Ba mươi năm chậm lớn, doanh nghiệp tư nhân Việt bé nhỏ nhất Đông Nam Á

Trần Thủy| 25/12/2019 08:00

Môi trường kinh doanh không minh bạch, bị phân biệt đối xử, chi phí ngoài luồng cao, khó đoán về thay đổi chính sách... khiến doanh nghiệp (DN) tư nhân Việt Nam hơn 30 năm qua không lớn được, thậm chí quy mô ngày càng nhỏ để tránh rủi ro.

Ba mươi năm chậm lớn, doanh nghiệp tư nhân Việt bé nhỏ nhất Đông Nam Á

Các DN cho hay vẫn gặp phải tình trạng phân biệt đối xử.

Lớn Việt Nam, bé khu vực

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tại Hội nghị Thủ tướng với DN năm 2019, Việt Nam có khoảng 17.000 DN tư nhân quy mô lớn và 21.000 DN quy mô vừa. Con số này quá khiêm tốn so với tổng số 750.000 DN và quy mô nền kinh tế hiện nay.

Đáng chú ý, mặc dù được xếp hạng là DN lớn nhưng quy mô trung bình còn rất nhỏ bé so với các quốc gia trong khu vực. Các DN tư nhân lớn ở Việt Nam chỉ có quy mô vốn hóa trung bình 186 triệu USD năm 2018, trong khi mức trung bình của các DN tại Philippines là 1,2 tỷ USD, Singapore 1,07 tỷ USD, Thái Lan 835 triệu USD, Indonesia 809 triệu USD và Malaysia là 553 triệu USD. Cũng theo Bộ KH-ĐT, thời gian qua, số lượng các DN tư nhân từ nhỏ vươn lên quy mô vừa và từ quy mô vừa lên quy mô lớn tại Việt Nam rất thấp.

Trong khi đó, theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có sự sụt giảm khá mạnh mẽ của DN quy mô vừa và lớn trong giai đoạn 5 năm gần đây. Điều này đã đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế của những DN quy mô nhỏ và siêu nhỏ, với tỷ lệ xấp xỉ 96%. Trong đó, các DN siêu nhỏ chiếm đa số, tới gần 67%.

Gần đây, các DN tư nhân của Việt Nam, dù gia tăng về số lượng thành lập nhưng lại nhỏ đi đáng kể về quy mô vốn và lao động trung bình. Một DN tư nhân điển hình hiện nay có chưa đến 20 nhân viên và 1,2 tỷ đồng (54.000 USD) vốn đầu tư cố định. Câu chuyện DN tư nhân Việt Nam “không chịu lớn” được biết đến từ thời điểm 2009, qua điều tra khảo sát của các cơ quan chức năng. Vậy nhưng, sau 10 năm, tình trạng này vẫn không được cải thiện.  

Link bài viết

Không chỉ nhỏ bé về quy mô, năng lực khoa học công nghệ của các DN tư nhân Việt Nam cũng rất hạn chế, máy móc thiết bị đa phần lạc hậu. Thống kê cho thấy, hơn 50% DN tư nhân vay vốn ngân hàng, chủ yếu để trang trải hoạt động, ít đầu tư cho đổi mới sáng tạo, thiết bị máy móc hay công nghệ. Nguồn vốn đầu tư cho đổi mới công nghệ rất thấp, khoảng 0,2-0,3% tổng doanh thu.

Cùng với đó, nguồn nhân lực của DN tư nhân cũng rất yếu kém. Theo một kết quả điều tra của VCCI, có tới 55,63% số chủ DN nhỏ và vừa hiện nay có trình độ học vấn từ trung cấp trở xuống, trong đó 43,3% chủ DN có trình độ học vấn từ sơ cấp và phổ thông các cấp. Vì vậy, việc nắm bắt cơ hội, những cải cách đều không cao và ít hướng tầm nhìn đúng cho sự phát triển đi lên của DN. Còn lực lượng lao động, có tới 75% chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật.

Chính vì vậy, các DN tư nhân có năng lực cạnh tranh thấp, khả năng liên kết yếu. Hiện tại, chỉ có 15% DN tư nhân bán hàng hóa, dịch vụ cho DN nước ngoài tại Việt Nam, 8,4% xuất khẩu sản phẩm trực tiếp và 7,4% xuất khẩu gián tiếp thông qua việc bán hàng cho bên thứ ba.

Lớn thêm nặng gánh

Vào thời điểm lẽ ra các ngành sản xuất cần củng cố và các DN Việt Nam cần phát triển vững mạnh để có thể cạnh tranh trên trường quốc tế, thì các DN tư nhân lại đang nhỏ đi, cả về quy mô đầu tư và lao động.

Giới chuyên môn nhận định, DN tư nhân “không chịu lớn”, thậm chí nhỏ đi, là do môi trường kinh doanh tại Việt Nam vẫn thiếu thuận lợi. TS. Nguyễn Hồng Sơn, Đại học Kinh tế (ĐH QGHN) kể: "Chúng tôi có dịp trao đổi với 1 hộ gia đình nuôi lợn có liên kết với hộ kinh doanh ở Thái Lan. Hộ bên Thái Lan cung cấp vốn, giống, còn hộ ở Việt Nam có nhiệm vụ xin phép xây dựng chuồng trại, dịch tễ... Mô hình phát triển khá tốt, phía Thái Lan mong muốn để hộ Việt Nam nâng cấp mô hình này lên. Tuy nhiên, sau khi bàn bạc và xem xét kỹ, họ quyết định không làm nữa vì phát sinh quá nhiều chi phí không chính thức".

Theo ông Sơn, các rào cản liên quan đến môi trường đầu tư và kinh doanh phải nhắc đến là thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ pháp luật, tiếp cận thông tin và các nguồn lực về vốn, đất đai, chi phí không chính thức và đặc biệt là sự phân biệt đối xử. Mặc dù thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có những cải cách tích cực, nhưng thực tế cho thấy vẫn còn khoảng cách lớn giữa quy định và thực thi, ông Sơn nhận xét.

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI, qua khảo sát, lúc khởi nghiệp chủ DN nào cũng tràn đầy kỳ vọng về tương lai. Tuy nhiên, khi đi vào sản xuất kinh doanh, do vấp phải những vấn đề trên nên rất nhiều DN nản lòng.

Chẳng hạn, khảo sát gần đây của VCCI cho thấy, hơn 40% DN tham gia khảo sát phải đi lại nhiều lần để làm thủ tục hành chính. Hơn 58% số DN vẫn gặp nhũng nhiễu. Còn 48%, tương đương với gần 350.000 DN, vẫn phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện. Cho dù những tỷ lệ trên đã giảm so với 2017 nhưng vẫn còn rất cao, theo nhận định của VCCI.

Hoạt động thanh, kiểm tra thuế vẫn chưa được cải thiện nhiều, vẫn có 33% DN được hỏi cho rằng, cán bộ suy diễn bất lợi cho họ và 30% DN được khảo sát cho biết tồn tại chi phí không chính thức khi thanh kiểm tra thuế.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung cũng chỉ ra rằng, một trong những điểm đang “trói” DN hiện nay chính là khả năng khó tiên đoán về sự thay đổi và thực thi chính sách pháp luật kinh doanh. Điều này dẫn đến thực tế là quyền tự do kinh doanh có cải thiện nhưng an toàn của DN thì chưa. Do vậy, ứng xử về đầu tư vẫn thiên về ngắn hạn, nhỏ lẻ và không thể mang tính chiến lược dài hạn.

Như vậy, sau hơn 30 năm đổi mới, chúng ta vẫn chưa có được một thế hệ các DN ngang tầm thế giới. Đây là một trong những thách thức lớn đối với Việt Nam hiện nay.

(Theo Vietnamnet)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ba mươi năm chậm lớn, doanh nghiệp tư nhân Việt bé nhỏ nhất Đông Nam Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO