Vì sao nhiều hãng hạt giống lần lượt về tay Trung Quốc?

BÍCH TRÂM| 14/07/2017 06:54

Trung Quốc đang “ngấu nghiến” các doanh nghiệp hạt giống lớn để thỏa mãn “cơn thèm ăn” ngày càng tăng của các doanh nghiệp thực phẩm trong nước.

Vì sao nhiều hãng hạt giống lần lượt về tay Trung Quốc?

Trung Quốc đang “ngấu nghiến” các doanh nghiệp hạt giống lớn để thỏa mãn “cơn thèm ăn” ngày càng tăng của các doanh nghiệp thực phẩm trong nước, CNN nhận định.

Cách đây 2 tuần, doanh nghiệp thuộc chính phủ Trung Quốc ChemChina đã hoàn thành việc chi 44 tỷ USD để mua lại “đại gia” trong ngành hạt giống và thuốc trừ sâu Syngenta của Thụy Sĩ. Đây là thương vụ thâu tóm doanh nghiệp nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay của Trung Quốc.

Hôm thứ Ba 11/7, Dow Chemical (Mỹ) cũng công bố rằng một quỹ nông nghiệp được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn sẽ chi 1,1 tỷ USD để mua lại một số nhà máy sản xuất và các trung tâm nghiên cứu giống ngô ở Brazil của Hãng.

Theo Hãng nghiên cứu tài chính Dealogic, các doanh nghiệp Trung Quốc đã chi 91 tỷ USD trong một thập kỷ qua để mua lại gần 300 công ty nước ngoài có liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, hóa chất và thực phẩm.

Nguyên nhân nào có thể giải thích cho mức chi tiêu “khủng” như vậy vào lĩnh vực này?

An ninh lương thực

Các chuyên gia cho rằng các thương vụ này là một phần trong kế hoạch của Trung Quốc nhằm nâng cao khả năng cung cấp thực phẩm cho dân số gần 1,4 tỷ người. Khi mức sống của người Trung Quốc được cải thiện, người dân cần nhiều sản phẩm thịt hơn, do đó, cần phải có thêm nhiều nguồn cung thức ăn chăn nuôi hơn.

Tuy nhiên theo Rob Bailey – một chuyên gia trong lĩnh vực an ninh lương thực tại Viện chính sách Chatham House, Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức lớn: lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp già nua, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và chất lượng đất đai suy giảm.

Brett Stuart – CEO, nhà đồng sáng lập Công ty cung cấp thông tin thị trường và phân tích thương mại nông nghiệp toàn cầu Global AgriTrends (Mỹ) cho biết, các cánh đồng tại Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng nặng nề, cho năng suất thấp vì phụ thuộc vào các biện pháp canh tác lạc hậu.

Những thương vụ thâu tóm các công ty thức ăn chăn nuôi gần đây cho thấy Trung Quốc đang muốn có được các kiến thức khoa học cần thiết để nâng cao năng suất cây trồng nội địa, Stuart nói thêm và cho rằng "những động thái vừa qua chỉ cho thấy Trung Quốc đang muốn cố gắng hết mức có thể để tự chủ lương thực”.

Tất cả các quốc gia đều cố gắng hạn chế tình trạng thiếu hụt thực phẩm. Tuy nhiên vấn đề này đặc biệt nhạy cảm ở Trung Quốc – đất nước đã trải qua thời kỳ thiếu hụt lương thực trầm trọng trong giai đoạn “Đại nhảy vọt”, bắt đầu vào cuối những năm 1950.

Lợi ích quốc gia

Rất nhiều công ty Trung Quốc đang mua lại những doanh nghiệp có liên quan đến lĩnh vực thực phẩm, và các công ty này thường có sự hậu thuẫn của chính phủ. Chuyên gia Rob Bailey nhận định, trong điều kiện hạn chế về lương thực, thay vì thực hiện các vụ thâu tóm doanh nghiệp, họ nên tập trung vào việc đưa thực phẩm vào thị trường nội địa.

Mối lo ngại về an ninh lương thực quốc gia đã nổi lên vào năm 2013, khi Shuanghui International (Trung Quốc) mua lại Hãng sản xuất thịt lợn Smithfield Foods (Mỹ). Tuy nhiên sau đó, sản lượng thịt lợn đã không có sự thay đổi đáng kể và các nhà cung cấp thịt của Mỹ cũng không có dấu hiệu chuyển hướng sang thị trường Trung Quốc.

Theo nhận định của Bailey, việc Trung Quốc tiếp tục có thêm nhiều tài sản nông nghiệp bên ngoài biên giới có thể mang một ý nghĩa nào đó lớn hơn nhiều một mối bận tâm thông thường.

Trên thực tế, nhiều quốc gia khác cũng quan tâm đến việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Bailey cho biết, Arab Saudi và Nhật Bản cũng đang mua các công ty thuộc chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, nhưng những động thái của họ không nổi bật như Trung Quốc.

>>Vung tiền tại Hollywood, tỷ phú Trung Quốc muốn gì?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vì sao nhiều hãng hạt giống lần lượt về tay Trung Quốc?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO