Ukraina bên bờ tan rã

ĐÌNH NAM/DNSGCT| 10/05/2014 07:30

Sắc lệnh về việc áp dụng chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc vừa được ban hành tuần qua nhằm đối phó với phong trào ly khai đang lan rộng ở miền Đông khiến tình hình an ninh ngày càng trở nên tồi tệ.

Ukraina bên bờ tan rã

Tổng thống tạm quyền Ukraina tuần qua ban hành sắc lệnh về việc áp dụng chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc có hiệu lực ngay lập tức nhằm đối phó với phong trào ly khai đang lan rộng ở miền Đông khiến tình hình an ninh ngày càng trở nên tồi tệ.

Đọc E-paper

Hãng thông tấn Pháp AFP đưa tin, Quốc hội Ukraina đã bỏ phiếu “đề nghị quyền tổng thống khởi động lại chế độ nghĩa vụ quân sự ngay lập tức để tăng cường khả năng quốc phòng của Ukraina” và được Tổng thống tạm quyền Oleksandr Turchynov phê chuẩn.

Tái lập nghĩa vụ quân sự

Theo tuyên bố của văn phòng Tổng thống tạm quyền, biện pháp này được thực hiện “vì tình hình xấu đi ở miền Đông và miền Nam… cùng với sự nổi dậy của lực lượng thân Nga có vũ trang và hành động chiếm các tòa nhà chính quyền, những việc đang đe dọa toàn vẹn lãnh thổ”.

Biện pháp này được ban hành sau khi chính phủ ở Kiev thừa nhận đã mất khả năng kiểm soát tình hình hỗn loạn cũng như “bất lực” trong việc ngăn chặn người biểu tình chiếm giữ các thành phố, thị trấn ở miền Đông Ukraina. Lực lượng vũ trang Ukraina hiện có 130.000 binh sĩ, thêm số lượng dự bị, con số này có thể lên đến khoảng 1 triệu.

Phe ly khai bắt đầu phong trào từ khi chính quyền tổng thống Yanukovych bị lật đổ hồi tháng 2 và bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga hồi tháng 3. Đến nay, khoảng 15 thành phố và thị trấn miền Đông Ukraina đang nằm trong tay lực lượng ly khai, những người tuyên bố sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về việc tách khỏi Ukraina để sáp nhập với Nga vào ngày 11/5 tới.

>Châu Âu có cho Ukraine ăn "bánh vẽ"?
>Khủng hoảng tại Ukraine: Trật tự thế giới mới
>
Nga sẽ làm gì với Ukraine?
> Kinh tế Nga lao đao do bất ổn Ukraine

Tại Luhansk, một thành phố có 465.000 dân nằm cách biên giới với Nga chưa đến 30km, sau khi tấn công trụ sở địa phương của Cơ quan An ninh Quốc gia, hàng trăm người đã tập hợp bên ngoài trụ sở chính quyền địa phương yêu cầu tổ chức trưng cầu dân ý cho họ quyền tự trị lớn hơn.

Một số đàn ông mang theo gậy gộc và thanh sắt đã đột nhập vào bên trong. Họ hạ quốc kỳ Ukraina trên mái và thay bằng lá cờ Nga và cờ của Cộng hòa Nhân dân Donetsk. Sau đó, đám đông những người thân Nga cũng chiếm giữ tòa nhà nơi đặt văn phòng công tố rồi tiến đến trụ sở lực lượng cảnh sát địa phương.

Đám đông cũng tiến vào một đài truyền hình địa phương nhưng quyết định không chiếm giữ khi được cho phép có một chương trình phát sóng trực tiếp. Sau khi vụ việc xảy ra, Tổng thống tạm quyền Turchynov đã ra lệnh sa thải cảnh sát trưởng ở các thành phố Luhansk và Donetsk vì đã không hoàn thành trách nhiệm bảo vệ người dân.

Hiện những người thân Nga đã kiểm soát phần lớn khu vực Donetsk lân cận. Miền Đông Ukraina, nơi có đông đảo người nói tiếng Nga, là thành trì của cựu Tổng thống Viktor Yanukovych trước khi ông bị lật đổ hồi tháng 2/2014.

Chính phủ lâm thời Ukraina đã bác bỏ yêu sách của những người biểu tình ở miền Đông đòi quyền tự trị lớn hơn do lo sợ rằng điều này sẽ dẫn đến đất nước tan rã và nhiều khu vực sẽ bị sáp nhập vào Nga như đã từng xảy ra ở khu tự trị Crimea hồi tháng trước.

Có tin quân đội Ukraina tổ chức chiến dịch đánh vào thành phố Sloviansk là nơi phe ly khai thân Nga hoạt động mạnh nhất và đang giành ngày càng nhiều ảnh hưởng ở miền Đông Ukraina. Tại đây hai chiếc trực thăng bị phe thân Nga bắn hạ hôm giữa tuần qua và một phi công bị giết, một bị bắt.

Những tin tức liên quan đến chiến sự ở đây rất khác nhau. Quân đội Ukraina nói họ chiếm được chín điểm chốt đường sá của phe thân Nga, nhưng phe thân Nga nói rằng họ vẫn làm chủ ba chốt gác. Ukraina chỉ trích Nga đứng đằng sau việc chiếm giữ các trụ sở công quyền ở miền Đông, trong khi Moscow bác bỏ điều này.

Tổng thống tạm quyền Turchynov nói rằng quân của ông bất lực trong việc dập tắt bạo động tại nhiều nơi ở miền Đông và nay chỉ cố gắng ngăn chặn sao cho làn sóng bạo lực không lan rộng. Ông cũng nói Ukraina hiện đang báo động toàn quốc trước nguy cơ Nga có thể mở chiến dịch tiến vào Ukraina với khoảng 40.000 binh lính đang đóng ở gần biên giới.

Quân đội Ukraina lập chốt kiểm soát bên ngoài thành phố Sloviansk

Xung đột lan rộng đến miền Nam

Tình hình Ukraina dường như ngày càng phức tạp khi bạo động lan rộng đến miền Nam. Ít nhất 46 người đã thiệt mạng, 200 người bị thương trong một vụ cháy tòa nhà công đoàn ở thành phố Odessa, tây nam Ukraina. Nhà chức trách cho biết nhiều người đã chết vì bị ngạt khói, một số khác thiệt mạng sau khi nhảy khỏi tòa nhà. Một số đông người ly khai được cho là đã trấn thủ bên trong tòa nhà và cả hai bên đã ném bom xăng vào nhau.

Thứ trưởng Ngoại giao Ukraina, Danylo Lubkivsky, cho biết ông rất tiếc trước những tổn thất về nhân mạng, nhưng cũng khẳng định rằng Nga đứng đằng sau vụ bạo lực. Theo ông, tình hình vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát, tuy nhiên, vấn đề an ninh đang bị đe dọa bởi đặc nhiệm Nga.

Trong khi đó thì Bộ Ngoại giao Nga lại bày tỏ sự phẫn nộ trước những diễn biến tại Odessa, đồng thời lên án sự “vô trách nhiệm của chính quyền Kiev”.

Cuộc đụng độ giữa phe thân Nga và những người biểu tình ủng hộ chính phủ ở Kiev tại Odessa là vụ bạo lực đầu tiên nổ ra tại miền Nam Ukraina, sau nhiều tuần bất ổn ở khu vực phía đông. Số người thiệt mạng tại Odessa là con số cao nhất kể từ khi bạo lực nổ ra giữa những người biểu tình ủng hộ EU và cảnh sát ở thủ đô Ukraina hồi tháng Hai.

Phương Tây tiếp tục cáo buộc Moscow đứng đằng sau tình hình bất ổn ở Đông Ukraina, điều mà Nga vẫn bác bỏ. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, trong cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Nhà Trắng hôm 2/5 đã cảnh báo sẽ mở rộng các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga nếu nước này không chuyển hướng.

Ông nói việc dân quân sử dụng cả hỏa tiễn là bằng chứng cho thấy tình hình bất ổn hiện nay không chỉ đơn thuần bắt nguồn từ một cuộc “nổi dậy tự phát”. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã có cuộc họp khẩn cấp hôm 2/5 theo đề nghị của Nga.

Đại sứ Nga đã cảnh báo về những “hậu quả thảm khốc” nếu Kiev tiếp tục các chiến dịch quân sự ở khu vực phía đông, trong khi Hoa Kỳ gọi đây là một động thái “cân xứng và hợp lý”. Trước tình hình Ukraina diễn biến phức tạp, Hoa Kỳ cáo buộc Nga đang tìm cách “thay đổi bức tranh an ninh” của khu vực Đông và Trung Âu.

Trong một bài phát biểu tại Viện Đại Tây Dương ở Washington, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry yêu cầu Kremlin hãy “để yên cho Ukraina” và cảnh báo: “Lãnh thổ Nato là bất khả xâm phạm và chúng tôi sẽ bảo vệ từng tấc đất”.

Quân đội Ukraina chiếm phần lớn thành phố Kramatorsk

Theo kênh tin tức RT của Nga, ngày 3/5, quân đội Ukraina đã chiếm được phần lớn thành phố miền Đông, Kramatorsk trừ khu vực quảng trường trung tâm vẫn đang ở trong sự kiểm soát của lực lượng tự vệ.

Hiện các cuộc giao tranh dữ dội trên các đường phố ở Kramatorsk vẫn đang diễn ra giữa các tay súng ly khai và quân đội Ukraina. Theo nguồn tin từ lực lượng tự vệ, ít nhất 10 người đã bị thiệt mạng trong các cuộc giao tranh suốt đêm 2 đến rạng sáng 3/5 ở Kramatorsk.

“Đêm qua, 10 người phía chúng tôi đã bị thiệt mạng. Họ đều là những dân thường không vũ trang”, một lãnh đạo của lực lượng tự vệ cho hãng tin RIA Novosti biết. Ông cũng cung cấp thêm đã có 30 người bị thương sau khi quân đội Ukraina khai hỏa, mở màn cuộc tấn công chiếm lại thành phố.

Quân đội Ukraina bắt đầu chiến dịch chiếm lại thành phố Kramatorsk vào ngày thứ sáu 2/5. Quyền Bộ trưởng Nội vụ, Ukraina Arsen Avakov, cảnh báo rằng các hoạt động quân sự đặc biệt ở Kramatorsk sẽ tiếp tục vào sáng 3/5, và cho biết quân đội Ukraina đã nắm quyền kiểm soát tháp truyền hình của thành phố.

Chiến dịch tấn công Kramatorsk là một phần của chiến dịch quân sự do lực lượng an ninh Ukraina tiến hành tại miền Đông Ukraina. Chiến dịch này được đẩy mạnh vào sáng thứ sáu 2/5 khi quân đội Ukraina tấn công thành trì của những người chống chính phủ ở Slavyansk và đã kiểm soát được tình hình. Thành phố này đã bị quân đội với hàng chục xe thiết giáp và 20 máy bay trực thăng bao vây.

Báo cáo thương vong ban đầu cho thấy hai phi công máy bay trực thăng quân sự của Ukraina và một thành viên của lực lượng tự vệ Slavyansk đã thiệt mạng.

Cũng trong ngày 2/5, các cuộc đụng độ giữa những người ủng hộ và phản đối chính quyền Kiev tại Odessa đã cướp đi sinh mạng của 46 người, khoảng 200 người bị thương.

Những người thân Nga bên ngoài trụ sở cảnh sát ở Odessa

IMF phê chuẩn viện trợ 17 tỉ USD cho Ukraina

Trong khi tình hình xung đột lan rộng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 30/4 đã phê chuẩn gói viện trợ 17 tỉ USD cho Ukraina để cứu nền kinh tế trong điều kiện phải ngăn chặn lực lượng ly khai thân Nga ở miền Đông nước này.

Đèn xanh của ban lãnh đạo IMF đã mở đường cho hoạt động chuyển ngay 3,2 tỉ USD cho Kiev, vốn đang trên bờ vực vỡ nợ và đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị ngày càng leo thang.

Đây là một phần trong gói cứu trợ trị giá 27 tỉ USD của Ngân hàng Thế giới, Liên minh châu Âu và các tổ chức khác dành cho Ukraina. Theo IMF, gói cứu trợ “nhằm phục hồi ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố quản lý kinh tế và sự minh bạch, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, trong khi bảo vệ được những ngành đang yếu kém”.

Một phần của khoản tiền cứu trợ trên sẽ được dùng để trả cho món nợ 2,2 tỉ USD tiền khí đốt của Nga, khi Nga đe dọa sẽ cắt nguồn cung khí đốt cho quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ này.

Ngoài ra, Ukraina cũng phải trả IMF những khoản nợ trước đó vì vậy mà khoản vay mới này cũng có thể được dùng để trả cho món nợ cũ.

Gói cứu trợ được IMF phê chuẩn vào ngày Kiev cho biết đã đặt quân đội “trong cảnh báo chiến tranh tổng lực”, phòng nguy cơ Nga tấn công nước này. Song giới chức Kiev cũng thừa nhận họ đã “bất lực” trong việc ngăn chặn các lực lượng ly khai thân Nga siết chặt kiểm soát khu vực miền Đông Ukraina.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ukraina bên bờ tan rã
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO