Theo CNBC, tại một cuộc họp với toàn thể người lao động diễn ra gần đây tại Seattle, một nhân viên đã hỏi vị tỷ phú Jeff Bezos về tương lai của Amazon. Cụ thể, người ấy muốn biết, ông chủ của mình thấy gì từ tuyên bố xin phá sản gần đây của Sears cũng như của nhiều đại gia bán lẻ khác.
Đáp lại, Chủ tịch kiêm CEO của Amazon nói: “Amazon không lớn đến mức không thể thất bại. Thực ra, tôi cho rằng, một ngày nào đó, Amazon cũng sẽ thất bại và phá sản. Khi quan sát các công ty lớn trên thế giới, có thể thấy, tuổi thọ của chúng thường vào khoảng hơn 30 năm, chứ không phải kéo dài cả 100 năm”.
Chìa khóa để ngày đó lâu đến, theo ông chủ Amazon, nằm ở chỗ, công ty phải biết “ám ảnh với các khách hàng của mình” và tránh việc nhìn vào nội bộ rồi lo lắng về bản thân công ty. “Nếu chúng ta chỉ tập trung vào bản thân, thay vì tập trung vào khách hàng, đó sẽ là khởi đầu của kết thúc. Do đó, chúng ta phải hết sức nỗ lực và làm ngày đó đến càng chậm càng tốt”, Bezos nói.
Lời chia sẻ của ông chủ Amazon đến trong bối cảnh công ty này đang gặt hái thành công rực rỡ nhất từ trước đến nay, khi mà mảng kinh doanh cốt lõi là bán lẻ tiếp tục tăng trưởng. Song song với đó, gã khổng lồ thương mại điện tử đang thắng thế trong cuộc đua giành thị phần điện toán đám mây, và trợ lý ảo Alexa cũng ngày càng được nhiều khách hàng tin dùng hơn.
Link bài viết
Tuy nhiên, một số nhân viên lại tỏ ra lo ngại về tốc độ phát triển của Amazon. Tám năm qua, số nhân viên của công ty này đã tăng hơn 20 lần, đạt trên 600.000 người; và kể từ năm 2013, giá cổ phiếu của Amazon cũng tăng hơn 4 lần. Theo eMarketer, công ty này dự kiến sẽ thâu tóm 48% doanh số bán hàng trực tuyến của Mỹ trong năm nay - mức tăng 5% so với năm 2017.
Hiện, Amazon Web Service - dịch vụ cung cấp nền tảng điện toán đám mây an toàn của Amazon cũng đang dẫn đầu thị trường cơ sở hạ tầng điện toán đám mây Hoa Kỳ, khi chiếm lĩnh 34% thị phần, theo nghiên cứu từ Synergy Research Group. Thêm vào đó, tại cuộc họp, ban lãnh đạo Amazon cũng tuyên bố sẽ mở thêm trụ sở mới tại 2 thành phố là Long Island của New York và Arlington của bang Virginia, dự kiến giúp tạo thêm 25.000 việc làm tại mỗi nơi.
Được biết, tốc độ phát triển của Amazon diễn ra nhanh đến mức nhiều lần khiến cho Tổng thống Donald Trump không hài lòng. Ông chủ Nhà Trắng cho rằng, hãng thương mại điện tử này nhận được nhiều ưu đãi từ thuế và dịch vụ bưu chính nhưng lại làm tổn hại đến ngành bán lẻ truyền thống; do đó, Amazon phải chịu trách nhiệm cho sự suy giảm của ngành bán lẻ ở Mỹ cũng như những khoản thất thu từ thuế mà ngành này mang lại.
Và, cuộc họp tại Seattle vừa qua cũng không phải là lần đầu ông chủ Amazon đưa vấn đề quy mô công ty ra thảo luận. Trong một cuộc họp với toàn thể người lao động hồi tháng 3, Bezos đã được hỏi, liệu một công ty công nghệ như Amazon có cần thiết sự quản lý chặt chẽ hơn hay không, khi mà sức mạnh và tầm ảnh hưởng của nó trên thị trường ngày càng lớn.
Trả lời, Bezos nói: “Quả thật, chúng ta là một công ty lớn. Nên, việc các tổ chức lớn, bất kể là chính phủ hay công ty, cần được quan sát và quản lý chặt chẽ là điều đương nhiên”. Theo CNBC, nhiều nhân viên xin giấu tên tiết lộ, quy định của chính phủ và xác suất vi phạm luật chống độc quyền hiện là mối quan tâm số một của nhân viên Amazon khi nghĩ về tương lai công ty.
Và, sự lo lắng của các nhân viên Amazon không phải là không có cơ sở, khi mà tổng Thống Trump vừa cho biết, chính quyền của ông đang tiến hành xem xét các vi phạm chống độc quyền của Amazon. Thêm vào đó, các nhà quản lý ở châu Âu cũng đang đặt câu hỏi về việc hãng thương mại điện tử này sử dụng dữ liệu người bán hàng trên nền tảng website như thế nào; đồng thời, giới chức Nhật Bản cũng đang điều tra các cáo buộc chống độc quyền có liên quan đến công ty.