Cam kết giảm lãi suất cho vay

DNSG| 14/04/2010 05:07

Cam kết giảm lãi suất cho vay; Củng cố hoạt động kinh doanh hàng không nội địa...

Cam kết giảm lãi suất cho vay

Cam kết giảm lãi suất cho vay

Thời gian qua, do lãi suất cho vay tăng mạnh nên đã đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình trạng thiếu vốn, ảnh hưởng tới sản xuất và kinh doanh. Để giải quyết vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có nhiều biện pháp nhằm giảm lãi suất cho vay. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu khẳng định, một số ngân hàng (NH) lớn đã đồng thuận giảm lãi suất xuống phổ biến chỉ còn 14 -15%/năm, tương đương mức lãi suất năm 2007.

Mức trên dù vẫn còn cao nhưng đã phần nào thấp hơn so với mức lãi suất từ 16 - 18% hiện nay. Cụ thể, khối NH quốc doanh (Agribank, BIDV, MHB) và hai thành viên vừa cổ phần hóa nhưng Nhà nước vẫn nắm tỷ lệ sở hữu lớn là Vietcombank và VietinBank cùng thống nhất mức lãi suất cho vay VND tối đa trong thời gian tới từ 14 - 14,5%/năm; trong đó VietinBank, BIDV, MHB thống nhất tối đa là 14%/năm. Với tín dụng nông thôn và tín dụng xuất khẩu, nhóm NH trên chỉ áp tối đa từ 12 - 14%/năm. Các NH khác như Maritime Bank, ACB, Eximbank, VIB chỉ áp mức tối đa là 15%; cá biệt tại VPBank là 14,5%/năm, tại MB chỉ từ 13,7 - 14,5%/năm. Riêng tín dụng đối với xuất khẩu, nhóm này áp phổ biến dưới 14,4%/năm, tại MB tối đa chỉ 13,7%/năm.

Nhiều NH cổ phần khác cũng cho biết, sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay nhưng không cào bằng cho tất cả khách hàng, giảm nhiều sẽ tập trung vào nhu cầu vay vốn cho sản xuất hàng tiêu dùng trong nước, xuất khẩu, nông nghiệp... Mức lãi suất thỏa thuận phổ biến được các NH cam kết thực hiện khi cho vay dao động 14 - 15%/năm. Tuy nhiên, cũng có NH đưa ra mức 18%/năm. Ngoài ra, thời gian tới, theo Nghị quyết 18/NQ-CP của Chính phủ, NHNN cũng sẽ chỉ đạo các NH thương mại theo hướng tập trung ngoại tệ cho vay đối với những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất mà trong nước chưa sản xuất được cũng như hạn chế cho vay ngoại tệ để nhập khẩu những mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu.

Q.CHI

Củng cố hoạt động kinh doanh hàng không nội địa

Trong Công văn số 1064, Cục Hàng không Việt Nam nêu rõ: Các hãng vận chuyển cần rà soát lại các quy định để tránh hiện tượng hãng hàng không nước ngoài kiểm soát kế hoạch kinh doanh, lợi nhuận. Các hãng hàng không VN không được sử dụng, tiếp thị, quảng cáo, thể hiện biểu tượng, thương hiệu, nhãn hiệu của hãng hàng không nước ngoài... Quy định này nhằm hạn chế tình trạng thất thoát doanh thu, không kiểm soát được tình trạng lỗ thật hay lỗ giả tại các hãng hàng không có đầu tư nước ngoài.

Cục đã đưa ra cảnh báo này sau khi hãng hàng không tư nhân Vietjet Air hoàn tất bán 30% cổ phần cho Air Asia và dự kiến lập liên danh và hoạt động theo mô hình giá rẻ dưới tên Vietjet AirAsia. Giới chuyên gia lo ngại, việc sử dụng nhãn hiệu Vietjet AirAsia này có thể dẫn đến tranh chấp giống như đã từng xảy ra với Pacific Airlines khi bán cổ phần và đổi tên thành Jetstar Pacific. Cục cũng đã có công văn yêu cầu nếu hãng Jetstar Pacific không có phương án xây dựng thương hiệu mới sẽ không được quyền khai thác các đường bay mới.

C.H

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cam kết giảm lãi suất cho vay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO