Cải cách hành chính ở Sở tư pháp TP.HCM: Đã xuất hiện những tín hiệu vui

QUẾ DƯƠNG| 20/01/2009 04:20

Thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Tư pháp TP.HCM đã thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính Sở theo quyết định số 512/STP-VB ngày 11/11/2002, gồm 9 thành viên do Giám đốc Sở làm Trưởng ban. Giúp việc cho Ban là tổ 6 chuyên viên, trong đó có một cán bộ chuyên trách về cải cách hành chính.

Thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Tư pháp TP.HCM đã thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính Sở theo quyết định số 512/STP-VB ngày 11/11/2002, gồm 9 thành viên do Giám đốc Sở làm Trưởng ban. Giúp việc cho Ban là tổ 6 chuyên viên, trong đó có một cán bộ chuyên trách về cải cách hành chính.

Trong tiến trình cải cách thủ tục hành chính, công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật được xem là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của Sở Tư pháp TP.HCM. Với vai trò là cơ quan tham mưu giúp UBND TP.HCM trong công tác lập quy, Sở đã chủ trì biên soạn trình UBND TP ban hành 71 biểu mẫu về thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng, đất đai, nhà ở; 22 biểu mẫu về cấp phép xây dựng; 126 biểu mẫu về công chứng chứng thực trong các giao dịch về đất đai... Bên cạnh đó, Sở cũng phối hợp với Tổ công tác đề án 30 của TP thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính ở các lĩnh vực quản lý nhà nước.

Theo ghi nhận từ thực tế của DNSG, việc cải cách thủ tục hành chính ở Sở đã có những chuyển biến rõ rệt. Việc đón tiếp, hướng dẫn người dân làm các thủ tục sao lục hộ tịch, khai sinh - khai tử, nhận con nuôi, kết hôn với người nước ngoài, đăng ký hành nghề luật sư... được tổ chức nhanh và gọn.

Việc sử dụng máy lấy số thứ tự điện tử tại khu vực tiếp dân đã khắc phục được tình trạng nhốn nháo vốn là nỗi “ám ảnh” của người dân khi tới các cơ quan công quyền trước đây. Các quy trình, thủ tục, biểu mẫu, phí, lệ phí... cũng được niêm yết đầy đủ tại trụ sở và đưa lên trang web.

Chị Vũ Anh Hoa (quận 3) tới làm thủ tục khai tử cho cha cho biết, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức ở Sở rất tận tình, lịch sự và những hướng dẫn trong quá trình giải quyết hồ sơ cũng rõ ràng, dễ hiểu. Anh Nguyễn Ngọc Anh, một Việt kiều Canada tới làm thủ tục kết hôn thì rất hài lòng về việc trao trả hồ sơ đúng hẹn của Sở.

Anh nói: “Việc thu xếp thời gian để về nước làm thủ tục kết hôn đối với Việt kiều chúng tôi không hề đơn giản. Nghe vợ sắp cưới thông báo thời hạn hoàn tất hồ sơ bây giờ đã được rút ngắn hơn trước tôi mừng lắm. Khi vào phỏng vấn, thủ tục cũng nhẹ nhàng, đơn giản”. Tìm hiểu thêm, người viết bài được biết, trước đây việc hoàn tất hồ sơ kết hôn với người nước ngoài phải mất 40 ngày, nhưng nay đã được rút ngắn xuống còn 30 ngày (nếu hồ sơ không có gì trục trặc).

Theo quy định của Bộ Tư pháp, muốn kết hôn với người nước ngoài thì cả cô dâu và chú rể đều phải tới sở tư pháp các tỉnh, thành để nộp hồ sơ. Để tiết kiệm thời gian cho người dân, Sở Tư pháp TP.HCM cho phép người ở nước ngoài được ủy quyền cho người trong nước tới nộp hồ sơ, khi có ngày hẹn rồi thì mới phải về nước để dự phỏng vấn.

Về công tác kiểm tra, rà soát, thẩm định tính hợp pháp của các văn bản do TP.HCM và các quận, huyện ban hành, bà Ung Thị Xuân Hương - Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM cho biết, trong năm 2008 không có văn bản nào sai sót về thẩm quyền - nội dung.

Riêng về quy định cấp thẻ doanh nhân ABTC (thẻ dành riêng cho doanh nhân sử dụng để đi lại các nước trong khối APEC, không cần visa), Thành phố đang tiến hành chỉnh sửa một số điều chưa thực sự phù hợp với thực tiễn. Cũng theo bà Xuân Hương, trong tháng 1/2009 này sẽ có quy chế mới về việc cấp thẻ ABTC cho doanh nhân.

Một tín hiệu vui nữa dành cho doanh nhân là bắt đầu từ năm nay, Bộ Tư pháp sẽ giao cho Sở Tư pháp TP.HCM theo dõi việc thực thi các văn bản pháp luật. Để xây dựng một kênh thông tin nhiều chiều, bà Xuân Hương cho biết Sở Tư pháp TP.HCM rất cần sự đóng góp ý kiến của các doanh nghiệp. Trong quá trình thực thi các quy định của pháp luật, nếu doanh nghiệp phát hiện ra văn bản nào chưa phù hợp với thực tiễn thì có thể gửi kiến nghị về Sở. Từ đó, Sở sẽ có đề xuất trình UBND TP xem xét, sửa đổi.

Thực tế cho thấy, thực hiện tốt việc cải cách thủ tục hành chính không chỉ mang lại lợi ích cho người dân mà còn góp phần giảm tải áp lực công việc cho các sở, ban, ngành... Và xét cho cùng, những thủ tục bất hợp lý không chỉ “hành” dân mà còn “hành” chính các sở và Nhà nước. Những tín hiệu vui từ Sở Tư pháp TP.HCM tuy chưa nhiều nhưng rất đáng ghi nhận, nhất là trong bối cảnh việc cải cách thủ tục hành chính công vẫn còn ì ạch như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cải cách hành chính ở Sở tư pháp TP.HCM: Đã xuất hiện những tín hiệu vui
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO