Bí thư Thành Ủy TP.HCM gặp gỡ chuyên gia bàn phương thức chống Covid-19

Phan Nhung| 11/07/2021 06:00

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã mời 9 chuyên gia, nhà khoa học đến từ các Trường - Viện - Hội - Bệnh viện đến Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM vào trưa 10/7 bàn luận thêm về các phương thức phòng chống Covid-19.

Tại buổi làm việc, Bí thư Nên đã trao đổi ý kiến với các chuyên gia dịch tễ học có kinh nghiệm trong quá trình chống dịch, dạy học và phát triển ngành y tế TP HCM. Buổi làm việc có sự phối hợp của Viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM. 

"Tôi tôn trọng ý kiến chuyên gia, nhà khoa học”

Bí thư Nên khẳng định TP.HCM đang đứng trước thử thách rất lớn, và dù mỗi người có một vị trí khác nhau nhưng chắc chắn đều có điểm chung là mong muốn khống chế, đẩy lùi và từng bước kiểm soát dịch bệnh. 

214738661999293604225622195123-1809-5166

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: N.P

"Chúng tôi luôn tôn trọng ý kiến của chuyên gia trong và ngoài nước; chúng tôi không tự đưa ra các giải pháp, mà phải lắng nghe và tuân thủ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ. Và tôi cảm thấy cần phải gặp trực tiếp các chuyên gia để lắng nghe các ý kiến độc lập nhằm góp thêm phương pháp vào chiến lược chống dịch ở TP.HCM"" - Bí thư Nên nói.

Bí thư Nên nhắc lại lần đầu tiên khi phát hiện chủng virus mới, TP.HCM đã nhanh chóng áp dụng CT 15 và CT 16 cục bộ ở một số vùng, khi đó "có thể nói rằng TP.HCM có tự tin". Nhưng với sự bộc phát âm thầm, nhanh, mạnh của dịch Covid-19, TP.HCM buộc phải nâng cao một bậc, áp dụng CT số 10. 

Ông Nên cũng nói rằng trước khi đưa ra bất cứ một quyết định nào - TP.HCM rất cân nhắc bởi liên quan đến nhiều vấn đề kinh tế - xã hội và cuộc sống của người dân. Và việc quyết định giãn cách toàn TP theo CT 16 là điều không ai mong muốn, nhưng phải làm mới có thể từng bước kiểm soát dịch bệnh.  

Cần tận dụng "thời gian vàng" để kiểm soát dịch bệnh, và vaccine là "chìa khóa"

Các chuyên gia đều cho rằng - TP.HCM quyết định giãn cách xã hội theo CT 16 trong bối cảnh dịch bệnh tăng cao là giải pháp đúng đắn và kiến nghị cần tận dụng "thời gian vàng" này để kiểm soát tình hình. Vì vậy, người dân cần chung tay, tuân thủ giãn cách và các biện pháp truy vết, xét nghiệm, điều trị của ngành y tế.

Cuối cùng, "chìa khóa" để kiểm soát dịch là vaccine.

212499497366805908173759358104-2158-8431

Bí thư Thành ủy TP.HCM lắng nghe các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm và gợi ý nhiều giải pháp chống dịch - Ảnh: N.P

Với kinh nghiệm từng là Phó giám đốc Sở Y tế phụ trách nhiều chiến dịch chống dịch, TS-BS Phan Văn Báu - Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 - cũng cho rằng trong khoảng thời gian này cần phải giãn cách tuyệt đối theo đúng phương châm "ai ở nhà đó, khu phố cách ly khu phố, phường cách ly phường", song song các giải pháp khác để từng bước kiểm soát dịch. 

Về một số vấn đề kỹ thuật được các chuyên gia đánh giá chưa đạt như mong đợi về xét nghiệm, phối hợp giữa lấy mẫu, trả kết quả; cách ly, điều trị và tiêm vaccine... Bí thư Nguyễn Văn Nên cho rằng đó là các ý kiến xác đáng, sẽ được tiếp thu và điều chỉnh theo hướng áp dụng nhuần nhuyễn, hoàn thiện hơn và phù hợp tình hình thực tế.

Mong muốn đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân

Bí thư Nên chia sẻ, ông đã thu hoạch được nhiều thông tin có giá trị, có thêm được nhiều dữ liệu tốt và mạnh mẽ hơn trong việc đưa ra các quyết sách lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch. 

"Phải đáp ứng sự kỳ vọng của dân, phải đưa ra giải pháp có lợi cho dân là điều tôi luôn suy nghĩ" - ông nói và bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, chung sức, đồng lòng từ các chuyên gia, nhà khoa học và người dân cho cuộc chiến chống dịch vốn nhiều cam go này. 

"Tôi mong các chuyên gia, nhà khoa học bất cứ lúc nào nếu thấy có vấn đề gì về chống dịch chưa phù hợp hãy nhắn tin cho tôi, tôi sẽ xem xét và kịp thời giải quyết. Mong các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, theo sát, sẵn sàng góp ý, hiến kế để công tác phòng chống dịch của TP.HCM sớm thành công", Bí thư nhấn mạnh. 

Cách ly xã hội là điều cần thiết, "không thể sống chung với lũ"

BS Phan Văn Báu cho biết các biện pháp giãn cách, cách ly để làm chậm tốc độ lây lan rất cần thiết trong bối cảnh này, và 2 ngày thực hiện CT 16 vừa qua đã bắt đầu cho những tín hiệu tích cực.

215067760197010149042933589365-9046-2251

Bác sĩ Phan Văn Báu - giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 - Ảnh: N.P

"Không thể "sống chung với lũ" cho đến khi đạt được 70% miễn dịch cộng đồng. Phải thông tin tuyên truyền dứt khoát rằng đây là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Số ca tăng nhanh là sẽ có tử vong. Chiến đấu với các ca nặng không hề đơn giản, đòi hỏi máy thở, ôxy, nhiều phương tiện..." - ông Báu nói thêm.

Bên cạnh đó, BS Trương Hữu Khanh - chuyên gia dịch tễ từ Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), cũng cho rằng phải bảo đảm CT 16 được thực hiện nghiêm trong từng xóm, không chỉ ở ngoài đường, ngăn chặn việc người dân ra đường và việc tụm năm, tụm ba trong các xóm để cắt đứt "đường dây" lây nhiễm nhà - cơ quan - hàng xóm.

Linh động test nhanh, thành lập hệ thống tư vấn cho các F0, F1

Theo BS Phạm Hùng Vân, chuyên gia dịch tễ từ Đại học Y dược TP.HCM, chiến dịch xét nghiệm toàn dân có hiệu quả nhất khi có thể xét nghiệm thật nhanh toàn TP trong bối cảnh "đông đặc" toàn bộ thì mới có thể "đuổi" kịp F0 đối với biến chủng lây nhanh này. Theo các nghiên cứu, biến chủng Delta lây nhanh hơn chủng nguyên thủy tận 189%.

"Cử xuống đồng thời 2 đội: đội test nhanh và đội test PCR. Test nhanh xong ai dương tính, lập tức phân loại họ rồi mới lấy mẫu PCR để khẳng định lại, ai dương tính thì làm PCR đơn, ai âm tính làm PCR gộp lại để chắc chắn. Phải làm sao khi đến với nhóm dân cư đó, trong vòng 1 tiếng đồng hồ là biết được ai dương tính. Đợt đầu tiên tìm F0 trong cộng đồng, đợt thứ 2 tìm F0 đang ủ bệnh, đợt thứ 3 là vét những ca còn lại." - BS Khanh nói.

Các chuyên gia cũng đề xuất thành lập hệ thống tư vấn cho các F0, F1 trong thời gian sắp tới, đảm bảo người dân yên tâm và chấp hành hướng dẫn của ngành y tế.

Theo BS Đỗ Cao Vân Anh từ Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, TP có thể tận dụng các sinh viên y khoa để làm lực lượng này - một hình thức "mobile SOS". Không chỉ tư vấn, lực lượng này cũng giúp phát hiện nhanh các F0 đang chuyển nặng hoặc F1 có triệu chứng, có nguy cơ chuyển thành F0 rất nhanh chóng.

"Phải sớm phủ vaccine cho người trên 65 tuổi"

Theo BS Đỗ Cao Vân Anh, ở góc độ điều trị, những ca nặng nhất hiện nay tại đơn vị hồi sức của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM hầu hết là người trên 65 tuổi, có bệnh nền.

Các chuyên gia cho rằng việc sớm tạo miễn dịch cho nhóm đối tượng này rất cần thiết để giảm tỉ lệ tử vong và giảm số ca nặng, giúp giảm gánh nặng cho hệ thống y tế. Một nghiên cứu gần đây của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM và đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford cho thấy chỉ cần 2 tuần sau khi tiêm vaccine  Astra Zeneca, loại vaccine Việt Nam đang sử dụng, là đã sinh miễn dịch được 30%, sau 4 tuần là 86%. 

BS Trương Hữu Khanh cũng cho biết vaccine Nano Covax của Việt Nam sắp ra mắt sẽ giúp chúng ta đảm bảo an ninh vaccine. Nên có các kế hoạch để đẩy nhanh tiến độ để vaccine này sớm được sử dụng. Đây lại là vaccine dựa trên công nghệ tiểu đơn vị, một công nghệ đã rất quen thuộc và an toàn cho người sử dụng.

Đề xuất thành lập trung tâm hồi sức Covid-19

TS-BS Phan Văn Báu đề xuất thành lập trung tâm hồi sức Covid-19 tập trung cho cả TP.HCM, nằm ở khu vực có sẵn cơ sở vật chất và biệt lập. Các chuyên gia hồi sức hàng đầu của TP, trang thiết bị cần thiết... sẽ tập trung về đây, bố trí nơi lưu trú cho nhân viên y tế tại chỗ. Theo ông, khu vực Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP.HCM ) là phù hợp nhất không chỉ ở quy mô của bệnh viện mà còn vì khu vực xung quanh có sẵn nhiều cơ sở vật chất phù hợp.

Ý kiến này nhận được sự đồng thuận của nhiều chuyên gia. Bí thư Nên ghi nhận ý kiến này và mong các chuyên gia sẽ tiếp tục cho các ý kiến cụ thể hơn về vấn này để ông có thể bàn thảo thêm với các Sở, Ban, Ngành có liên quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bí thư Thành Ủy TP.HCM gặp gỡ chuyên gia bàn phương thức chống Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO