Chỉ mong tồn tại!

18/07/2011 01:29

Viễn cảnh lạm phát 17% khiến Việt Nam vẫn phải thắt chặt chi tiêu công, sử dụng lãi suất cao. Trong bối cảnh khó khăn này, không ít DN cho rằng sản xuất kinh doanh năm 2011 là để tồn tại, cố gắng bảo toàn được giá trị chứ không mong tăng trưởng nhiều.

Chỉ mong tồn tại!

Viễn cảnh lạm phát 17% khiến Việt Nam vẫn phải thắt chặt chi tiêu công, sử dụng lãi suất cao. Trong bối cảnh khó khăn này, không ít DN cho rằng sản xuất kinh doanh năm 2011 là để tồn tại, cố gắng bảo toàn được giá trị chứ không mong tăng trưởng nhiều.

Không ít DN cho rằng sản xuất kinh doanh năm 2011 là để tồn tại (Ảnh minh họa).

Năm 2011, việc tiết kiệm chi tiêu ngân sách, cắt giảm đầu tư công, thực thi chính sách tiền tệ chặt chẽ (mà thực chất là thắt chặt) với những chỉ tiêu khắt khe so với ba năm trước đó (2008 - 2010), cùng với việc chỉ đạo gần đây của Chính phủ cho thấy cuộc chiến chống lạm phát còn nhiều cam go với cái giá phải trả không nhỏ.

Các giải pháp chống lạm phát thi hành bước đầu đã khiến mức tăng giá tiêu dùng chậm lại và đang được dự báo là có xu hướng tiếp tục giảm.

Nhưng chính sách nào cũng có những tác dụng phu; thắt chặt tiền tệ cũng đang làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN). Tình trạng thiếu vốn hiện nay diễn ra ở nhiều ngành, lĩnh vực.

Nguyên nhân một phần do hạn mức tín dụng bị hạn chế, LS tín dụng quá cao khiến DN không dám vay, một phần do giá cả tăng nên cùng một lượng tiền thì lượng hàng hóa, nguyên vật liệu năm 2011 mua được để phục vụ cho sản xuất - kinh doanh so với năm 2010 bị giảm sút.

Tín dụng chỉ tăng danh nghĩa

Khi TTCK bị suy giảm thì nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh lại càng đè nặng lên vai hệ thống NH. Trong khi đó, mức tăng tín dụng năm nay chỉ là 20%. Tuy vậy, ngay cả các DN được được tăng hạn mức tín dụng lên 20% nếu so với mức trượt giá thì DN vẫn đang bị thắt tín dụng.

Ví dụ, Năm 2010 DN A được NHTM X cấp tín dụng là 200 tỉ để hoạt động chế biến XK thuỷ sản; năm 2011 DN A được NHTM X tăng hạn mức tín dụng là 20%, tương ứng với lượng tín dụng là 240 tỉ đồng, với lạm phát dự kiến của năm 2011 là 17%/năm thì có nghĩa là sức mua của 240 tỉ đồng năm 2011 chỉ còn bằng sức mua của gần 200 tỉ đồng năm 2010 (240 tỉ - 17%x240), lưu ý, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2011 tăng 13,29% so với tháng 12/2010 và tăng 20,82% so với cùng kỳ năm trước.  

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mức tăng chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất 6 tháng đầu năm so cùng kỳ năm trước nhiều loại tăng từ 17,8-26%; còn thực tế trong lĩnh vực xuất khẩu thuỷ sản, nhất là các mặt hàng nhuyễn thể khai thác từ biển thì cá biệt có loại nguyên liệu đã tăng giá đến 100%, cộng với sự gia tăng của chi phí lao động... đã khiến cho giá thành sản phẩm tăng cao.

Như vậy, nếu cùng một số tiền chi cho sản xuất, thì số lượng sản phẩm làm ra của DN trong năm 2011 sẽ ít hơn năm 2010. Cho nên, DN dù được NH tăng tín dụng lên 20% thì chỉ là tăng về danh nghĩa. Với những DN bị giữ nguyên giới hạn tín dụng hay bị giảm giới hạn tín dụng nữa thì tình hình còn bi đát hơn. 

Đầu vào tăng mạnh, đầu ra tăng chậm

Chi phí đầu vào cho sản xuất của các DN tăng rất mạnh trong 6 tháng đầu năm 2010, nhất là các nguyên liệu mang tính mùa vụ (đây lại là những mặt hàng mang lại kim ngạch xuất khẩu với giá trị thặng dư lớn và xuất siêu ròng). Còn về LS cho vay thì đã tăng từ 4 -5% so với cuối năm 2010. 

Trong khi đó, giá đầu ra của DN có tăng nhưng mức tăng thấp. Ví dụ, với các DN xuất khẩu thuỷ sản, mức tăng giá bán (quy ra VND) khoảng từ 10-20% tùy theo mặt hàng xuất.

Nhưng điều đáng lưu ý là tăng giá bán do 2 nguyên nhân chủ yếu: 1/ Tăng do nước ngoài tăng giá mua; 2/ Tăng do NHNN điều chỉnh tăng tỉ giá chính thức giữa VND và USD thêm 9,3%. Như vậy, nếu trừ đi phần tăng giá bán mà DN xuất khẩu được hưởng lợi từ điều chỉnh tỉ giá trong năm, thì thực chất giá bán tăng không đáng kể. 

Theo các DN, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước nếu chỉ là giảm thuế thì vẫn là chưa đủ, vì khó khăn cho sản xuất như môi trường kinh doanh còn nhiều vướng mắc, việc phát triển các ngành, nghề hỗ trợ... lại chưa được chú ý đúng mức. Một số lượng không nhỏ tín dụng vẫn đổ vào nuôi DNNN hoạt động kém hiệu quả, trong khi các DN nhỏ và vừa khác lại đang “đói” vốn.

Lạm phát dù dự báo đã lên tới 17%, nhưng phải kiên quyết mới dừng được ở mức này. Vì thế, việc thắt chặt chi tiêu công, sử dụng lãi suất cao tuy là liều thuốc đắng nhưng vẫn cần thiết phải dùng. Trong bối cảnh khó khăn này, không ít DN cho rằng sản xuất kinh doanh năm 2011 là để tồn tại, cố gắng bảo toàn được giá trị chứ không dám mong tăng trưởng nhiều như trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chỉ mong tồn tại!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO