Ảm đạm kinh tế tư nhân

TS. NGUYỄN ĐÌNH CUNG - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - HẢI VÂN ghi| 12/11/2014 07:20

Ở hầu hết các nền kinh tế phát triển trên thế giới, khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò quyết định. Việt Nam cũng đang hướng tới các mô hình kinh tế như Malaysia, cao hơn nữa là Hàn Quốc.

Ảm đạm kinh tế tư nhân

Ở hầu hết các nền kinh tế phát triển trên thế giới, khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò quyết định. Việt Nam cũng đang hướng tới các mô hình kinh tế như Malaysia, cao hơn nữa là Hàn Quốc.

Đọc E-paper

Muốn vậy, khu vực kinh tế tư nhân phải đóng vai trò quyết định, phải lớn mạnh, phải có đủ năng lực cạnh tranh. Chỉ khi đó, kinh tế Việt Nam mới bứt lên được. Vấn đề đặt ra, tại sao doanh nghiệp (DN) tư nhân Việt Nam chưa lớn lên được và chưa thể lớn lên được?

DN tư nhân chưa lớn lên được là do có vấn đề về nền tảng.

Hai năm qua, "Kết quả điều tra doanh nghiệp vừa và nhỏ” đều cho thấy, môi trường kinh doanh tác động trực tiếp đến DN tư nhân, thật sự ảm đạm. Điều này thể hiện rõ trên các chỉ tiêu: Một là số DN rút khỏi thị trường với tỷ lệ lớn hơn trước, đặc biệt là những DN có đăng ký kinh doanh.

Hai là quy mô của DN giảm dần. Ba là số lao động làm việc trong các DN lớn cũng giảm. Số DN đáng lẽ chuyển sang chính thức thì có xu hướng ngược lại, chuyển từ đã đăng ký sang hoạt động phi chính thức. Tình hình phát triển của DN có xu hướng xấu hơn trước. Số DN đều giảm so với trước, giảm về số lượng, quy mô, năng suất.

DN tư nhân của Việt Nam chưa lớn lên được còn bởi thể chế. Nếu nhìn vào thể chế, nhìn vào môi trường kinh doanh, việc kinh doanh của DN có rủi ro cao hơn, chi phí kinh doanh cao hơn và những xu hướng gần đây về giấy phép, điều kiện gia nhập thị trường cũng cao hơn.

Từ đó, tinh thần kinh doanh của doanh nhân có sự sụt giảm. Các yếu tố nội tại của DN, môi trường kinh doanh chưa được cải thiện nhiều, bối cảnh suy thoái kinh tế, tất cả những điều đó hợp lại cùng một thời điểm làm cho tinh thần kinh doanh không còn hào hứng như trước.

DN tư nhân chưa lớn lên được chừng nào còn hoạt động phi chính thức, chừng nào nền kinh tế chưa phải là một nền kinh tế thị trường, hay một nền kinh tế thị trường méo mó.

Nhưng điều đó không phải vì DN mà vì thể chế, vì chính sách, vì cách thức thực hiện chính sách...

DN muốn lớn nhưng sợ lớn, vì thế chưa thể lớn được.

Hai năm qua đã có nhiều thách thức đối với DN. Những thách thức này phản ánh hai vấn đề lớn: Làm thế nào để cải thiện hoạt động của DN và làm thế nào để gia nhập vào nền kinh tế thế giới bằng việc cân đối giữa phát triển, đổi mới và duy trì kinh doanh.

Một điểm quan trọng nữa là làm sao thúc đẩy được tinh thần kinh doanh, làm sao khơi dậy sự hồ hởi trong kinh doanh, tạo được sự năng động, sáng tạo trong kinh doanh như những năm 2000, thời điểm bùng nổ kinh tế tư nhân.

Khi đó, người ta bàn đến cơ hội kinh doanh ở bất cứ đâu, không như bây giờ, đi đâu người ta cũng nói đến những rủi ro, chi phí, rào cản mà thể chế tạo ra.

Giải quyết hệ lụy đó, đòi hỏi phải thay đổi về mặt thể chế liên quan đến kinh doanh của DN. Nhưng quan trọng hơn là sự thay đổi trong bộ máy nhà nước phục vụ người dân và DN, phải giảm bớt hoặc không dùng những từ "quản", "kiểm", mà thay vào đó là "thúc đẩy", "hỗ trợ", "khuyến khích". Cần thay đổi tư duy trong quản lý kinh doanh để thúc đẩy làn sóng kinh doanh mới nảy nở.

Việc thiết lập nền tảng kinh doanh đòi hỏi những thay đổi hết sức lớn lao, nhưng tại thời điểm này, điều đáng lo ngại là có đủ năng lực vượt qua không.

Bên cạnh đó, hội nhập kinh tế đã kéo theo những lo ngại khác, với vị thế của khu vực kinh tế tư nhân đang yếu như hiện nay, những cơ hội tạo được bằng các hiệp định kinh tế có đến với DN tư nhân không, hay lại tạo cơ hội cho đầu tư nước ngoài vào Việt Nam? Nếu mở cửa như thế thì chưa thành công.

Hiến pháp năm 2013 đã tạo ra một nền tảng vững chắc, đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân. Quốc hội đã và sẽ ban hành một loạt luật theo xu hướng giảm chi phí, giảm rủi ro, tạo thuận lợi cho người dân kinh doanh.

Luật Đầu tư cũng thể hiện tinh thần tự do kinh doanh, DN thực sự được quyền tự do kinh doanh những lĩnh vực pháp luật không cấm thay vì hiện nay chỉ được kinh doanh các ngành nghề đã đăng ký.

Vừa rồi, Nghị quyết số 19 của Chính phủ cũng đặt ra hàng loạt giải pháp theo tiêu chí của Ngân hàng Thế giới, đó là giảm chi phí, giảm rủi ro cho DN. Với cách thức như thế, sự thay đổi từ chính sách kết hợp với sự thay đổi của những cơ quan quản lý nhà nước thừa hành những chính sách, hi vọng DN tư nhân sẽ phát triển trở lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ảm đạm kinh tế tư nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO