Xe hơi Mỹ đặt cược vào Trung Quốc

THÁI BẢO| 28/06/2017 05:07

Ford và Tesla là hai công ty mới nhất đẩy mạnh việc chuyển địa điểm sản xuất sang Trung Quốc, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết nói "không" với Mexico.

Xe hơi Mỹ đặt cược vào Trung Quốc

Ford và Tesla là hai công ty mới nhất đẩy mạnh việc chuyển địa điểm sản xuất sang Trung Quốc, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết nói "không" với Mexico. 

Đọc E-paper

Hôm 20/6, hãng Ford tuyên bố chuyển các dòng xe nhỏ Focus sang sản xuất tại Trung Quốc. Hãng tin Reuters cho biết số lượng sản xuất tại Trung Quốc sẽ đem nhập khẩu ngược lại Mỹ, và nhận xét đó là một ván cược dài hạn dựa trên giá dầu thấp và mối quan hệ thương mại song phương có vẻ ổn định giữa Mỹ và Trung Quốc.

Lối thoát ở thiên đường?

Về cơ bản, việc Ford hay Tesla chuyển hướng sản xuất sang Trung Quốc là điều không khó hiểu, xét cả mặt chính sách lẫn yếu tố kinh tế đơn thuần.

Hãng tin Reuters cho biết Ford đã vạch ra kế hoạch rõ ràng về việc chuyển các nhà máy sản xuất của họ từ Mexico sang Trung Quốc, dự kiến vào giữa năm 2019. Về mặt tài chính, nó sẽ giúp hãng xe Mỹ tiết kiệm 500 triệu USD nhờ vào việc giảm chi phí sản xuất. Và dù là kẻ đến sau so với General Motors, song Ford cũng kỳ vọng tăng trưởng tại thị trường Trung Quốc với 80.000 chiếc năm nay, bao gồm những dòng xe sang như Navigator - sản xuất tại nhà máy ở bang Kentucky.

Quyết định chuyển hướng sang Trung Quốc cũng là dấu ấn lớn đầu tiên về mặt đầu tư sản xuất mà tân Giám đốc điều hành Jim Hackett đưa ra. Ông Hackett được cho cũng nối tiếp các quyết định đã có từ "vài tháng trước" của người tiền nhiệm Mark Fields, trong đó bao gồm thực tế rằng nhu cầu mua xe nhỏ như Focus tại Mỹ đang giảm, trong khi doanh số các dòng xe tải và xe thể thao đa dụng (SUV) tăng.

Trong một động thái sau đó, hãng Tesla của tỷ phú Elon Musk cũng cho biết đang đàm phán với phía Trung Quốc để mở nhà máy sản xuất tại thành phố Thượng Hải.

Tesla là nhà sản xuất xe điện hàng đầu thế giới, và Trung Quốc lại đang là thị trường bùng nổ xe điện và năng lượng thay thế, phù hợp với mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và bảo vệ môi trường của chính phủ.

Trước đây, các hãng xe Mỹ phục vụ trong nước và thị trường Bắc Mỹ chủ yếu đặt nhà máy tại Mexico. Nhưng chính quyền Tổng thống Trump hiện nay có quan hệ xấu với Mexico, dẫn tới việc những nhà máy tại nước này buộc phải tìm địa điểm mới. Trung Quốc với quy mô thị trường to lớn và nhân công giá rẻ, có vẻ là lựa chọn không thể phù hợp hơn.

>>CEO Tesla rút khỏi hội đồng cố vấn của Tổng thống Trump

Đòn bẩy cho Trung Quốc

Trung Quốc vẫn là địa điểm sản xuất xe hơi hàng đầu thế giới, với số lượng sản xuất mỗi năm bằng cả Nhật Bản lẫn Mỹ cộng lại, theo The New York Times. Nhưng thực tế, bất chấp nỗ lực cải tiến công nghệ và nội địa hóa, thương hiệu hàng đầu Trung Quốc như Buick, cũng không thể đủ tiêu chuẩn tiếp cận thị trường Mỹ.

Cuộc chơi sẽ khác khi Ford và Tesla nhúng tay vào, vì giờ đây viễn cảnh về một chiếc xe hoàn toàn "Made in China" xuất khẩu ngược trở lại Mỹ không còn xa.

Chính quyền của Tổng thống Trump tuần trước từ chối bình luận về chi tiết này. Đơn giản vì Ford và Tesla sẽ bị xem là đi ngược lại mong muốn của ông Trump, tức không đặt nhà máy ở Mỹ - vì vậy không tạo ra việc làm, mặc dù phía Ford vẫn tiến hành nhà máy 900 triệu USD ở Kentucky, còn Tesla chưa đưa ra chi tiết cho kế hoạch xâm nhập Trung Quốc.

Ông Trump, nếu vậy càng có lý do để chỉ trích sự mất cân bằng thương mại với Trung Quốc, bởi có thể sắp tới người Mỹ phải nhập khẩu những chiếc xe mang thương hiệu của chính mình từ Đông Á.

Xa hơn nữa, Ford đang tiếp thêm động lực cải thiện giá trị chuỗi sản xuất mà Trung Quốc hướng tới. Nước này vẫn có thế mạnh là nhân công và các chi tiết kỹ thuật giá thành thấp, nhưng việc hoàn thiện một sản phẩm thì chất lượng không cao.

Chính vì vậy, quy định của Trung Quốc là các công ty nước ngoài luôn phải liên kết theo luật "50-50" với một công ty Trung Quốc, tức là Ford hoặc Tesla đều phải liên kết với các nhãn hiệu Trung Quốc để hình thành một công ty liên doanh. Điều này giúp Trung Quốc được thụ hưởng những tiến bộ công nghệ nhanh nhất, hòng bắt kịp (và vượt qua) những thương hiệu đình đám nhất thế giới.

>>Jim Hackett - nhà lãnh đạo có khả năng giúp Ford chuyển mình?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xe hơi Mỹ đặt cược vào Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO