Xâm nhập thế giới “hàng hiệu giá bèo” ở Trung Quốc

21/07/2011 06:29

Một chiếc váy phù dâu cổ chữ V may bằng lụa taffeta hiệu Ann Taylor có giá bán lẻ ở Mỹ là 215 USD được bán với giá 35 USD ở Trung Quốc. Tương tự, một chiếc đầm dây hiệu Guess có giá bình thường là 168 USD, nhưng ở Trung Quốc có thể mua được với giá chỉ 40 USD

Xâm nhập thế giới “hàng hiệu giá bèo” ở Trung Quốc

Một chiếc váy phù dâu cổ chữ V may bằng lụa taffeta hiệu Ann Taylor có giá bán lẻ ở Mỹ là 215 USD được bán với giá 35 USD ở Trung Quốc. Tương tự, một chiếc đầm dây hiệu Guess có giá bình thường là 168 USD, nhưng ở Trung Quốc có thể mua được với giá chỉ 40 USD.

Người dân tấp nập mua bán tại một chợ quần áo ở Quảng Châu.

Những mức giá hời này không phải đến từ một website đang muốn xả hàng, và những bộ trang phục này cũng không phải là hàng giả, nhái. Thay vào đó, khách hàng có thể tìm được những bộ đồ hiệu giá bình dân như vậy với số lượng hạn chế từ các nhà máy chuyên sản xuất cho các thương hiệu lớn.

Theo Hiệp hội Dệt may và Da giày Mỹ, khoảng 40% hàng dệt may nhập khẩu vào nước này là từ Trung Quốc. Tuy nhiên, 5% số hàng sản xuất tại Trung Quốc với mục đích xuất sang Mỹ không bao giờ đến Mỹ. Thay vào đó, số hàng này rò rỉ ra khỏi các nhà máy và đến tay người tiêu dùng Trung Quốc với mức giá rẻ bất ngờ thông qua các trang web bán hàng trực tuyến như Taobao hay eBay Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc này thường diễn ra sau lưng khách hàng nước ngoài của các nhà máy dệt may, vì đây là một hoạt động bị cấm và đôi khi còn bị xem là bất hợp pháp.

Con số 5% này, thường từ 100-200 sản phẩm mỗi thiết kế, thường là những sản phẩm sản xuất dư thêm để đề phòng trường hợp có sản phẩm hỏng xảy ra trong quá trình sản xuất. Phần lớn người mua hàng trên mạng tậu được những sản phẩm này đều hiểu là họ đang gặp một món hời, cho dù đôi khi họ cũng không may gặp phải những sản phẩm có chất lượng không thực sự “chuẩn” như mong đợi.

Hàng xuất dư được chia làm ba loại. Loại tốt nhất là hàng trong những hợp đồng gốc và là những sản phẩm giống y như đúc hàng bán tại Mỹ, có đầy đủ nhãn mác và thậm chí là cả mác ghi giá cho thị trường nước ngoài.

Một loại khác được sản xuất bằng phần vải thừa mà hãng bán lẻ không thu hồi. Đôi khi những sản phẩm này không có đủ các phụ kiện như nhãn mác, cúc, vật liệu trang trí… Loại thứ ba là hàng bị lỗi trong quá trình sản xuất, như hàng dính vết bẩn có thể tẩy sạch, may lỗi, bị thủng lỗ nhỏ… Những lỗi này thường rất nhỏ, đôi khi không nhìn thấy được.

Một số nhà máy bán thẳng những sản phẩm trên từ kho hàng của họ. Một số khác phân phối qua những người bán hàng độc lập, sau đó những người này bán tới tay người tiêu dùng thông qua mạng hoặc bán trực tiếp.

Theo dân trong nghề, từ nhà máy tới các cửa hàng, giá hàng xuất dư không được tính theo thương hiệu mà tính theo giá vải may. Một chiếc áo vải chiffon có thể được bán với giá 8 USD/chiếc, nhưng một chiếc may bằng lụa lại có giá 12 USD. Tương tự, đầm chiffon có thể có giá 14 USD, nhưng đầm lụa thường có giá từ 18-34 USD.

Các chủ hiệu thời trang vốn hiểu rõ hơn về đẳng cấp của các thương hiệu phương Tây và giá quần áo ở Trung Quốc sẽ điều chỉnh giá bán đến tay người tiêu dùng sao cho phù hợp với nhu cầu. Mặc dù vậy, giá hàng xuất dư bán ra ngoài vẫn thấp hơn nhiều so với giá những sản phẩm “chuẩn” bán tại các cửa hiệu ở Mỹ.

Trong khi một số thương hiệu như Abercrombie & Fitch, Forever 21 và H&M dường như ít lo lắng về chuyện sản phẩm của họ được bán phổ biến trên mạng, những thương hiệu cao cấp giám sát quá trình sản xuất chặt chẽ, gần như không cho phép sản phẩm dư thừa lọt ra ngoài. Bởi thế, những sản phẩm phổ biến nhất trên thị trường hàng xuất dư thuộc về các thương hiệu tầm trung như Ann Taylor, Guess, J.Crew, Club Monaco hay Kate Spade. Đây đều là những thương hiệu có uy tín chất lượng tốt, nhưng không nặng về tính chất “hiệu” của sản phẩm.

Hầu hết những nhãn hiệu này đều không có cửa hàng tại Trung Quốc, nên hàng xuất dư không ảnh hưởng tới hoạt động bán lẻ của hãng. Tuy nhiên, thị trường hàng hiệu xịn giá bình dân này ít nhiều đã gây băn khoăn khi mà ngày có càng nhiều hãng bán lẻ Mỹ nhảy vào thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, người tiêu dùng Mỹ cũng tìm cách để tiếp cận với những sản phẩm giá hời này.

Mặt khác, các thương hiệu cũng lo ngại, những sản phẩm lỗi, hỏng bị bán ra ngoài có thể làm ảnh hưởng tới hình ảnh của họ. Do đó, đã xuất hiện những vấn đề pháp lý nhất định như vi phạm hợp đồng, hoặc đôi khi là xâm phạm nhãn hiệu thương mại.

Theo giáo sư luật Susan Scafidi, Viện Pháp luật thời trang thuộc Đại học Fordham, việc hàng xuất dư được xử lý ra sao tùy thuộc vào hợp đồng cụ thể. Theo đó, một số nhãn hàng yêu cầu những sản phẩm này phải bị tiêu hủy, số khác cho bán sản phẩm xuất dư ở một số khu vực địa lý cụ thể, một số khác cho bán ra ngoài bình thường.

Nhưng ngoài các quy định của hợp đồng, việc bán hàng xuất dư có nhãn mác hoặc có hình ảnh hương hiệu có thể bị xem là vi phạm quyền sở hữu thương mại của chủ nhãn hàng. Bởi vậy, những địa chỉ bán hàng xuất dư thường được yêu cầu không đề cập đến thương hiệu, cắt hoặc xóa mác. Bằng cách giảm thiểu sự liên quan tới thương hiệu, vấn đề trở nên đơn giản hơn, vì các thiết kế thời trang hiếm khi được bảo hộ.

Tuy nhiên, các chủ hiệu thời trang lại muốn dựa vào nhãn mác để bán hàng với giá cao hơn. Một số “ra tín hiệu” với khách hàng tiềm năng bằng cách nói những câu như “nhãn hiệu này bắt đầu bằng chữ G”, “thương hiệu này rất xịn”… Ngoài ra, họ còn chèn thêm chữ cái vào tên thương hiệu, hoặc thay thế một số chữ cái trong tên thương hiệu để đánh lạc hướng điều tra của các nhãn hiệu.

Các hãng thời trang rất thận trọng và đã hợp tác chặt chẽ với các trang bán hàng trực tuyến để thường xuyên rà soát nhằm phát hiện việc bán hàng còn gắn nhãn mác của họ. Nhưng chế tài xử lý còn rất yếu, trong đó sản phẩm vi phạm thường chỉ bị rút xuống vài ngày, rồi lại được rao bán trở lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xâm nhập thế giới “hàng hiệu giá bèo” ở Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO