Trung Quốc: Nhã hối lên ngôi

23/05/2010 06:30

Hối lộ phát triển theo thời gian ngày càng tinh vi hơn khi người ta “tặng quà” trị giá cao và thuộc loại xa xỉ. Báo chí Trung Quốc gọi kiểu hối lộ này là nhã hối.

Trung Quốc: Nhã hối lên ngôi

Hối lộ phát triển theo thời gian ngày càng tinh vi hơn khi người ta “tặng quà” trị giá cao và thuộc loại xa xỉ. Báo chí Trung Quốc gọi kiểu hối lộ này là nhã hối, tức hối lộ một cách cao nhã, khác với cách hối lộ bằng tiền hơi dung tục.

Tang vật hối lộ tham quan được tịch thu đem bán đấu giá - Ảnh: Xinhua

Ngày 14/4, Ông Văn Cường - nguyên phó cục trưởng Cục Công an Trùng Khánh, nguyên cục trưởng Cục Tư pháp Trùng Khánh - bị tòa tuyên án tử hình do dính líu đến vụ án bao che tội phạm xã hội đen, nhận hối lộ, cưỡng hiếp, tài sản kếch sù bất minh... Tang vật thu được tại nhà Văn Cường ngoài chi phiếu còn có nhiều rượu ngoại, thuốc lá ngoại, 36 món đồ thủ công mỹ nghệ, 9 món đồ cổ, 69 bức tranh chữ, đồng hồ Rolex... ước khoảng 5.470.000 NDT (1 NDT khoảng 2.700 đồng).

Đây không phải là tham quan đầu tiên sở hữu nhiều đồ có giá trị ở nước này, vì năm 2003 Vương Thiên Nghĩa (nguyên cục trưởng Cục Công an quận Lộc Thành, thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang) khi vào tù vì tham nhũng có số tang vật bị tịch thu gồm 195 bức tranh chữ, 24 tranh nghệ thuật phương Tây, 3 tập tem, 457 đồng tiền bạc, 38 đồng tiền vàng, 220 món đồ gốm cổ, 48 món trang sức quý giá... Số “quà” này đủ trưng bày trong một bảo tàng!

Quà hối lộ tham quan đã có sự thay đổi so với thời cải cách mở cửa. Cán bộ Ủy ban Kỷ luật Trung Quốc khi tác nghiệp thường hay so sánh vui: “Những năm 1990, khi đến kiểm kê ngân phiếu, vàng bạc của tham quan, cán bộ phải thành thạo như nhà kiểm toán. Đến thế kỷ 21, khi điều tra nhà cửa của tham quan, cán bộ phải có tinh thần của một paparazzi (chuyên gia chụp ảnh lén). Nay xuất hiện cơn sốt sưu tầm đồ cổ, tranh cổ của tham quan, cán bộ phải trở thành chuyên gia giám định đồ cổ”.

Để hợp thức hóa quà cáp, nhiều cửa hiệu hàng xa xỉ ra một quy định ngầm: các đại gia có thể mở tài khoản cá nhân tại cửa hàng và sử dụng chung trong các chuỗi cửa hàng. Nếu có quan chức nào đến mua quà, chỉ cần nói số mật mã là tự động trừ vào tài khoản của đại gia đó. Còn các cửa hàng đồ cổ có cách kinh doanh riêng: quan chức sau khi nhận được các bức tranh cổ, đồ cổ (chẳng biết đồ thật hay giả) thường đem đến cửa hàng nhờ bán giúp, người tặng quà sẽ lặng lẽ đến đó mua lại với giá hàng thật.

Điều đáng nói, họ còn có quy định ngầm là hàng đã bán miễn trả lại, bán hàng không hóa đơn, không chứng từ. Chính vì vậy tờ tuần san Liễu Vọng Đông Phương đã ví các cửa hàng đồ cổ, công ty đấu giá như ngân hàng đổi tiền của tham quan cao cấp, còn cửa hàng thuốc lá là máy ATM của tham quan cấp thấp hơn.

“Hiện ở Trung Quốc, không hối lộ trở thành con chuột chạy long nhong ngoài đường, kẻ hối lộ lại trở thành anh hùng”

Chuyên gia bất động sản VƯƠNG THẠCH (enorth.com.cn)

Cô Mao, nhân viên một công ty kinh doanh đông trùng hạ thảo, thừa nhận công ty cô thường xuyên thu mua đông trùng hạ thảo, yến sào, hải sâm. Rất nhiều quan chức bán các loại hàng này cho công ty, chỉ cần gọi điện là có người đến thu mua tại nhà, định giá tại chỗ, bất kể số lượng. Giá thu mua cao nhất là vào dịp lễ tết vì nhu cầu lớn, bán được giá cao. Theo cô, hiện món hải sâm Liêu Đông rất được ưa chuộng, mỗi ký giá đến 3.000 NDT, còn món yến sào không được ưa chuộng như trước vì quan chức thừa biết khó có được hàng thật.

Khi nhắc đến cơn sốt tặng đồ cổ cho tham quan, ông Quách Khánh Tường - một nhà sưu tầm đồ cổ - cho rằng làm gì có nhiều đồ cổ thật để tặng.

“Ngay cả chúng tôi cũng khó kiếm được đồ thật trên thị trường hoặc có cũng chỉ là đồ thường, vì đồ tốt đã vào bảo tàng hết rồi” - ông khẳng định. Vì vậy mới có chuyện nhiều người mua đồ cổ giả, sau đó mua thêm giấy giám định đó là đồ cổ giá trị. Còn đa số tham quan là người có vai vế, không dám đem quà tặng đi giám định nên bị mắc lừa, đến khi bị lộ chân tướng mới phát hiện đó là đồ giả. Nhiều tham quan thừa nhận họ dám nhận món đồ cổ trị giá 5.000.000 NDT chứ không dám nhận tiền mặt, vì khi bại lộ có thể đổ thừa “cứ tưởng đồ giả không đáng giá nên nhận”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trung Quốc: Nhã hối lên ngôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO