![]() |
Vì sao doanh nghiệp Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh nhưng lại mạnh dạn đổ vốn ra mua doanh nghiệp khắp toàn cầu?
Tháng 4/2016, tập đoàn Alibaba của tỷ phú Trung Quốc Jack Ma đã bỏ ra 1 tỷ USD để mua lại hơn 64,5% cổ phần, qua đó nắm quyền chi phối Công ty thương mại điện tử Lazada. Trước đó vào tháng 2, tập đoàn hóa chất Trung Quốc ChemChina cũng công bố đã bỏ ra 43 tỷ USD để mua lại tập đoàn sản xuất hóa chất nông nghiệp và hạt giống hàng đầu thế giới Syngenta của Thụy Sĩ. Đây chỉ là hai trong số các thương vụ M&A đình đám mà các doanh nghiệp Trung Quốc tiến hành trong thời gian gần đây.
Theo số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc đưa ra, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, các tập đoàn Trung Quốc đã bỏ ra 134 tỷ USD để mua bán, sáp nhập các doanh nghiệp nước ngoài. Con số này vượt qua tổng mức M&A của cả 2 năm 2014 và 2015 cộng lại.
Giáo sư Đường Nhiệm Ngũ - Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý hành chính nhà nước, Đại học Sư phạm Bắc Kinh, Trung Quốc, cho biết: "Đồng Nhân dân tệ (CNY) mất giá, kinh tế trong nước tăng trưởng chậm lại, cùng với tình trạng dư thừa công suất khiến cho nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi đầu tư trong nước, do vậy, các doanh nghiệp có tiềm lực vốn mạnh lựa chọn thị trường nước ngoài để đầu tư, bao gồm cả việc mua bán, sáp nhập các công ty nước ngoài".
Sau nhiều năm tập trung vào thị trường trong nước, các công ty Trung Quốc đang ngày càng quan tâm hơn đến việc đa dạng hóa thị trường đầu tư.
"Chính phủ luôn khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc đi ra bên ngoài kể cả việc mua bán, sáp nhập các công ty nước ngoài. Các doanh nghiệp Trung Quốc luôn biết nắm bắt các cơ hội này", Giáo sư Đường Nhiệm Ngũ, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý hành chính nhà nước, Đại học Sư phạm Bắc Kinh cho biết thêm.
Tuy nhiên, nhiều dự án M&A của các doanh nghiệp Trung Quốc cũng còn gặp một số khó khăn. Theo đánh giá của các chuyên gia, tốc độ của các thương vụ M&A của các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ chậm lại trong nửa cuối năm 2016. Nhưng tổng mức giao dịch cả năm nay hoàn toàn có khả năng vượt qua con số 150 tỷ USD.
Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển chậm lại, tăng trưởng 6 tháng đầu năm chỉ đạt 6,7% mức thấp nhất trong vòng 25 năm trở lại đây, khiến cho các doanh nghiệp Trung Quốc cần phải tìm kiếm động lực tăng trưởng mới và họ thực hiện điều này bằng cách mua lại các công ty mới của nước ngoài.
Thông tin thị trường chứng khoán và những nội dung đáng chú ý khác: Doanh nghiệp Việt Nam hiểu biết về thuế còn sơ sài, xuất nhập cảnh AEC; Tăng lương tối thiểu vùng,thu nhập thực tế người lao động sụt giảm; Phản hồi của Bộ Xây dựng về việc cấp sổ đỏ cho nhà ở xã hội; Các chuyên gia đánh giá, Hillary Clinton tốt cho nền kinh tế Mỹ hơn Donald Trump... sẽ tiếp nối Bản tin Tài chính - Kinh doanh. Mời quý vị tiếp tục theo dõi.
>Vì sao giới trẻ Mỹ dần "tẩy chay" thẻ tín dụng?