Bộ Y tế sẽ ưu tiên hơn một triệu liều vaccine cho TP.HCM

Ngọc Thoại| 03/07/2021 05:37

Bộ Y tế cho biết sẽ ưu tiên 1 triệu liều vaccine cho TP.HCM trong thời gian sắp tới sau khi có khoảng 8 triệu liều về Việt Nam trong tháng này - một phần trong số 30 triệu liều sẽ cập cảng trong quý 3 năm nay.

Bộ Y tế sẽ ưu tiên hơn một triệu liều vaccine cho TP.HCM

“Bộ Y tế dự kiến sẽ phân bổ cho TP.HCM gần 1 triệu liều vaccine trong thời gian tới,” Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết trong cuộc họp với lãnh đạo TP.HCM sáng 2/7.

Ông Sơn cũng đề nghị TP.HCM rút ra những kinh nghiệm cần thiết nhằm xây dựng, hoàn thiện kế hoạch thật chi tiết để khi có vaccine có thể thực hiện việc tiêm vaccine nhanh chóng, rộng rãi và thành công từ chiến dịch tiêm vaccine vừa rồi.

Cũng trong sáng 2/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Trưởng Ban Chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, trong cuộc họp Ban Chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19, cho biết dự kiến sẽ có 8 triệu liều vaccine về Việt Nam trong tháng 7/2021. Ông Long cũng thông tin thêm rằng khoảng 30 triệu liều vaccine sẽ về Việt Nam trong quý 3/2021

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cho hay thêm rằng với nguồn cung vaccine về Việt Nam nhiều hơn trong thời gian tới và số điểm tiêm được triển khai trên toàn quốc khoảng 19.000 điểm, sẽ huy động toàn bộ ngành y tế (kể cả y tế các bộ ngành và y tế tư nhân) để đảm bảo tốc độ tiêm những tháng cuối năm.

“Bộ Y tế đã và đang nỗ lực để làm sao có vaccine về Việt Nam ngày một nhiều, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêm chủng của nhân dân. Tuy nhiên do nguồn cung khan hiếm vào thời điểm này, nên cao điểm vaccine về Việt Nam là quý 4/2021,” ông Long nhấn mạnh. 

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, để triển khai chiến dịch hiệu quả và đảm bảo chất lượng vaccine, tất cả các quy trình phải phối hợp chặt chẽ từ vấn đề bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm, ứng dụng công nghệ thông tin và cả công tác truyền thông cho chiến dịch. 

Đặc biệt, vấn đề an toàn tiêm chủng phải được đặt lên hàng đầu, tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc “tiêm đến đâu, an toàn đến đó”.

“Chúng ta cắt ngắn thủ tục hành chính, nhưng không được cắt ngắn quy trình chuyên môn, phải khám  sàng lọc chặt chẽ. Việc hoãn tiêm đối với những trường hợp chống chỉ định trong tiêm chủng phải làm chặt chẽ. Ngay từ bây giờ phải lập danh sách đối tượng tiêm, để tiến hành sàng lọc xem đối tượng nào sẽ tiêm tại bệnh viện, đối tượng nào tiêm ở cơ sở y tế hay điểm tiêm lưu động,” Ông Long nói.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng về mặt chuyên môn trong chiến dịch tiêm chủng phải đảm bảo an toàn tối đa, và tất cả các liều vaccine về đến Việt Nam phải được sử dụng hiệu quả, không được phép lãng phí một liều nào. 

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM về kết quả tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 đợt 4 (từ  21/6 đến 29/6) có tổng số 938.462 người đến tiêm theo danh sách phân bố, trong đó có 109.465 người hoãn tiêm, 828.997 người được tiêm, đạt tỷ lệ 102,9% so với chỉ tiêu được giao (806.000 liều).

Trong chiến dịch tiêm vaccine lớn nhất lịch sử này, TP.HCM đã huy động 176 đơn vị gồm 58 bệnh viện công lập từ tuyến trung ương đến quận huyện, 59 bệnh viện ngoài công lập, 24 trung tâm y tế, 35 phòng khám đa khoa tư nhân được huy động cử lực lượng nhân viên y tế để thiết lập 1.109 đội tiêm. Một đội tiêm bao gồm 05 nhân sự chuyên môn khám sàng lọc, tiêm vaccine, theo dõi, xử trí phản ứmg sau tiêm. Trung bình mỗi ngày huy động hơn 5.300 nhân viên y tế tham gia các đội tiêm.

Đồng thời, tổ chức 96 địa điểm tiêm trong cộng đồng tại TP. Thủ Đức, các quận, huyện và hơn 300 địa điểm tiêm mỗi ngày trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, công viên phần mềm Quang Trung. Địa điểm tổ chức tiêm chủng đảm bảo điều kiện bố trí quy trình tiêm chủng cho 3-4 dây chuyền tiêm theo đúng quy định, đảm bảo các yêu cầu về giãn cách và an toàn phòng chống dịch khác; được vệ sinh khử khuẩn hàng ngày sau mỗi buổi tiêm.

Để xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng, Sở Y tế đã bố trí 21 đội hồi sức cấp cứu và 88 xe cấp cứu được huy động tham gia. Các đội này phụ trách theo dõi, xử trí phản ứng sau tiêm tại mỗi điểm tiêm, thuốc, trang thiết bị y tế và phương tiện xử trí cấp cứu. Ngoài ra, tại mỗi quận huyện, khu công nghiệp được bố trí từ 02 - 03 xe cấp cứu có đội cấp cứu chuyên nghiệp để hỗ trợ xử trí tại chỗ phản ứng sau tiêm và vận chuyển người bị tai biến nặng về bệnh viện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bộ Y tế sẽ ưu tiên hơn một triệu liều vaccine cho TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO