Xét lại tư bản

LAM HỒNG| 28/09/2011 06:47

Luật thuế Buffett” đánh vào người giàu đang chia rẽ xã hội Mỹ. Không phải chia rẽ về chính kiến, mà là sự chia rẽ có tính giai cấp khi phúc lợi của xã hội buộc phải chia lại một cách công bằng hơn.

Xét lại tư bản

“Luật thuế Buffett” đánh vào người giàu đang chia rẽ xã hội Mỹ. Không phải chia rẽ về chính kiến, mà là sự chia rẽ có tính giai cấp khi phúc lợi của xã hội buộc phải chia lại một cách công bằng hơn.

Chia rẽ giai cấp

Tổng thống Obama lựa chọn chính sách dân túy cho vòng bầu cử sắp tới

Nền kinh tế trì trệ của Hoa Kỳ có vẻ như không ảnh hưởng tới những người Mỹ giàu nhất, vì thu nhập của thành phần này tăng 12% trong năm ngoái.

Theo danh sách của Forbes, năm nay, Bill Gates, người sáng lập công ty Microsoft, vẫn là người giàu nhất nước Mỹ trong 18 năm liên tiếp.

Tài sản của Bill Gates ước tính khoảng 59 tỷ USD, dễ dàng vượt qua người đứng nhì là nhà đầu tư Warren Buffett, có 39 tỷ USD. Theo Forbes, hơn một nửa số mất đi của Buffett được chuyển cho các tổ chức từ thiện.

Cũng chính Warren Buffett đã làm bùng lên cuộc tranh luận về giàu - nghèo và giai cấp trong xã hội Mỹ.

Tỷ phú này đã kêu gọi chính phủ tăng thuế đối với những thành phần “siêu giàu”, nhằm mục đích cắt giảm thâm hụt ngân sách cũng như nợ nần của chính phủ.

Trong một bài viết trên tờ New York Times, ông Buffett cho rằng những người Hoa Kỳ giàu có nhất “đã được một Quốc hội thân thiện với các tỷ phú nuông chiều trong một thời gian đủ lâu rồi”.

Lời kêu gọi này được Tổng thống Mỹ Obama ủng hộ bằng một kế hoạch tăng thuế mang tên “Luật thuế Buffett” trị giá 1,5 ngàn tỷ USD nhắm vào giới nhà giàu để làm giảm món nợ quốc gia quá lớn của Mỹ.

Theo các nhà phân tích, kế hoạch này phù hợp với chính sách dân túy mà ông Obama theo đuổi, đặc biệt trước thời điểm cuộc chạy đua chiếc ghế Tổng thống chuẩn bị khởi động.

Tuy nhiên, “Luật thuế Buffet” đã bị phe Cộng hòa phản đối kịch liệt. Thượng nghị sĩ bang Nam Carolina thuộc đảng Cộng hòa, Lindsey Graham, đã coi “Luật thuế Buffet” là “cuộc chiến giai cấp” và điều này sẽ làm cho chính trị tốt hơn nhưng làm cho kinh tế tồi tệ thêm.

Theo Thượng nghị sĩ Graham, ông Obama đưa ra các kế hoạch được cho là mang tính dân túy trong bối cảnh uy tín của ông Obama đang xuống thấp.

Trong khi đó, ông Paul Ryan, Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ viện Mỹ và ông Mitch McConnell, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ cho rằng, những đề xuất mới của ông Obama sẽ làm hạn chế tăng trưởng và tổn thương đến đầu tư trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang trì trệ hiện nay.

Những người ủng hộ kế hoạch thì cho rằng, chính việc không chịu tăng thuế cho người giàu mới là cuộc chiến giai cấp, vì phe Cộng hòa chỉ bảo vệ quyền lợi của người giàu mà quên đi những người trung lưu và nghèo trong xã hội, những người trực tiếp góp phần tạo ra giá trị thặng dư cho giới tư bản.

Tìm nền tảng cho xã hội văn minh

Với quá nhiều tranh cãi, kế hoạch mới của ông Obama sẽ đối mặt với không ít rào cản khi được trình lên Quốc hội. Bởi vì, hiện nay Cộng Hòa đang nắm Hạ Viện và luôn chủ trương không tăng thuế, họ cho là cần phải cắt giảm chi tiêu của chính phủ trước đã.

Theo khảo sát của Hãng ABC News và báo Washington Post hồi tháng 7, khoảng 72% người được hỏi ủng hộ việc nâng mức thuế lên những người có thu nhập trên 250.000 USD/năm để giúp giảm thâm hụt ngân sách.

Theo số liệu của chính Sở Thuế IRS, số chiếm 1% kiếm tiền nhiều nhất chỉ đóng góp có 38% của tất cả tổng số thuế lợi tức liên bang, so với con số hơn 40% của họ từ năm 2007.

Trong 12 tháng qua, tổng tài sản của toàn bộ thành viên Câu lạc bộ Forbes 400 đã tăng 12%, lên tới 1.530 tỉ USD. Ngược lại, theo điều tra mới đây của Cục Dân số Mỹ, số người nghèo Mỹ (thu nhập dưới 30 USD/ngày) đã tăng lên mức kỷ lục 46,2 triệu người.

“Việc nói rằng giới nhà giàu đã tận dụng lợi thế chính trị và không đóng phần thuế công bằng không phải là gây xung đột giai cấp. Đó là sự thật”, nhà kinh tế đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz nhấn mạnh đến các lỗ hổng trong luật thuế Mỹ tạo điều kiện cho giới nhà giàu đóng thuế không tự nhiên xuất hiện, mà là kết quả của những khoản “đầu tư chính trị” giới tư bản.

Cuộc tranh cãi tại nền tư bản lớn nhất hành tinh một lần nữa khuấy động những tranh cãi khác về bản chất của nền tư bản đang tồn tại trên thế giới.

“Ngay cả trong thời kỳ phát triển nhất, tức là từ đầu những năm 1980 đến năm 2007, chủ nghĩa tư bản không bị nhà nước điều tiết kiểu Mỹ cũng chỉ mang đến sự thịnh vượng cho những người giàu có nhất trong những nước giàu có nhất trên thế giới mà thôi.

Trên thực tế, trong giai đoạn này phần lớn người dân Mỹ đều thấy rằng thu nhập của họ đã giảm đi từng năm hay là dẫm chân tại chỗ.

Khi phần lớn thu nhập quốc gia rơi vào túi một số ít người thì sự phát triển chỉ có thể tiếp tục bằng cách bơm tiền cho người ta chi tiêu và tạo ra một núi nợ nần”, GS. Stiglitz nhận định trong cuốn Cuộc khủng hoảng tư tưởng của chủ nghĩa tư bản phương Tây.

GS. Tim Jackson, tác giả cuốn Giàu có không bao hàm tăng trưởng Kinh tế cho một hành tinh có hạn chế, cũng cho rằng chủ nghĩa tư bản đang lung lay vì không tạo ra những giá trị bền vững.

Chủ nghĩa tư bản phương Tây được cấu trúc dựa trên tăng trưởng để đảm bảo ổn định. Khi tăng trưởng bị chững lại - như xảy ra gần đây - các chính khách bị hoang mang. Các doanh nghiệp chật vật tồn tại.

Mọi người mất việc, và đôi khi mất cả nhà nữa. Vòng xoáy suy thoái hé lộ dần. “Tăng trưởng đã chẳng giúp được gì cho hai tỷ người chỉ sống với dưới hai đôla một ngày. Nó đã làm đổ vỡ hệ sinh thái mong manh mà ta vẫn phụ thuộc vào để tồn tại.

Tạo của cải cho số ít cá nhân, dựa trên sự phá hủy sinh thái và sự bất công xã hội triền miên, không thể là nền tảng cho một xã hội văn minh”, GS. Tim Jackson cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xét lại tư bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO