Cần tính đến sự đảo chiều của lạm phát

Nguyễn Hoàng| 29/01/2021 06:00

Giá tiêu dùng năm 2021 được dự báo tiếp tục có mức tăng vừa phải bởi các yếu tố gây tăng giảm đan xen, thậm chí có dấu hiệu thiểu phát.

hang-hoa-2-5922-1611729514.jpg

Những lo ngại về lạm phát trong năm 2020 đã không trở thành hiện thực khi giá tiêu dùng có xu hướng tăng chậm qua các quý. Nhưng điều này có thể không lặp lại trong năm 2021. TS. Nguyễn Đức Độ - Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính thuộc Bộ Tài chính cho rằng, lạm phát trung bình năm 2021 sẽ không thể cao, cao nhất là 3%. Nguyên nhân là do kinh tế trong năm nay chưa thể phục hồi hoàn toàn.

Nhìn sâu vào ba đặc điểm chính của lạm phát năm 2020, TS. Vũ Đình Ánh - Viện Nghiên cứu Thị trường, Giá cả thuộc Bộ Tài chính cho rằng, hiện tượng thiểu phát là có thật.

Thứ nhất, giá cả đã đóng băng suốt cả năm 2020 ngoại trừ đột biến tháng 6/2020. Nguyên nhân chủ yếu là do giá xăng dầu tăng cao ba đợt liên tiếp sau chuỗi giảm kéo dài và giá thịt lợn tiếp tục tăng trong những ngày đầu tháng 6, trong khi nhóm giao thông tăng cao nhất, tới 6,05%.

Lạm phát năm 2020 thể hiện rõ rệt yếu tố cầu kéo, khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 2,6% so với năm 2019 và nếu loại trừ yếu tố giá thì giảm tới 1,2% trong khi năm 2019 tăng 9,5%. Vai trò dẫn dắt lạm phát của yếu tố cầu kéo càng mạnh khi chỉ số giá sản xuất công nghiệp năm 2020 giảm 0,6%, dịch vụ giảm 0,73%, chỉ có giá sản xuất nông nghiệp tăng 8,24%, trong khi chỉ số giá xuất khẩu giảm 1,32% và chỉ số giá nhập khẩu giảm 0,59%.

Thứ hai, không có lạm phát suốt năm 2020, thậm chí có nguy cơ thiểu phát, nhưng vẫn có không ít lo ngại lạm phát cao quay trở lại do chỉ tập trung vào con số lạm phát bình quân kỳ. Con số lạm phát 2,79% năm 2019 đã tạo ra nhận định giả tạo về nguy cơ lạm phát khi liên tiếp CPI tháng 10/2019 tăng 0,59% so với tháng trước và CPI tháng 11/2019 tăng tới 0,96% so với tháng trước - mức tăng cao nhất của CPI tháng 12 trong 9 năm gần đây và là mức tăng theo tháng cao nhất kể từ tháng 9/2012 đến nay.

Lạm phát cao biểu hiện bởi CPI bình quân kỳ năm 2020 là hệ quả của CPI tăng vọt ba tháng cuối năm 2019 và tháng đầu tiên năm 2020, còn thực tế 2020 là năm thiểu phát chứ không phải lạm phát.

Thứ ba, lạm phát cao không bắt nguồn từ nguyên nhân tiền tệ. Đến lượt mình, tiền tệ cũng không phải là nguyên nhân gây ra tình trạng thiểu phát năm 2020 khi tính đến ngày 21/12/2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 12,56% so với cuối năm 2019 (năm 2019 tăng 12,1%). Tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 10,14% (năm 2019 tăng 12,14%) trong khi tốc độ tăng GDP năm 2020 chỉ có 2,91% (năm 2019 tới 7,02%).

Do đó, lạm phát cơ bản bình quân năm 2020 tăng 2,31% so với bình quân năm 2019. Hơn nữa, chỉ số giá USD tháng 12/2020 cũng hầu như không thay đổi tính theo cùng kỳ hay bình quân cả năm trong khi dự trữ ngoại hối tăng mạnh và thặng dư cán cân thương mại tới 19,1 tỷ USD càng chứng tỏ hiện tượng thiểu phát là có thật và có thể song hành với dịch bệnh Covid-19 trong cả năm 2021 nếu không có những biện pháp kích thích lạm phát hợp lý.

Vẫn còn có một số nhân tố khiến CPI tăng trong năm 2021, giúp nền kinh tế không rơi vào thiểu phát. Theo TS. Nguyễn Công Định - Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính, thị trường hàng hóa có xu hướng tăng dựa trên triển vọng đồng USD tiếp tục suy yếu, trong khi lạm phát sẽ quay lại khi các biện pháp kích thích kinh tế và tài khóa được kỳ vọng sẽ mạnh mẽ hơn. Giá nhiều loại nguyên vật liệu trên thị trường thế giới sẽ tăng trở lại khi dịch Covid-19 dần dần được khống chế và sản xuất, thương mại, giao lưu quốc tế được khôi phục. Do đó, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát cần tiếp tục thực hiện thận trọng, linh hoạt, chủ động trong năm 2021 để kiểm soát lạm phát dưới 4% theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra.

Giá một số mặt hàng trong năm 2021 rất khó đoán định. Giới phân tích cho rằng, nếu vẫn "hăng hái" với việc chống lạm phát, có thể sẽ dẫn tới hậu quả là tăng trưởng sẽ giảm, dẫn tới thất nghiệp cao. Do đó, song hành với những chính sách mang tính ngắn hạn đang thực hiện nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của Covid-19, Việt Nam nên kiên trì với những cải cách dài hơi. Trong mọi tình huống, lạm phát, lãi suất và tỷ giá cần được duy trì ổn định để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sau bệnh dịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần tính đến sự đảo chiều của lạm phát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO