Alô! Dừa khô lên giá!

09/11/2010 08:25

Thời xưa, dân miệt vườn hay rao: "Alô! Alô... Dừa khô lên giá, ai có má đi đổi dừa khô!”. Giờ đây, giá dừa khô nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long tăng cao đến mức các thương lái mềm mỏng chưa từng có, dễ dàng ứng trước như chưa từng làm... để giữ mối vì sợ giá sẽ tăng cao hơn nữa.

Alô! Dừa khô lên giá!

Thời xưa, dân miệt vườn hay rao: "Alô! Alô... Dừa khô lên giá, ai có má đi đổi dừa khô!”. Giờ đây, giá dừa khô nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long tăng cao đến mức các thương lái mềm mỏng chưa từng có, dễ dàng ứng trước như chưa từng làm... để giữ mối vì sợ giá sẽ tăng cao hơn nữa.

Thương lái đến tận vườn

Dừa tươi nay có giá 5.000-6.000đ/ trái. Ảnh: Hoàng Lan

Ở Trà Vinh, tại huyện Càng Long, Tiểu Cần, Cầu Kè, giá dừa trái lên đến đỉnh 70.000 đồng/chục (12 trái), mức cao nhất từ trước đến nay. Tại Bến Tre, thương lái mua dừa khô với giá 70.000 - 80.000 đồng/chục (12 trái). Giá dừa khô tăng, kéo giá dừa tươi tăng theo. Ông Trần Văn Hòa, đầu mối cung cấp dừa tươi ơ huyện Bình Minh cho biết: “Giá dừa tươi đã lên đến 5.000 – 6.000 đồng/trái”.

Với giá dừa như hiện nay, mỗi ha dừa cho nhà vườn 27.000 – 30.000trái/năm, tổng thu nhập khoảng 160 – 180 triệu đồng/năm, ổn định và cao hơn nhiều so với trồng lúa. Cuối năm 2009, Bến Tre đã tăng diện tích trồng dừa từ 45.000 ha lên 51.000 ha. Hơn 40.500 ha dừa trong số này đang cho trái, sản lượng thu hoạch hơn 324 triệu trái/năm, tăng 13,8% so với cùng thời điểm năm 2009. Nông dân tận dụng đất đai, trồng xen, nuôi xen trong vườn dừa, đạt hiệu quả khá cao, đặc biệt là trồng xen cây ca cao. Dân Bến Tre khẳng định: “Từ cây dừa, không có gì bỏ đi”.

Không có gì từ cây dừa là bỏ đi cả. Ảnh: Hoàng Lan

Mỗi năm các hàng quán tiêu thụ trên 200 triệu trái dừa tươi làm nước giải khát. Nhiều tàu hàng từ Trung Quốc sang mua dừa trái. Bến Tre tự suy nghĩ và là hình mẫu về việc tự lực hình thành mạng lưới chế biến, nâng cao chuỗi giá trị từ cây cho tới mụn dừa. Dừa khô làm ra cơm dừa nạo sấy, dầu dừa, kẹo dừa, thạch dừa, chỉ xơ dừa, thảm xơ dừa, vỏ dừa cắt lát, mụn dừa, than thiêu kết, than hoạt tính. Khoảng 100 sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ từ cây dừa, trái dừa, gáo dừa, cọng dừa, mụn dừa làm đất sạch... xuất khẩu sang nhiều quốc gia.

“Trồng dừa bây giờ sướng lắm, thương lái đưa ghe đến tận vườn, tự thu hoạch; nhà vườn chỉ cần xem, đếm và tính tiền”, một chủ nhà vườn ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, nói. 80% dừa trái mua trong vùng được bán sang Bến Tre để các đầu mối xuất khẩu hoặc chế biến cơm dừa, tơ xơ dừa, chỉ xơ dừa, than gáo dừa, than hoạt tính... theo hợp đồng đã ký năm 2010.

Nếu chỉ bán dừa trái sang Trung Quốc, sẽ không có những sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa như thế này. Ảnh: Hoàng Lan

Các cơ sở chế biến bánh kẹo có liên quan đến sử dụng dừa tập trung sản xuất phục vụ tết Tân Mão năm 2011 hoặc bán sang Campuchia, Trung Quốc. Hàng thủ công mỹ nghệ, chỉ, tơ xơ dừa, than hoạt tính và đặc biệt bánh kẹo, mứt dừa Bến Tre được tiêu thụ mạnh ở thị trường Trung Quốc. Các thương nhân dự báo thị trường trên 1,5 tỉ người này có sức hút rất lớn nên giá dừa có thể trên 80.000 đồng/chục vào những tháng cuối năm, khi các thương lái đẩy cuộc tranh mua nguồn nguyên liệu lên mức cao hơn.

"Nâng cấp" cho dừa

Ghe mua xơ dừa mang đi chế biến xuất khẩu. Ảnh: Hoàng Lan

Bến Tre có duy nhất một thạc sĩ “dừa”, số người chuyên nghiên cứu về cây trồng này chưa nhiều lắm.

Trà Vinh đứng thứ hai sau Bến Tre về diện tích trồng và sản lượng, với trên 13.500ha (tương đương 2,7 triệu cây dừa), sản lượng hàng năm khoảng 143,75 triệu trái. Đặc biệt, giá dừa tăng thì nhiều vườn dừa bỏ phí trước đây không chỉ ở Trà Vinh mà ở các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn của tỉnh Vĩnh Long cũng dần được phục hồi,. Nhiểu chủ những vườn dừa còn xen canh cả cây cacao.

Trồng dừa có thể thu hoạch quanh năm, mỗi đợt cách nhau từ 1 - 1,5 tháng. Hiện nay, nông dân các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh đang tự “nâng cấp” năng lực cạnh tranh bằng cách trồng nhiều giống dừa có năng suất, chất lượng cao như dừa xiêm dứa, dừa xiêm đỏ chịu được phèn, mặn, cho trái có nước ngọt, vị thơm đặc trưng, phục vụ giải khát, được thị trường ưa chuộng với giá cao gấp 2 – 3 lần giống dừa thường.

Đặc biệt, giống dừa sáp Cầu Kè, Trà Vinh có giá bán lên đến 140.000đồng/trái. Ngành nông nghiệp tỉnh này đang nghiên cứu phục tráng, nhân rộng diện tích trồng loại đặc sản này. Được biết, một nhóm chuyên gia thuộc trường đại học Conodai - Tokyo (Nhật) đang phối hợp với trường đại học Cần Thơ nghiên cứu phát triển dừa sáp thành nguyên liệu làm dầu sinh học trong khuôn khổ chương trình phát triển năng lượng tái tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Alô! Dừa khô lên giá!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO