"3 tại chỗ" không phải là phương pháp lâu dài
Số lượng các DN cũng như công nhân ở các tỉnh phía Nam nhiều hơn hẳn Bắc Ninh, Bắc Giang, trong khi dịch đã lan rộng từ trước khi bắt đầu áp dụng "3 tại chỗ". Ngoài vấn đề chi phí để thiết lập phương án "3 tại chỗ", phương án này không thể đảm bảo duy trì được 100% lượng công nhân.
Bên cạnh đó, do dịch đã lan rộng trong cộng đồng xung quanh nên DN luôn ở trong tình trạng bị đe dọa bùng phát dịch, khi đó chi phí để xử lý ổ dịch lại còn tốn kém hơn nữa. Do vậy, một số DN sau thời gian áp dụng "3 tại chỗ" cũng phải dừng, chấp nhận đóng cửa nhà máy.
Chủ một doanh nghiệp gỗ ở Long An chia sẻ, kể cả khi DN cố duy trì sản xuất theo "3 tại chỗ", nhưng thiếu nguồn cung nguyên phụ liệu từ các DN đã đóng cửa thì DN cũng không thể hoàn thiện được sản phẩm cuối cùng.
Theo thông tin từ báo Cần Thơ, tính đến ngày 10/8, có 972 trong số 1.090 DN sản xuất của Cần Thơ đã ngừng hoạt động, chỉ còn lại 118 DN hoạt động theo phương án "vừa cách ly, vừa sản xuất".
Không có sản xuất thì không có hàng hóa để lưu thông trong nước và xuất khẩu. DN dừng sản xuất thì các lô hàng nhập khẩu cũng không được tiếp nhận, xử lý, gây nên tình trạng ùn tắc tại cảng. Trong khi đó, vận chuyển đường bộ dù đã được tháo gỡ nhưng vẫn có những khó khăn ở từng chốt, trạm cụ thể do lực lượng thi hành.
Một DN điện tử cho biết, cứ mỗi tuần dừng sản xuất thì phải cần ít nhất 2-3 tuần để phục hồi. Đến nay, DN dừng sản xuất đã 5 tuần, như vậy ngay cả lúc này nếu được hoạt động trở lại thì cũng phải 3-4 tháng nữa DN mới có thể mong trở lại tình trạng như trước khi có dịch.
Mà đến thời điểm này, vẫn chưa thể biết khi nào DN sẽ được hoạt động trở lại, khi TP.HCM tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 thêm ít nhất 2 tuần nữa, đến đầu tháng 9.
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, một chuyên gia kinh tế đã có thời gian dài sống ở Đức, nay về lại Việt Nam, chúng ta có thống kê rất đầy đủ, chi tiết và nhanh chóng về số ca nhiễm, ca khỏi, số người bị cách ly, số người phải truy vết... nhưng cho đến nay vẫn không ai thống kê thiệt hại của DN trong giai đoạn dừng sản xuất do các biện pháp chống dịch là bao nhiêu, và khả năng các DN còn chịu đựng dừng sản xuất là bao lâu.
Tuy vậy, nếu chỉ nhìn vào con số xuất khẩu thì 19 tỉnh thành Phía Nam đang thực hiện CT 16 đang chiếm 45% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Với trị giá xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 71 tỷ USD, trung bình mỗi ngày khu vực này xuất khẩu 390 triệu USD, tương đương 9 nghìn tỷ đồng. Dẫu không phải tất cả DN trong khu vực này đã dừng sản xuất và một số DN vẫn đang tiếp tục xuất khẩu lượng hàng đã sản xuất trước đó, nhưng con số trên phần nào cho thấy tác động của đại dịch đối với nền kinh tế nếu sản xuất chưa được phục hồi.
Phó Giám đốc điều hành Khu vực Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, ông Vũ Tú Thành cho biết: "Các nước đều xác định sống chung với dịch trong ít nhất vài năm tới, kể cả khi đã phủ vaccine cho toàn bộ dân số cần tiêm. Vì thế không thể duy trì phong tỏa trong thời gian dài". Từ đó, ông Thành cũng kiến nghị phải có một quan điểm rõ ràng về việc phục hồi sản xuất ngay cả trong điều kiện dịch bệnh.
Nếu DN đã đầu tư rất tốn kém để bố trí lại sản xuất, duy trì "3 tại chỗ" mà chỉ vì có một ca F0 sẽ phải đóng cửa toàn nhà máy thì rủi ro, tổn thất sẽ rất lớn. Nếu không cho phép DN hoạt động sau khi đã xử lý và tách F0 khỏi cộng đồng thì DN sẽ không dám mở cửa trở lại - ông Thành nêu quan điểm.
Cần những giải pháp khả thi
Trong công văn số 4769 ngày 6/8 gửi Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đề xuất một số giải pháp để đưa DN hoạt động trở lại:
- Ngoài các quy định về hình thức "3 tại chỗ", "1 cung đường - 2 địa điểm", nên bổ sung các hình thức duy trì sản xuất khác cho DN được lựa chọn.
- Hướng dẫn các địa phương xây dựng kịch bản, lộ trình phục hồi sản xuất tương ứng với các kịch bản diễn biến của dịch bệnh để các DN có kế hoạch bố trí sản xuất phù hợp.
- Bổ sung quy trình cơ quan y tế phối hợp với DN tách F0, F1 ra khỏi môi trường làm việc để DN sớm ổn định lại sản xuất và đảm bảo an toàn cho những người lao động khác.
- Bổ sung quy định về xét nghiệm gộp định kỳ, lấy mẫu trực tiếp tại DN nhằm cắt giảm chi phí, thời gian cho DN.
- Quy định cụ thể các điều kiện cần thiết để cho phép DN được hoạt động trở lại tương ứng với các kịch bản khác nhau (hoạt động 30%, 50%, 70% cho tới 100% công suất như trước thời điểm diễn ra dịch bệnh) tuỳ vào điều kiện đảm bảo an toàn của DN và kết quả thực hiện phòng chống dịch bệnh.
- Địa phương khi quyết định tạm dừng hoạt động sản xuất trên quy mô lớn trong phạm vi toàn bộ khu, cụm công nghiệp trên địa bàn cần báo cáo Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 xem xét, quyết định.
Có thể nói, những đề xuất là khá tổng hợp và sát với thực tế hiện nay để hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng, từng bước giúp DN nhanh chóng mở cửa trở lại. Tuy nhiên, tại văn bản số 6565 ngày 12/8 cập nhật hướng dẫn về phòng chống dịch tại cơ sở lao động, sản xuất, kinh doanh, Bộ Y tế vẫn chưa có quy định hướng dẫn các nội dung nêu trên.
Bên cạnh đó, để hiện thực hóa ý tưởng tạo "vùng xanh" cho sản xuất, nên chăng cho phép những DN đã có đa số công nhân đã được tiêm vaccine, đáp ứng yêu cầu giãn cách trong sản xuất, trang bị đầy đủ phòng hộ cá nhân được hoạt động trở lại, không yêu cầu phải "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường - 2 địa điểm".
Lời kết
Doanh nhân, DN là những cá nhân, tổ chức đã chịu nhiều thiệt hại kể từ đầu mùa dịch đến nay, nhưng vẫn kiên tâm ủng hộ các chủ trương, biện pháp chống dịch của Nhà nước, đồng thời tham gia quyên góp, ủng hộ các lực lượng tuyến đầu cũng như đóng góp để có thêm kinh phí mua vaccine cho toàn dân.
Hoạt động chống dịch và phục hồi sản xuất, xét cho cùng, đều là vì lợi ích người dân. Trong giai đoạn cấp bách hiện nay, việc chống dịch được đặt ưu tiên cao hơn, nhưng về lâu dài không thể không tính đến các biện pháp duy trì dân sinh, dân kế. Việc cân nhắc thời điểm mở cửa trở lại cho sản xuất, áp dụng hình thức vừa sản xuất, vừa chống dịch như thế nào là điều các DN đang mong mỏi hiện nay.