mà không khai báo; người rời khỏi địa phương đang giãn cách xã hội mà không được phép của cấp có thẩm quyền.

Một trong những giải pháp cấp bách khác Chính phủ đưa ra là cho phép địa phương chủ động áp dụng linh hoạt các biện pháp cần thiết như hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn cần thiết trên nguyên tắc "ai ở đâu ở đó".

Chính phủ yêu cầu dứt khoát không để người dân tự phát rời khỏi địa bàn đang có dịch, làm lây lan sang các địa bàn, địa phương khác; xử lý nghiêm các vi phạm, kể cả xử lý hình sự với mọi hành vi không tuân thủ, cản trở, chống đối mọi quy định và biện pháp phòng, chống dịch của cơ quan có thẩm quyền.

1-5-1173-1628588007.jpg

Chính phủ kiên quyết không để người dân tự phát rời khỏi địa phương đang có dịch, kiểm soát chặt chẽ tình hình lưu thông trên đường. Ảnh minh họa: Baoangiang

Các địa phương đang giãn cách xã hội theo CT 15 và 16 của Thủ tướng phải quán triệt việc thực hiện nghiêm, tuyệt đối không để việc giãn cách xã hội hình thức, "chặt ngoài, lỏng trong".

Bên cạnh đó, chủ động xây dựng và thực hiện phương án đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm, tuyệt đối không để ai bị đói; kịp thời cấp cứu, chữa bệnh cho người dân ở mọi lúc, mọi nơi.

Xét nghiệm thần tốc đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao

Liên quan đến công tác y tế, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế (BYT) bám sát thực tiễn dịch bệnh trên thế giới, cập nhật giải pháp tiến bộ trong phòng, chống dịch để kịp thời ban hành hoặc đề xuất ban hành quy định điều chỉnh, hướng dẫn trên nguyên tắc phải rõ ràng, dễ hiểu, dễ làm, dễ kiểm tra và giám sát.

Về xét nghiệm, BYT cập nhật, bổ sung, hướng dẫn và kịp thời tập huấn công tác xét nghiệm đảm bảo khoa học, thiết thực, hiệu quả, tránh lạm dụng, lãng phí  tổ chức mua sắm vật dụng cần thiết trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả. Đặc biệt, phải tăng cường giám sát, chấn chỉnh ngay những nơi tổ chức không khoa học, thiếu trọng tâm, trọng điểm, vừa không ngăn được dịch lây lan, vừa lãng phí.

2a35bfe7e304145a4d15-2-1649-1628588007.j

Tổ chức xét nghiệm thần tốc ở những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao. Ảnh: Phan Nhung

Chính phủ yêu cầu các địa phương chỉ đạo xét nghiệm thần tốc đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao nhằm phát hiện F0 nhanh nhất, phục vụ công tác truy vết và phân loại điều trị ngay, tuyệt đối không bỏ sót, không để F0 tiếp tục tiếp xúc, di chuyển làm lây lan dịch bệnh.

Với địa bàn lây lan dịch sâu, rộng như ở TP.HCM và các tỉnh lân cận cần thực hiện đồng bộ xét nghiệm, chăm sóc, điều trị, đảm bảo giảm tối đa tỷ lệ bệnh nặng, tỷ lệ tử vong và tuyệt đối không để lây lan sang địa bàn khác; đồng thời, tổ chức sàng lọc, phân loại người nhiễm theo tình trạng, diễn biến bệnh lý để có biện pháp chăm sóc, theo dõi, điều trị phù hợp, hiệu quả, giảm tỷ lệ chuyển bệnh nặng hơn.

Bên cạnh đó là việc chú trọng chăm sóc người nhiễm chưa có triệu chứng, chủ động chuẩn bị oxy y tế tại các tầng điều trị; tập trung mọi trang thiết bị để cữu chữa, giảm bệnh nhân nặng, nguy kịch, hạn chế tử vong.

Ưu tiên cấp thuốc điều trị Covid-19 cho địa phương có nhiều ca nhiễm

Về vaccine và thuốc điều trị Covid-19, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao đẩy mạnh hoạt động ngoại giao vaccine. BYT kịp thời phân bổ vaccine cho các tỉnh, TP, trong đó ưu tiên cấp cho địa phương có nhiều người nhiễm, nhiều ca tử vong, tình hình dịch phức tạp, lây lan nhanh, các đô thị lớn, đông dân cư, tập trung nhiều KCN; đồng thời, phải công khai việc phân bổ.

Cùng với đó là việc phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo tổ chức tiêm vaccine nhanh nhất, an toàn, hiệu quả; huy động mọi lực lượng y tế Nhà nước và tư nhân triển khai chiến dịch tiêm vaccine trên toàn quốc.

Chính phủ yêu cầu tăng cường tìm kiếm, khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chủ động tìm kiếm nguồn và mua vaccine, thuốc điều trị Covid-19. BYT có trách nhiệm kiểm định, cấp phép, bảo quản và chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức chiến dịch tiêm vaccine miễn phí cho người dân.

Nghị quyết của Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan liên quan nhanh tiến độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, tổ chức thử lâm sàng, sản xuất vaccine, cấp phép có điều kiện với vaccine và thuốc điều trị Covid-19 trong nước để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch nhanh nhất, với chi phí thấp nhất có thể.

Ban hành cơ chế đặc thù trong cấp phép lưu hành vaccine

Ngoài giải pháp chống dịch cấp bách, Chính phủ cũng quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù trong việc cấp giấy đăng ký lưu hành và thông quan thuốc, vaccine phòng Covid-19. Theo đó, khi nộp hồ sơ đăng ký lưu hành, trường hợp không có giấy chứng nhận sản phẩm dược phẩm đối với thuốc, vaccine nhập khẩu thì được thay thế bằng giấy tờ pháp lý do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp chứng minh thuốc, vaccine đã được cấp phép lưu hành.

Thuốc điều trị, vaccine phòng Covid-19 sản xuất trong nước đang thực hiện thử lâm sàng nhưng đã có kết quả đánh giá giữa kỳ giai đoạn 3 về tính an toàn và hiệu quả sẽ được sử dụng để xem xét cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện.

anh1img-9758-gtjy-2098-1628588007.jpg

Vaccine phòng Covid-19 sản xuất trong nước đã thử nghiệm lâm sang giai đoạn 3, đang được xem xét cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện. Ảnh: Thanhnien

Thuốc và vaccine được cấp trong trường hợp trên phải được tiếp tục theo dõi về tính an toàn, hiệu quả, kiểm soát về đối tượng, số lượng, phạm vi sử dụng sau khi cấp giấy đăng ký lưu hành, giấy phép nhập khẩu.

Về cơ chế, hình thức mua sắm, Thủ tướng ủy quyền cho chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định việc mua sắm phục vụ yêu cầu phòng, chống dịch trong trường hợp đặc biệt và báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện.

Trong nghị quyết vừa ban hành, Chính phủ nhấn mạnh nghiêm cấm tình trạng tham nhũng, tiêu cực, hạn chế lãng phí trong phòng, chống dịch; kịp thời động viên, khen thưởng người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chủ động đổi mới, sáng tạo trong phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả cao và xử lý nghiêm trường hợp không tuân thủ.

Xây dựng kịch bản chống dịch ở các mức và giải pháp ứng phó tương ứng

Chính phủ giao BYT cùng các địa phương xây dựng các kịch bản ở mức thấp, mức trung bình, mức cao và phương án ứng phó tương ứng, bảo đảm công tác y tế trên toàn quốc. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính và cơ quan liên quan căn cứ vào khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước để bố trí kinh phí mua sắm, dự trữ, tổ chức lực lượng phù hợp, hiệu quả phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng xem xét, quyết định trong quý III/2021.

Về sản xuất, cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, Chính phủ yêu cầu bộ, ngành, địa phương duy trì hoạt động sản xuất, tránh làm đứt gãy các chuỗi cung ứng hàng hóa, nhưng phải bảo đảm cao nhất yêu cầu về phòng, chống dịch.

Chính phủ chỉ đạo tạo điều kiện cao nhất để vận chuyển, lưu thông hàng hóa, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất bảo đảm an toàn, liên thông, thống nhất, thông suốt giữa các tỉnh, thành phố; có biện pháp kiểm soát chặt chẽ tại điểm đầu và điểm cuối trong chuỗi cung ứng, lưu thông, vận chuyển hàng hóa.

Đi kèm với đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì triển khai Nghị quyết 68 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch, không bỏ sót đối tượng cần cứu trợ, không để ai bị thiếu ăn, thiếu mặc. Đặc biệt, phải giảm tối đa thủ tục hành chính để cứu trợ đến kịp thời với nhân dân.

Để có kinh phí chống dịch, Chính phủ chỉ đạo cắt giảm tối thiểu 50% chi phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, ngành địa phương; tiết kiệm thêm 10% kinh phí chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021.

Chính phủ cũng yêu cầu thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách, tập trung kinh phí chống dịch.

Nghị quyết này của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 28/7/2021 đến hết ngày 31/12/2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chính phủ đặt mục tiêu TP.HCM kiểm soát được dịch trước 15/9
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO