Cần tháo gỡ nút thắt về đất nông nghiệp

Nguyễn Hoàng| 31/10/2019 02:00

Tăng trưởng nông nghiệp đang chậm lại, PGS-TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng, những yếu tố cơ bản nhất của thị trường, đặc biệt là vấn đề hạn điền và đầu ra chưa được giải quyết hiệu quả.

Cần tháo gỡ nút thắt về đất nông nghiệp

* Tăng trưởng nông nghiệp 9 tháng đầu năm 2019 chỉ tăng 2,02% trong khi cùng kỳ năm 2018 tăng 3,7%. Theo ông, sự sụt giảm này cảnh báo điều gì?

- Nông nghiệp của Việt Nam đang phụ thuộc rất nhiều vào thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Sự sụt giảm tăng trưởng trong năm nay phần lớn chịu tác động bởi thị trường Trung Quốc, khi quốc gia này điều chỉnh chính sách kinh tế, do lâm vào chiến tranh thương mại với Mỹ. Thời điểm này, thị trường Trung Quốc đang đòi hỏi chất lượng hàng hóa cao hơn. Chính phủ nước này cũng đưa ra những chính sách khắt khe hơn, thậm chí tương tự các thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, đối với nhập khẩu nông sản Việt Nam, một mặt để bảo vệ người tiêu dùng nhưng mặt khác là để giữ “sân nhà” cho doanh nghiệp trong nước. Điều này dẫn đến hàng hóa nông sản của Việt Nam thâm nhập vào thị trường nước này ngày càng khó khăn hơn. 

* Giữa những diễn biến đó, chính sách nông nghiệp của Việt Nam thay đổi như thế nào?

- Các nhà làm chính sách nông nghiệp đang nỗ lực để bám sát thực tế nhằm cải thiện chất lượng tăng trưởng nông nghiệp nhưng cũng vướng vào những vấn đề chưa được giải quyết. Chẳng hạn, vấn đề đất đai, tư liệu sản xuất... Nông nghiệp nước ta còn gặp nhiều vướng mắc liên quan đến Luật Đất đai và các nghị định hướng dẫn, trong khi quyền lợi của người nông dân lại gắn liền với đất đai. Nền kinh tế đang hội nhập sâu rộng hơn, nhưng nông nghiệp Việt Nam vẫn chậm chuyển đổi về chính sách và cách thức sản xuất. Thực tế đang đòi hỏi nước ta phải xử lý được các điểm yếu căn bản này để đáp ứng được những yêu cầu của các thị trường nhập khẩu, mang lại giá trị gia tăng lớn hơn.

* Những tác động bên ngoài đối với lĩnh vực nông nghiệp là rõ ràng, song sự vận động bên trong dường như còn yếu?

- Đúng vậy. Hội nhập kinh tế mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng bộc lộ rất rõ những hạn chế của nông nghiệp Việt Nam trong cạnh tranh. Do đó, ngay cả khi thị trường mở ra vẫn không mang lại hiệu quả, thậm chí còn mất lợi thế. Trong các nghiên cứu 5 năm qua, chúng tôi nhận thấy việc hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, bất lợi của Việt Nam tập trung vào những sản phẩm hàng hóa, ví dụ sản phẩm về thịt từ các gia súc lớn. Chưa hết, đối với những sản phẩm Việt Nam có lợi thế tự nhiên, nông nghiệp Việt Nam cũng không đứng vững, chẳng hạn như gạo, do những liên quan đến tổ chức sản xuất, yếu tố nền tảng trong phát triển nông nghiệp đang gặp nhiều vướng mắc về hạn điền, quy hoạch, quyền sở hữu...

Đất đai, phương tiện sản xuất, là nguồn lực quan trọng nhất trong phát triển nông nghiệp của Việt Nam. Đất đai gắn liền với quyền lợi của đối tượng sở hữu, ở đây là người nông dân và doanh nghiệp. Nhìn trên bình diện 5 năm qua, nước ta chưa có đột phá lớn trong chính sách đất nông nghiệp, dù đã có một vài sự dịch chuyển, thể hiện quan điểm về tích tụ đất đai và tập trung đất đai linh hoạt hơn, gần thực tiễn hơn, cho phép doanh nghiệp thâm nhập vào lĩnh vực nông nghiệp nhiều hơn trước. Tuy nhiên, những bước tiến đó còn chậm đối với Việt Nam, một nền kinh tế nông nghiệp.

* Như ông nói, chính sách nông nghiệp luôn đi sau sự phát triển của thị trường? 

- Đó là một thực tế. Thay đổi điều này, nước ta phải có nền sản xuất rất tốt, trước tiên là chính sách phải giải quyết được những vấn đề nền tảng của nông nghiệp, vấn đề hạn điền, quyền của người nông dân đối với chính mảnh đất của mình. Điều đó có nghĩa, chính sách phát triển nông nghiệp phải đáp ứng cùng lúc hai yêu cầu: chống chọi được ở thị trường nội địa và vươn ra được thị trường thế giới. 

* Cảm ơn ông.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần tháo gỡ nút thắt về đất nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO