8 giải pháp nâng cao năng suất lao động

DUY KHÁNH| 01/11/2018 06:33

Tại buổi thảo luận về kinh tế - xã hội của kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV ngày 27/10, đại biểu Quốc hội, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã phát biểu sâu về giải pháp để tăng năng suất lao động.

8 giải pháp nâng cao năng suất lao động

Ông Nguyễn Thiện Nhân phân tích, năng suất lao động của Việt Nam năm 2017 là 4.019 USD, thấp hơn so với Thái Lan (11.633 USD) 3 lần. Trong khi đó, năng suất của Malaysia gấp Việt Nam 5 lần, năng suất của Hàn Quốc gấp 14 lần, Nhật Bản gấp 18 lần và Singapore gấp 25 lần. Nhiều ý kiến cho rằng sau hơn 40 năm đổi mới mà năng suất lao động của Việt Nam bằng 34% của Thái Lan là quá thấp.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, năng suất lao động có 2 loại thước đo là năng suất lao động kỹ thuật và năng suất lao động kinh tế. Năng suất lao động kỹ thuật đo bằng giá trị hiện vật, bằng sản phẩm do một người lao động tạo ra trong một giờ (chẳng hạn số áo một người công nhân may được trong một giờ, số mét vuông tường công nhân xây trong một giờ và số điện thoại di động công nhân lắp ráp được trong một giờ hay số lúa thu hoạch trong một hecta sau một vụ, số kg rơm/m2 trong một vụ).

Năng suất lao động kỹ thuật phụ thuộc vào trình độ công nghệ và thiết bị máy móc được ứng dụng, phụ thuộc vào chất lượng vật tư, trình độ lao động, phương pháp trả lương, chất lượng quản lý. Trong đó yếu tố quyết định của năng suất lao động kỹ thuật chính là trình độ công nghệ của thiết bị và khả năng của người lao động sử dụng thiết bị.

Link bài viết

Còn năng suất kinh tế đo bằng giá trị gia tăng một lao động tạo ra và nó bằng năng suất kỹ thuật nhân với giá bán một sản phẩm trừ chi phí làm ra sản phẩm, không kể chi phí lao động. "Khác với năng suất lao động kỹ thuật, năng suất lao động kinh tế còn có yếu tố thị trường, đó là giá bán sản phẩm và chi phí làm ra sản phẩm, không kể chi phí lao động", ông Nguyễn Thiện Nhân phân tích.

Từ những phân tích đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị, để xử lý bài toán năng suất ở Việt Nam, cần quan tâm đến 8 nhóm yếu tố:

Thứ nhất, nâng cao trình độ công nghệ của sản xuất bởi năng suất lao động tỷ lệ thuận trực tiếp với vốn của xã hội trên lao động. Nói cách khác, đầu tư xã hội trên một lao động bao nhiêu thì năng suất lao động cũng tương thích bấy nhiêu.

Thứ hai, cần xác định mô hình sản xuất phù hợp, phải chuyển sang cơ chế thị trường. Nhưng trong nông nghiệp, hộ sản xuất cá thể vẫn còn đa số, điều đó không cho phép năng suất kinh tế cao, phải chuyển sang mô hình tập thể, hợp tác xã.

Thứ ba, phải đồng bộ 3 khâu sản xuất, đó là thiết kế sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu.

Thứ tư, thị trường tín dụng phải đủ mạnh, phù hợp với các loại hình doanh nghiệp để phục vụ nhu cầu tăng vốn.

Thứ năm, quan tâm đến thị trường sản phẩm cả trong lẫn ngoài nước, từ đó kích cầu tiêu dùng trong nước.

Thứ sáu, nâng cao trình độ người lao động.

Thứ bảy, đầu tư nghiên cứu khoa học một cách xứng đáng.

Thứ tám, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, công khai, minh bạch, nghe dân, vì dân. Một thống kê cho thấy, không cần tăng đầu tư nhưng nếu chính quyền minh bạch sẽ giúp doanh nghiệp quyết định đầu tư nhanh hơn, hiệu quả hơn và GDP có thể tăng thêm 0,5 - 1,5 %.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
8 giải pháp nâng cao năng suất lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO