Bài 2: Chia năm hay lại phân hai?

S. HÙNG - M. HÀO| 03/06/2010 09:30

Ngoài cuộc chiến về giá, các hãng nước uống đóng chai đang cố gắng tác động tới nhận thức của người tiêu dùng để giúp họ phân biệt rõ ràng lợi ích về sức khỏe của NK và NTK...

Bài 2: Chia năm hay lại phân hai?

Ngoài cuộc chiến về giá, các hãng nước uống đóng chai đang cố gắng tác động tới nhận thức của người tiêu dùng để giúp họ phân biệt rõ ràng lợi ích về sức khỏe của NK và NTK. Khi người tiêu dùng hiểu rõ vấn đề này, có lẽ thị phần sẽ được phân chia rõ ràng hơn.

Tinh khiết đã không hay

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có hơn 1.000 doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai (NK và NTK), nhưng chỉ có khoảng 200 DN có đăng ký hoạt động. Và trên thực tế, phần lớn người tiêu dùng vẫn chưa phân biệt được sự khác nhau giữa NTK và NK.

Người tiêu dùng cần cân nhắc mua sản phẩm nước uống thích hợp

Ở góc độ nhà sản xuất, NK thiên nhiên phải là loại nước được khai thác ngay tại nguồn thiên nhiên, từ mạch nước ngầm nằm sâu trong lòng đất với các khoáng chất cần thiết cho cơ thể như calcium, magie, potassium, sodium... Nhưng “NK ở Việt Nam rất nhiều, nhưng không phải NK nào cũng uống được và không phải NK nào uống được cũng có đủ các thành phần khoáng chất có trong tự nhiên”, ông Bùi Đức Anh, Thư ký HĐQT Công ty cổ phần NK Vĩnh Hảo, khẳng định.

Theo tính toán của các nhà sản xuất NK, để có những chai nước chất lượng cung cấp cho người tiêu dùng, các công ty phải tốn khá nhiều kinh phí cho thăm dò, phát hiện mỏ nước, xử lý nước, vận chuyển sản phẩm sản xuất từ nguồn nước thiên nhiên đạt chuẩn đến các nơi...

Ông Đức Anh cho biết, chỉ riêng kinh phí từ khi xác định được vị trí có nguồn NK đến thăm dò và khai thác đã tốn đến hơn 1,5 triệu USD. Đầu tư sản xuất NTK tuy ít tốn kém hơn, nhưng nếu hoạt động bài bản, chuyên nghiệp, đảm bảo chất lượng thì phải trang bị các thiết bị hiện đại. Trong đó, chỉ riêng thiết bị công nghệ RO (màng lọc thẩm thấu ngược) đạt tiêu chuẩn để sản xuất nước uống tinh khiết đã phải mất ít nhất 1 tỷ đồng. Và trên thực tế, số DN trang bị được thiết bị này chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Sản xuất NTK ở Việt Nam phần đông áp dụng “công nghệ” lọc bằng than hay sỏi, sau đó đưa qua hệ thống máy tạo ozone khử trùng bằng tia cựa tím rồi đóng chai đem bán. Chính vì công nghệ sản xuất quá đơn giản nên các loại NTK này hầu hết không đảm bảo vệ sinh.

Bằng chứng là trong các đợt thanh tra về nước uống đóng chai, lần nào thanh tra các sở y tế các địa phương cũng phát hiện không ít sai phạm của các cơ sở sản xuất với hàng loạt mẫu nước bị nhiễm vi sinh. Chỉ riêng tại TP.HCM, trong đợt thanh tra giữa năm 2009 đã có đến 138/329 cơ sở vi phạm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nói về tình trạng sản xuất nước đóng chai hiện nay, một vị đại diện của Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM thốt lên: “Quá kinh khủng!” vì hầu hết các cơ sở đều tận dụng nơi ở làm nơi sản xuất, có nơi còn vô chai, đóng thùng cạnh nhà vệ sinh, thậm chí có cơ sở còn lấy nguồn nước ngầm cạnh nghĩa trang, bãi rác. Với “quy trình sản xuất” mất vệ sinh như thế nên mới đây, trong đợt kiểm tra hồi đầu tháng Năm, Sở Y tế TP.HCM đã đình chỉ hoạt động của bốn cơ sở sản xuất nước uống đóng chai.

Khoáng cũng đâu hơn gì

Dù phải uống NTK chưa biết chất lượng ra sao nhưng người tiêu dùng đang phải trả tiền gần bằng NK. Khảo sát tại hệ thống siêu thị Big C cho thấy, trong khi NK La Vie và Vĩnh Hảo chai nhỏ (350ml) giá 2.700đ/chai thì Aquafina chai nhỏ giá đã là 2.500đ/chai (355ml), Sapuwa giá 2.200đ/chai. Ở chai vừa, La Vie và Vĩnh Hảo có giá bán tương đương với NTK Sapuwa là 3.300 đ/chai, còn Joy và Aquafina có giảm hơn một chút: 2.900 đ/chai. Đó là so với những nhãn hiệu NTK có thương hiệu uy tín, làm ăn bài bản, còn nếu so với hàng trăm DN, cơ sở nhỏ lẻ sản xuất “NTK” khác thì người tiêu dùng càng thiệt!

Thế nhưng hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn phân biệt NK giải khát và NK chữa bệnh. Và đây cũng chính là yếu tố để giữ ranh giới giữa hai thị trường nước đóng chai gồm khoáng và tinh khiết.

Theo quy định về tiêu chuẩn TCVN 6213: 2004, NK thiên nhiên là nước có hàm lượng một số muối khoáng nhất định, các nguyên tố vi lượng hoặc các thành phần khác. NK được lấy trực tiếp từ nguồn thiên nhiên hoặc giếng khoan từ các mạch NK ngầm được bảo vệ thích hợp để không bị ô nhiễm hoặc ảnh hưởng đến chất lượng, được đóng chai gần nguồn với các hệ thống đường dẫn khép kín đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh nghiêm ngặt.

Còn theo TCVN 6096: 2004, nước uống đóng chai có thể có chứa khoáng chất và CO2 tự nhiên hoặc bổ sung, nhưng không phải là NK thiên nhiên và không được chứa đường, các chất tạo ngọt, các chất tạo hương hoặc bất kỳ loại thực phẩm nào khác. Nước uống đóng chai phải dán nhãn sản phẩm ghi rõ tên gọi là “Nước uống” kết hợp với tên gọi thương mại hoặc địa danh của nguồn nước.

Theo đánh giá từ Khoa Vệ sinh an toàn, Viện Dinh dưỡng quốc gia, NK chỉ dùng cho người thiếu khoáng chất. Mỗi loại NK cũng chỉ cung cấp một số loại chất khoáng nhất định, chứ không phải toàn bộ các chất khoáng mà cơ thể cần như nhiều DN sản xuất NK quảng cáo. Vì thế, sử dụng NK lâu dài cũng không tốt, thậm chí còn nguy hiểm đối với một số trường hợp nhất định (thừa chất khoáng này nhưng lại thiếu chất khoáng khác).

Uống NK trong một thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của thận. Quyết định 1626 ban hành năm 1997 của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường về NK thiên nhiên đóng chai không giới hạn về hàm lượng chất rắn hòa tan (DTS) tối đa và tối thiểu. Điều này dẫn đến hiện tượng sản phẩm có hàm lượng khoáng quá cao không được cảnh báo, không có hướng dẫn cụ thể trên nhãn cho người tiêu dùng. Người tiêu dùng khó mà biết được khoáng cao hay khoáng thấp thì có tác dụng như thế nào. Vì vậy, nguy cơ nhiễm bệnh vẫn có thể xảy ra.

Trong khi đó, theo đánh giá của TS. Hoàng Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thuộc Viện Dinh dưỡng quốc gia, nước uống tinh khiết đang được bán nhiều trên thị trường chỉ là nước được lọc nhiều lần. Công nghệ sản xuất NTK hiện nay (công nghệ thẩm thấu ngược (RO), hoặc trao đổi ion (IE) đã lọc đi các khoáng chất. Vì vậy, NTK chỉ đảm bảo về mặt vệ sinh chứ không tốt về mặt sức khỏe.

Đặc biệt, nếu dùng NTK quá nhiều, nhất là trong thời gian dài, cơ thể sẽ thiếu khoáng chất và sinh bệnh thiếu vi chất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bài 2: Chia năm hay lại phân hai?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO