Từ 2018, Arab Saudi cấp visa du lịch cho khách quốc tế

HOÀI THU| 27/11/2017 09:57

Mỗi năm, Arab Saudi đã đón hàng triệu người Hồi giáo hành hương về thánh địa Mecca và giờ đây muốn thu hút thêm du khách quốc tế truyền thống, hãng tin CNN cho biết.

Từ 2018, Arab Saudi cấp visa du lịch cho khách quốc tế

"Đối tượng chúng tôi hướng đến là những người muốn trải nghiệm cuộc sống và sự vĩ đại của đất nước chúng tôi", hoàng tử Sultan bin Salman - người đứng đầu Ủy ban di sản quốc gia và du lịch của Arab Saudi cho biết.

Arab Saudi dự kiến sẽ cấp visa du lịch đầu tiên vào năm 2018. Hiện tại, chính sách visa của nước này giới hạn chỉ cho những người nhập cảnh với mục đích làm việc hoặc thăm các thánh địa Hồi giáo.

Việc thu hút thêm du khách nước ngoài là chiến lược trọng tâm của Arab Saudi để giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ.

Nước này nhắm tới mục tiêu đón 30 triệu du khách quốc tế vào năm 2030, tăng từ 18 triệu người vào năm 2016, đồng thời thu về 47 tỷ USD từ du lịch vào năm 2020.

Để đạt được các mục tiêu đó, vài tháng qua, Arab Saudi đã khởi động một số dự án đầy tham vọng. Cụ thể, vương quốc này đang lên kế hoạch xây dựng khu nghỉ dưỡng trên 160km bờ biển Đỏ và mở công viên chủ đề Six Flags vào năm 2022.

Thái tử Mohammed bin Salman - người đang dẫn dắt công cuộc cải tổ kinh tế của Arab Saudi - cũng công bố kế hoạch xây dựng thành phố 500 tỷ USD, mở rộng qua biên giới của Arab Saudi với Ai Cập và Jordan.

"Arab Saudi có tiềm năng du lịch vô cùng lớn nhờ khí hậu thuận lợi và nhiều di sản văn hoá lịch sử, vẻ đẹp tự nhiên cùng đời sống biển phong phú. Tuy nhiên, việc nằm trong khu vực có nhiều nước bất ổn về chính trị nên an ninh luôn là một vấn đề", Nikola Kosutic - nhà quản lý nghiên cứu cấp cao tại Euromonitor nói.

Link bài viết

Vấn đề an ninh là thách thức lớn nhất với "giấc mơ du lịch" của Arab Saudi. Điều này cũng được Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh hồi đầu tuần. Cơ quan này cảnh báo người dân Mỹ "cân nhắc kỹ lưỡng các rủi ro khi du lịch tới Arab Saudi", đồng thời dẫn ra các nguy cơ từ các nhóm khủng bố như tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS và tấn công bằng tên lửa của phiến quân Yemen nhắm vào thường dân.

"Nguy cơ khủng bố vẫn hiện hữu khắp Arab Saudi, trong đó có các thành phố lớn như thủ đô Riyadh, Jeddah và Dhahran, và các cuộc tấn công có thể xảy ra mà không có cảnh báo ở bất cứ nơi nào tại vương quốc này", Bộ Ngoại giao Mỹ nói.

Du khách nước ngoài cũng có thể bị cản trở bởi những quy tắc ứng xử khi tới Arab Saudi. Trong nhiều thập kỷ, nước này đã củng cố những quy định Hồi giáo nghiêm ngặt về trang phục và phân biệt giới tính. Hiện tại, Arab Saudi cũng không có nhiều tụ điểm giải trí. Các rạp chiếu phim và rạp hát công cộng đều bị cấm. Nước này đã tổ chức buổi nhạc hội đầu tiên trong năm 2017 nhưng chỉ hạn chế cho nam giới tham dự.

Tuy nhiên, Thái tử Saudi Arabia cam kết sẽ loại bỏ "các tư tưởng cực đoan" và trở lại một nền Hồi giáo "dễ thở" hơn với việc nới lỏng nhiều quy tắc. Nữ giới tại Arab Saudi đã được phép lái xe và sẽ được tham gia các tụ điểm thể thao lớn nhất nước này từ năm tới. Trong năm 2017, tại nhiều hội nghị lớn tại nước này đã có sự xuất hiện của cả nam và nữ giới.

"Nếu có các chiến dịch quảng bá khôn ngoan tập trung vào điểm mạnh và loại bỏ những quan ngại về an ninh, Arab Saudi có thể khai thác được thị trường du lịch đầy tiềm năng trong khu vực cũng như thu hút được nhiều du khách châu Âu", chuyên gia Kosutic của Euromonitor nhận định.

Thị trường du khách Hồi giáo tại khu vực Trung Đông được đánh giá có tiềm năng lớn. Theo báo cáo hồi tháng 5, Mastercard ước tính lượng du khách Hồi giáo tại đây lên tới 156 triệu người vào năm 2020, tăng từ 121 triệu vào năm 2016 và chi tiêu 220 tỷ USD mỗi năm.

(Theo VnEconomy - Tựa bài do DNSG Online đặt lại)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Từ 2018, Arab Saudi cấp visa du lịch cho khách quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO