Trở lại Iraq

LAM HỒNG| 17/09/2014 08:42

Một cuộc chiến lâu dài với lực lượng thánh chiến Nhà nước Hồi giáo đang chờ các nước phương Tây.

Trở lại Iraq

Một cuộc chiến lâu dài với lực lượng thánh chiến Nhà nước Hồi giáo (IS) đang chờ các nước phương Tây. Bởi vì, giải pháp quân sự nếu không đi kèm giải pháp chính trị sẽ không bao giờ có thể bình định cho khu vực đầy bất ổn này.

Đọc E-paper

Kẻ thù trước mắt

Năm 1991, Tổng thống Mỹ George Bush tập hợp một liên minh để tấn công Iraq trước hiểm họa Iraq xâm lược Kuwait. Năm 2003, một phần của cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố, George. W. Bush "con" cũng hình thành một liên minh tấn công Iraq, loại bỏ Tổng thống nước này là Saddam Hussein.

Người Mỹ sau đó đã bị mắc kẹt trong một cuộc chiến đẫm máu tại đây trong gần 10 năm kể từ ngày Saddam Hussein bị treo cổ. Đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama cuối cùng đã rút các lực lượng Mỹ ra khỏi Iraq trong năm 2011. Nhưng trước sự trỗi dậy của bóng ma IS, liệu người Mỹ có trở lại Iraq một lần nữa?

Lá cờ đen của IS xuất hiện tại hàng loạt thành phố lớn nhỏ ở Iraq và Syria từ hơn một năm nay. Nhưng phải chờ hình ảnh hàng trăm ngàn tín đồ đạo Thiên chúa, đạo Hồi nhưng thuộc hệ phái Shi-a, rồi người Kurdistan, người Yazidi chạy loạn, bị giết, bị cưỡng hiếp... thì Washington mới bày tỏ lo ngại nhưng chưa có giải pháp cụ thể. Đến khi hình ảnh hai phóng viên Mỹ bị hành hình được lan truyền, Tổng thống Mỹ Obama mới "thề tiêu diệt IS đến cùng".

Theo Le Monde, sự phát triển lan rộng của IS đã diễn ra khi tất cả kẻ thù của IS đều suy yếu, từ chính quyền của Thủ tướng Iraq Nouri Maliki đến chế độ Damas của nhà độc tài Syria Bachar Al-Assad. Trong khi Mỹ rút quân về nước dưới thời Barack Obama thì tại Trung Đông, hai chế độ Bagdad và Damas khánh tận, biến thành môi trường màu mỡ cho thánh chiến sinh sôi.

Trong khi al-Qaeda lẩn khuất trong bóng tối thì IS ngày nay được coi là "kẻ thù trước mắt" của nước Mỹ và nhiều nước phương Tây. IS đe dọa gây bất ổn cho một phần lớn khu vực Trung Đông và bóng đen chết chóc IS có thể ảnh hưởng đến các thanh niên Hồi giáo cực đoan ở châu Âu và nhiều nước khác trên thế giới. Sự nguy hiểm của "con sói đơn độc" mang tư tưởng bạo lực không giới hạn của IS là điều mà nhiều nước phương Tây đã thực sự lo ngại trong nhiều năm qua.

Chỉ trong vòng hai năm, IS đã kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn sau khi đánh chiếm một loạt thành phố lớn như Rakka, Falluja, Mossul... và một khu vực rộng lớn của Syria ở phía Bắc. Sau khi chiếm được Mossul, thành phố trù phú với hơn một triệu dân, IS kiểm soát hàng loạt ngân hàng, có nguồn ngân sách lên tới hàng tỷ USD.

Chỉ riêng tại Syria, lực lượng thánh chiến lên đến 50.000 tay súng mà gần 20.000 là thanh thiếu niên tình nguyện đến từ 83 quốc gia trên thế giới. Theo giải thích của nhà bình luận chính trị Anh gốc Ấn Mehdi Hasan, những ứng viên bỏ nhà sang Syria gia nhập hàng ngũ thánh chiến không phải là những tín đồ cuồng nhiệt.

Thật sự đây là thành phần "không công ăn việc làm, không được trọng dụng". Vì thế, nếu các nước phương Tây không có chính sách quản lý xã hội hiệu quả, những thanh niên gốc Ả Rập còn cảm thấy bị kỳ thị, thì thánh chiến Hồi giáo vẫn còn là mối đe dọa tiềm ẩn.

Chiến tranh không can thiệp?

Tuyên bố "có chiến tranh với IS" đúng vào dịp nước Mỹ kỷ niệm 13 năm vụ khủng bố nước Mỹ (11/9/2001), Tổng thống Obama thành lập một liên minh quân sự với 40 nước tham chiến. Ông Obama thông báo sẽ oanh kích tại Iraq lẫn Syria, đưa thêm 475 cố vấn sang Iraq hỗ trợ kỹ thuật, tác chiến và tình báo cho quân đội quốc gia và lực lượng Kurdistan.

Mỹ sẽ phối hợp với Ả Rập Xê út xây dựng lại lực lượng kháng chiến ôn hòa tại Syria để tiêu diệt cả IS và chế độ Damas bị xem là mất tính chính đáng. Mười nước Ả rập đã thống nhất hỗ trợ các cuộc tấn công của Mỹ tại cả Iraq và Syria.

"Trong khoảng thời gian vài tháng, chúng ta sẽ có thể không chỉ bào mòn thời cơ của IS, mà còn triệt hạ hoàn toàn năng lực, thu hẹp lãnh thổ của chúng và cuối cùng sẽ đánh bại chúng," ông Obama phát biểu trên kênh truyền hình NBC ngày 7/9.

Những hình ảnh bạo lực của IS cho thấy nếu không chặn đứng được phong trào thánh chiến tại Iraq, thì sẽ xuất hiện những phong trào tương tự tại nhiều nơi khác trên thế giới. Với một cơ cấu mang tính chất "nhà nước", có lực lượng vũ trang, có tài chính dồi dào, thu hút nhiều tay súng từ phương Tây, IS có khả năng trở thành mô hình cho các nhóm cực đoan khác bắt chước như đã xảy ra ở miền Bắc Cameroon và Nigeria.

Do vậy, nhiều nhà quan sát cảnh báo, giải pháp quân sự không đi liền với chiến lược chính trị thì kịch bản Lybia có thể bị lặp lại. Marc Lynch, một chuyên gia Mỹ thuộc Viện Nghiên cứu Center for a New American Security có cùng nhận định: Khác với tình hình Iraq nơi mà quân đội chính phủ và lực lượng tự vệ Kurdistan có khả năng tái chiếm những thành phố rơi vào tay Nhà nước Hồi giáo, tại Syria, biện pháp oanh kích của Mỹ khó có thể mở ra một con đường đưa đến chiến thắng chính trị hay quân sự vì phe đối lập quá yếu.

Còn nếu Mỹ nhổ được tận gốc rễ mầm mống IS, những kẻ đang nắm quyền kiểm soát một phần ba Syria và Iraq, quân đội chính quy dưới sự điều hành của Assad có khả năng ngay lập tức lấp vào khoảng trống để lại. Vì vậy, tình huống này có thể lại lôi kéo Mỹ vào cuộc nội chiến ở Syria.

Các nhà lãnh đạo Iraq không yêu cầu hoặc tỏ thái độ mong muốn Mỹ hoặc bất kỳ quốc gia bên ngoài nào khác đưa quân đến để đối phó với IS dù nhóm này đang kiểm soát 1/3 lãnh thổ Iraq. Theo Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, chính quyền Tổng thống Barack Obama không có ý định triển khai quân đội tới Iraq để chống lại nhóm IS tự xưng "trừ phi có điều gì đó thay đổi rất mạnh mẽ”.

Tuy nhiên, ông Kerry không nói rõ thay đổi mạnh mẽ ở đây là gì. Mặt khác, tờ New York Times, dẫn nguồn tin từ các giới chức Nhà Trắng, nói rằng chính quyền Obama chuẩn bị "một chiến lược lâu dài để tiêu diệt IS trong nhiều năm" kể cả sau khi Tổng thống đã mãn nhiệm kỳ. Đây cũng là thông điệp cho thấy người Mỹ có thể trở lại Iraq bất cứ lúc nào...

>Bất ổn tại Iraq đe dọa thị trường dầu lửa thế giới
>Nguy cơ bùng nổ cuộc chiến năng lượng tại Iraq
>
Đánh bom đẫm máu nhất tại Iraq

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trở lại Iraq
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO