Trên những nóc nhà thế giới

HỒNG - HẠO| 15/01/2010 00:57

Cho tới giữa thế kỷ XX, Mỹ vẫn là nơi tập trung hầu hết các tòa nhà cao nhất, gồm cả cao ốc Empire State 381m được xây năm 1931.

Trên những nóc nhà thế giới

Tòa nhà cao nhất thế giới Buji-Dubai

Cho tới giữa thế kỷ XX, Mỹ vẫn là nơi tập trung hầu hết các tòa nhà cao nhất, gồm cả cao ốc Empire State 381m được xây năm 1931. Nếu như ở Mỹ và châu Âu, nhà chọc trời đã trở thành lỗi mốt vì dường như đó không phải là chỉ số về phát triển văn minh nữa, thì ở châu Á và Trung Đông, chúng vẫn là những biểu tượng về quyền lực và sự thịnh vượng.

Châu Á: Nóc nhà của thế giới

Châu Á đã mau chóng nổi lên như một trung tâm cao ốc của thế giới với sự lớn mạnh nhanh chóng về kinh tế. Ngôi vị tòa nhà cao nhất thế giới của tòa nhà Đài Bắc 101 (cao 509m) chưa kịp vững đã phải nhường chỗ cho tòa tháp Burj Dubai (cao hơn 800m) ở Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất. Tòa tháp đo trời này do kiến trúc sư Adrian Smith thiết kế. Vào 2008, khi nhà Dubai hoàn tất, Smith tiết lộ "nó sẽ vươn tới quá độ cao 610m" nhưng không nói nó sẽ cao tới đâu. Khách hàng của ông không muốn tiếp xúc với những kiến trúc sư chuyên nhà cao tầng khác. Nếu một khi độ cao bị lộ ra, các đối thủ dễ dàng đẩy độ cao, thậm chí chỉ vài mét. Điều đó là có thực. Chẳng hạn, ngay sau khi tòa tháp Đài Bắc hoàn thành, giới lãnh đạo Trung Quốc, vì không muốn Đài Loan qua mặt, đã hạ quyết tâm đẩy nhanh tiến độ dự án xây tòa nhà Shanghai World Finance Center với chỉ thị: trung tâm tài chính thế giới ở Thượng Hải nếu không cao hơn phải có diện tích lớn hơn tòa nhà ở Đài Bắc!

Với nhiều dự án khác về các siêu cao ốc hoặc hàng loạt nhà chọc trời đang được dựng lên, châu Á mau chóng có những tòa nhà cao nhất. Hiện nay, tại Trung Quốc, tháp Thượng Hải cao 632m sẽ hoàn tất vào 2014, tháp Trung Quốc 117 cao 597m ở Thiên Tân đang được xây dựng và dự kiến hoàn tất toàn bộ vào năm 2012.

Tại Hàn Quốc, việc xây dựng tháp Landmark DMC cao 640m đang được tiến hành và sẽ xong vào năm 2015. Sau khi hoàn thành, nó sẽ trở thành tòa nhà cao thứ hai thế giới sau cao ốc Burj Khalifa ở Dubai. Tháp DMC đang mọc lên ở khu Sangam-dong, Tây Bắc Seoul. Ngoài ra, Hàn Quốc còn đang xây dựng và sẽ hoàn tất tháp Giấc mơ Seoul tại Yongsan, trung tâm Seoul vào năm 2016.
Các chuyên gia dự đoán rằng, các nhà chọc trời tiếp theo có thể khởi phát từ Ấn Độ. Daniel Kieckhefer, một đại diện của Công ty Dữ liệu Bất động sản có trụ sở tại Darmstadt (Đức) cho biết: “Chúng ta đã bước vào một kỷ nguyên xây dựng nhà chọc trời chưa từng thấy".

Phồn thịnh hay biểu tượng của khủng hoảng?

Theo Emporis, 42 dự án nhà chọc trời đang ở trong giai đoạn lên kế hoạch hoặc đang được thi công trên toàn thế giới. Ít nhất 33 tòa tháp đã được hoàn thành trong vòng 80 năm qua. Động lực để xây các nhà cao tầng đã chứng tỏ khát vọng của các quốc gia muốn tham gia vào bảng xếp hạng quốc gia phát triển. Một tòa nhà cao tầng là thông điệp kiêu hãnh gửi tới thế giới rằng: “Chúng tôi đang sánh ngang với các bạn”.

Lee Bok-nam, chuyên viên nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xây dựng Hàn Quốc nói: “Người Hàn Quốc đã bị tổn thương bởi sự thật rằng Đài Loan có tòa nhà cao nhất thế giới. Nếu họ có một, chúng tôi cũng phải có một”. Lee Seung-joo, giám đốc quản lý dự án tòa tháp đôi Incheon nói: “Tất cả các thành phố thế giới đều có tháp cao tầng. Nó giống như một thương hiệu và tháp đôi của chúng tôi cũng sẽ là thương hiệu của Incheon trước thế giới”.

Theo Tạp chí Forbes, chưa hài lòng với độ cao 800m mới xác lập, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất có kế hoạch xây tòa tháp Kingdom, dự kiến có độ cao 1.000m, hơn 172m so với tháp Burj Dubai.

Mặc cho cuộc đua chiều cao của các tòa tháp diễn ra, mối liên hệ giữa tòa nhà chọc trời và khủng hoảng kinh tế lần đầu tiên được đề cập đến bởi chuyên gia phân tích thị trường Christofer Rathke. Từ những năm 1980, ông đã chú ý thấy các dự án xây nhà chọc trời tại Nhật trùng với bong bóng kinh tế của nước này: “Diễn biến tương tự như khi xây tòa nhà Chrysler Building tại New York”. Đào sâu hơn, ông nói: Giá cổ phiếu thị trường chứng khoán luôn tăng mạnh ngay trước khi bắt tay xây dựng tòa nhà chọc trời.

Nghiên cứu "The Skyscraper Index" của Andrew Lawrence năm 1999 và "Skyscrapers and Business Cycles” của Mark Thornton năm 2005 cũng đề cập đến sự trùng hợp không ngẫu nhiên này. Thị trường chứng khoán “nóng” hun đúc những tòa nhà chọc trời. Chính sách tiền tệ lỏng lẻo, lãi suất thấp, tín dụng dễ dãi, giá nhà đất lên cao... dẫn dắt ý tưởng xây nhà chọc trời nhằm tiết kiệm diện tích đất sử dụng, kéo theo đó là những mối nguy lạm phát ở cấp độ công ty, khu vực, rồi lan ra khắp thế giới.

Nhìn lại lịch sử, các tòa nhà chọc trời xuất hiện luôn trùng với thời điểm kinh tế thế giới suy sụp:
-Tòa nhà Singer 186m mở cửa tại New York trong khủng hoảng thị trường năm 1907.
-Tòa nhà Empire State Building mở cửa năm 1931, vượt qua 40 Wall Street và Chrysler Building để thành tòa nhà cao nhất thế giới. Cả ba đều được lên kế hoạch xây dựng trước và hoàn tất sau Đại Khủng hoảng 1930.
-Hai tòa tháp của Trung tâm Thương mại Thế giới mở cửa vào năm 1972-1973, và tòa tháp Sears Tower (được đổi tên từ Willis Tower) mở cửa năm 1974, khi Hoa Kỳ hứng chịu khủng hoảng lạm phát và thất nghiệp.
-Tòa Tháp đôi Petronas tại Malaysia mở cửa năm 1998, khi khủng hoảng kinh tế châu Á lan rộng.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trên những nóc nhà thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO